Phóng to |
Bệnh nhân nhận thuốc điều trị diện bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM (ảnh chụp chiều 24-4) - Ảnh: Minh Đức |
Thực tế việc khống chế giá thuốc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đã đem lại hiệu quả thiết thực là nhiều công ty dược chấp nhận giảm giá thuốc thấp hơn giá trúng thầu vào bệnh viện.
Đồng ý giảm giá thuốc
"Đã trúng thầu thì phải mua, phải ký hợp đồng, không mua thì nhà thầu có quyền kiện. Tuy nhiên, về tình thì giá thuốc quá cao so với giá phổ biến chung là vô lý, không thể chấp nhận được" Ông Cao Văn Sang |
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, sau khi Bảo hiểm xã hội TP.HCM có văn bản (ngày 29-3) gửi các cơ sở khám chữa bệnh (gọi tắt là bệnh viện) BHYT về việc chỉ thanh toán tối đa giá của năm hoạt chất thuốc (theo tên thương mại và theo nhóm thuốc) theo giá phổ biến mà Bảo hiểm xã hội VN quy định thì nhiều công ty đã đồng ý giảm giá.
Cụ thể, Công ty CP xuất nhập khẩu y tế Domesco (Đồng Tháp) đồng ý giảm giá thuốc trúng thầu Dovocin 500mg vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) từ 9.734 đồng/viên xuống còn 7.300 đồng/viên. Tương tự, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (Yteco) cũng đồng ý giảm giá thuốc Levocil 500mg/100ml (Pakistan sản xuất) cho Bệnh viện Nguyễn Trãi từ 130.000 đồng/lọ xuống còn 120.000 đồng/lọ. Bác sĩ Võ Văn Tiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi - cho biết khi nhận được văn bản của Bảo hiểm xã hội TP, bệnh viện đã gửi văn bản qua Domesco và Yteco thương thảo về việc điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội và hai công ty này đồng ý giảm giá như trên.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng thương thảo với nhà thầu và thuốc Trafucef-S 2g cũng được Công ty TC Pharma đồng ý giảm giá từ 78.000 đồng/lọ (giá trúng thầu vào bệnh viện năm 2012) xuống còn 72.000 đồng (giá thương thảo cho năm 2013). Mặt hàng Levoquin 250mg cũng được Công ty Pymerpharco giảm giá từ 6.000 đồng/viên xuống còn 5.500 đồng/viên. Một số bệnh viện khác như Nhi Đồng 2, Q.7, đa khoa Vạn Hạnh cũng có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội TP báo cáo về việc sẽ thương thảo với nhà thầu để giảm giá cho phù hợp, hoặc xin được thanh toán thuốc theo giá cũ cho đến ngày 30-6 vì nhà thầu không chịu giảm giá nên phải tìm nhà cung cấp khác...
Riêng lẻ thì khó một giá
Theo một lãnh đạo bệnh viện lớn ở TP.HCM, cũng phải thấy mặt tích cực của văn bản 584 của Bảo hiểm xã hội VN. Qua danh mục giá phổ biến của 313 mặt hàng thuốc trúng thầu vào các bệnh viện mà Bảo hiểm xã hội VN thống kê cho thấy Bộ Y tế vẫn bất lực trong việc kiểm soát giá thuốc. Đấu thầu thuốc vào bệnh viện công vẫn mang tính hình thức, chưa hiệu quả, quỹ BHYT vẫn phải chi trả tiền thuốc bất hợp lý và người bệnh vẫn phải gánh giá thuốc cao. |
Theo bác sĩ Võ Văn Tiến, thực tế giá thuốc trúng thầu giữa các bệnh viện khó có thể như nhau vì mỗi bệnh viện tổ chức đấu thầu vào thời gian khác nhau. Ngoài ra, đấu thầu giá nào vào mỗi bệnh viện là do chiến lược kinh doanh, tính toán của nhà thầu - các công ty dược. Nơi nào mua số lượng nhiều thì giá có thể rẻ hơn và mua ít thì giá cao hơn. Cũng không thể nói bệnh viện đấu thầu mua thuốc giá cao vì các công ty dược đều kê khai giá thuốc và giá thuốc này được Cục Quản lý dược chấp nhận. Vì thế, giá thuốc trúng thầu dù cao nhưng vẫn thấp hơn giá doanh nghiệp kê khai với Cục Quản lý dược nên khi doanh nghiệp đi đấu thầu họ chào giá không vượt quá mức giá kê khai thì cũng không thể nói gì được họ. Do vậy, giá thuốc cao hay thấp là trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền chứ không phải là các bệnh viện.
Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói đòi hỏi giá thuốc trúng thầu vào các bệnh viện phải giống nhau là không thực tế. Muốn thuốc thống nhất một giá ở các bệnh viện thì phải tổ chức đấu thầu thuốc tập trung. Nguyên tắc đấu thầu là “thuận mua vừa bán”. Người mua bao giờ cũng muốn mua được giá rẻ nhất, người bán thì luôn muốn bán được giá “ngon” nhất. Nhà thầu chào giá bao nhiêu thì chỉ có nhà thầu biết và họ luôn tính toán nhiều yếu tố để có lợi nhất, như bệnh viện nào sử dụng thuốc nhiều thì giá sẽ thấp hơn bệnh viện mua số lượng ít. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các nhà thầu “thông thầu”, cùng bắt tay đẩy giá thuốc cao lên. Người mua cũng có thể vô tình bị hớ, bị gạt mà không biết. Chỉ khi các bệnh viện đấu thầu thuốc xong mới có dữ liệu so sánh để biết giá thuốc bệnh viện mình mua cao hay thấp hơn bệnh viện bạn.
Liên tục “rà” giá thuốc
Gia hạn hợp đồng mua thuốc y tế UBND TP.HCM vừa có văn bản về việc gia hạn hợp đồng mua thuốc y tế năm 2012 để sử dụng trong khi chờ kết quả đấu thầu năm 2013. Theo đó, UBND TP chấp thuận cho phép các cơ sở y tế công lập thuộc Sở Y tế TP và UBND quận huyện được mua bổ sung số lượng thuốc y tế để sử dụng đến tháng 6-2013, bằng hình thức ký kết phụ lục gia hạn hợp đồng mua thuốc y tế theo kết quả trúng thầu của năm 2012. Thời gian gia hạn hợp đồng được tính từ ngày hết hạn hợp đồng đến tháng 6-2013. T.Dương |
Ngày 25-4, trả lời Tuổi Trẻ một số vấn đề liên quan đến việc thanh toán thuốc BHYT theo giá phổ biến mà Bảo hiểm xã hội VN quy định, ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - nói năm 2012 các bệnh viện vẫn đấu thầu thuốc riêng nên giá trúng thầu thuốc của mỗi bệnh viện sẽ khác nhau. Về nguyên tắc đấu thầu thì các bệnh viện không sai vì họ thực hiện đúng theo các quy định về đấu thầu thuốc. Xét về gói thầu này ở bệnh viện này mua mặt hàng này của công ty này không sai, nhưng mình thiếu công đoạn so sánh gói thầu giống như vậy của bệnh viện này với nơi khác.
Thật ra, theo ông Sang, từ năm 2012 Bảo hiểm xã hội TP đã làm công tác rà soát toàn bộ giá thuốc trúng thầu ở các bệnh viện tại TP.HCM như Bảo hiểm xã hội VN đã làm và phát hiện nhiều bệnh viện có giá thuốc trúng thầu quá cao so với bệnh viện khác. Bảo hiểm xã hội TP đã có văn bản nhắc nhở và đề nghị bệnh viện thỏa thuận giá với nhà thầu và kết quả là nhiều loại thuốc đã giảm giá.
Theo ông Cao Văn Sang, nếu nói về lý thì giá thuốc trúng thầu vào các bệnh viện dù có cao cũng không sai vì tôi mua trên cơ sở giá trúng thầu. Đã trúng thầu thì phải mua, phải ký hợp đồng, không mua thì nhà thầu có quyền kiện. Tuy nhiên, về tình thì giá thuốc quá cao so với giá phổ biến chung là vô lý, không thể chấp nhận được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận