Quốc hội đề nghị báo cáo về thủy điện Đồng Nai 6 và 6ACho xây thủy điện 6, 6A là không bình thườngTiếp tục nói “không” với dự án thủy điện 6, 6A
Phóng to |
Đoàn Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội đi giám sát nơi làm dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A chiều 23-4 - Ảnh: ĐỨC TUYÊN |
Sáng 23-4, làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Trần Văn Tư - chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - nói: “Khi làm thủy điện, những cánh rừng đầu nguồn sẽ không còn. Tôi xin nói xui rủi mà vỡ đập dây chuyền ở thượng nguồn thì dân cư sống ven sông Đồng Nai và cả dân TP.HCM sẽ ra sao?”.
Ông Tư nói thêm: “Cái gì qua thời gian chúng ta thấy không hiệu quả, ảnh hưởng đến dân sinh thì dừng sớm là một quyết định sáng suốt. Tôi đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nữa”.
Tác động xấu đến người dân, môi trường
Tại cuộc họp, ông Đỗ Đức Quân - vụ trưởng Vụ Thủy điện (Bộ Công thương) - cho biết hai dự án chiếm dụng đất rừng trên 370ha nhưng so với các thủy điện khác diện tích để làm thủy điện ít hơn. Khi thực hiện dự án này, các loài động thực vật có bị ảnh hưởng nhưng không làm mất hẳn sự đa dạng sinh học. Hồ chứa của hai dự án thủy điện 6, 6A có dung tích nhỏ, đập thấp vì điều tiết chính nguồn nước vẫn là thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3 trên thượng nguồn.
"Dự án thủy điện có ảnh hưởng đến 3 triệu dân của Đồng Nai thì chúng tôi phải có trách nhiệm lên tiếng chứ. Thủy điện Sông Tranh và nhiều thủy điện khác đang là bài học nên cần phải tính toán cho kỹ. Phát triển nhưng đánh đổi rừng, đánh đổi sự thay đổi dòng chảy của sông Đồng Nai thì hệ lụy của nó ra sao? Gần 20 triệu dân ở Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh hạ lưu sẽ bị mất rất nhiều " Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư |
Mặt khác, Chính phủ chỉ đạo làm hệ thống vận hành liên hồ chứa nên không phải lo lắng. Khu làm dự án cũng không phải di dân, tái định cư nên không làm xáo trộn cuộc sống của dân, “không đến mức làm thay đổi tiêu chí của vườn quốc gia Cát Tiên, đặc biệt là khu Bàu Sấu...”(!). Ông Quân dẫn chứng cách làm thủy điện hiệu quả của các nước và gợi mở: “Ở ta khí sắp hết, than cũng nhập nên hai dự án thủy điện 6, 6A còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng cũng cần xem xét vì lợi ích chung!”.
Trả lời đoàn công tác về việc thẩm định hai dự án trên, ông Mai Thanh Dung, cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường), cho biết bộ vẫn đang thẩm định. Tuy nhiên, sau khi thành lập một hội đồng với 21 thành viên đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án 6, 6A cho thấy chủ đầu tư chưa đánh giá đầy đủ như khi thực hiện các tuyến truyền tải điện ảnh hưởng đến rừng ra sao. Chủ đầu tư cam kết trồng rừng nhưng trồng cây gì và cũng chưa làm rõ được phương pháp nghiên cứu đa dạng sinh học. Cũng theo ông Dung, báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư về sự thay đổi dòng chảy từ khu vực dự án ảnh hưởng đến hồ Trị An, vùng hạ lưu chưa thuyết phục.
Ngoài ra theo ông Dung, chủ đầu tư chưa dự báo các biện pháp chống xâm hại đến vườn quốc gia Cát Tiên khi có thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Chưa cập nhật, làm rõ phương án xả lũ ở dự án thủy điện Đồng Nai 5 và quy trình vận hành liên hồ. Chưa đánh giá ảnh hưởng của dự án đến sinh kế của người dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số ở vùng này. Ông Dung nói: “Chủ đầu tư có lấy ý kiến tham vấn nhưng chưa tham vấn ý kiến của người dân ở vùng hạ lưu theo đúng Luật bảo vệ môi trường”.
Trước ý kiến của Bộ Công thương, ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, phản biện: “Bộ Công thương đánh giá không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học là chưa xác đáng. Hai dự án khi được cho phép đặt xuống rừng sẽ chia cắt đường di chuyển của động vật. Trong quá trình thi công cũng sẽ phá vỡ thảm thực vật, làm suy giảm nước sông. Người dân đang sống với thiên nhiên bây giờ đặt dự án nói nâng cao văn hóa là không đúng đặc trưng văn hóa cộng đồng”. Bà Phan Thị Mỹ Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nói: “Đồng Nai đề nghị không làm dự án 6, 6A vì sẽ tác động xấu đến người dân và nhà máy thủy điện Trị An”.
Phóng to |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: hà mi |
Mất rừng là mất hẳn
Trước ý kiến phản đối của tỉnh Đồng Nai, ông Bùi Pháp - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư dự án - nói: “Chúng tôi sẽ tuân thủ các nguyên tắc mà Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đặt ra. Tôi cam kết nếu có dự án 6, 6A sẽ không tăng thêm lũ lụt. Chúng tôi tính toán sản lượng điện đóng góp cho sự phát triển kinh tế là 1 tỉ kWh, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 325 tỉ đồng”. Ông Pháp chỉ tay sang một số nhà khoa học đi theo ông rồi nói: “Đây là dự án với sự cố vấn uy tín hàng đầu của VN. Chúng tôi luôn cầu thị lắng nghe các góp ý chân chính. Chúng tôi cam kết trồng lại rừng hoặc trồng nhiều hơn, đồng thời làm các việc an sinh xã hội để giúp dân và xây trạm kiểm lâm để chống phá rừng, xây trạm y tế, trường học...”.
Khi ông Pháp vừa dứt lời, ông Trần Văn Tư nói: “Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A chưa thực hiện nhưng hạn hán đã xảy ra ở Đồng Nai. Trạm bơm, hồ Trị An cũng từng thiếu nước nhiều năm do làm thủy điện ở đầu nguồn sông Đồng Nai. Mất 1ha rừng tự nhiên, chủ đầu tư nói cho trồng lại nhưng cũng không thể bù đắp được. Làm thủy điện, mất rừng tự nhiên là mất hẳn. Nhà đầu tư cũng nói đảm bảo an sinh, công ăn việc làm cho dân nhưng không lớn. Mất sẽ nhiều hơn được nên tôi đề nghị đoàn công tác xem xét thấu đáo vấn đề này”.
Tại cuộc họp, với tư cách đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trương Văn Vở đặt vấn đề: “Chúng tôi kiến nghị dừng dự án thủy điện 6, 6A không chỉ cho Đồng Nai mà vì qua phân tích, chúng tôi nhận thấy nếu dự án được Chính phủ cho phép thực hiện thì nó ảnh hưởng đến sinh thái, văn hóa của vùng. Phải tính toán cái được, cái mất. Hai dự án sẽ đóng góp lượng điện chỉ chiếm 0,3% tổng công suất điện lưới quốc gia mà đánh đổi đến trên 370ha rừng thì dứt khoát phải xem xét”.
Theo ông Vở, tháng 10-2012 Bộ NN&PTNT báo cáo phá rừng làm thủy điện chiếm gần 20.000ha, trong đó có trên 3.000ha rừng đặc dụng và gần 4.500ha rừng phòng hộ cùng các loại rừng khác. “Nhưng số rừng trồng lại trên diện tích bị mất chỉ đạt 3%, vậy chúng ta có thuận với thiên nhiên như tinh thần phát huy đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc?” - ông Vở dẫn chứng.
Sau khi lắng nghe nhiều phía, ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - cho biết: “Tôi đồng ý quan điểm phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi, phải bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng tiếp thu ý kiến của chủ đầu tư. Đoàn công tác sẽ báo cáo đầy đủ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận