Đến thăm là thấy khổ tâm, bệnh viện như trại tị nạn
Phóng to |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Các bệnh viện phải mở rộng khu khám bệnh, đầu tư trang thiết bị cho phòng khám, buồng bệnh, nếu không sẽ bị phạt! - Ảnh: Việt Dũng |
13 câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 17-4 đã nêu ra nhiều vấn đề bức xúc như siết chuyển viện, giảm quá tải, nhiêu khê thủ tục khám chữa bệnh...
Theo bà Tiến, nếu đến Bệnh viện ung bướu TP.HCM vào ban ngày còn đỡ chứ buổi tối thì như trại tị nạn. “Đi thăm bệnh viện rất khổ tâm, 60% bệnh nhân không cần thiết phải đi khám chữa bệnh ở tuyến trên dẫn đến quá tải. Nhiều bệnh nhân đi tập thể dục buổi sáng xong đi khám bệnh mà 3g chiều mới lấy được thuốc. Các nước bệnh nhân vượt tuyến phải đồng chi trả 60-70% chi phí, ở ta mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế thấp, viện phí tuyến trên không cao hơn tuyến dưới là bao, nhưng quan trọng là không có niềm tin với y tế tuyến dưới”, bà Tiến giải thích.
Giảm tải bệnh viện khác giảm tải chuyến xe
Chính vì nỗi bức xúc này mà bộ trưởng Bộ Y tế tỏ ra rất sốt sắng, quyết liệt với dự định siết chuyển tuyến, mà theo bà là “băn khoăn hai năm nay rồi, nhưng lần này quyết tháng 6 phải ra”. Theo đó, bệnh viện tuyến trên, hạng đặc biệt, hạng 1 làm các dịch vụ y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng làm được (ngoại trừ cấp cứu), tinh thần thái độ phục vụ kém, thời gian chờ đợi của bệnh nhân kéo dài thì bị phạt, hạ bậc bệnh viện, bảo hiểm xã hội không ký hợp đồng khám chữa bệnh nữa.
Cửa riêng cho bệnh nhân lớn tuổi Tại buổi trả lời Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tới đây sẽ yêu cầu các bệnh viện phải có cửa khám bệnh dành riêng cho người già trên 75 tuổi, người có công... Các bệnh viện cũng phải mở rộng khu khám bệnh, thêm phòng khám bệnh, dành nguồn thu từ viện phí mới để đầu tư trang thiết bị cho phòng khám, buồng bệnh, nếu không sẽ bị phạt. Tính đến năm 2012 đã có 66,8% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, tỉ lệ sử dụng quỹ là 92,3%, riêng khu vực trung du và miền núi phía Bắc chỉ dùng hết 79% quỹ bảo hiểm y tế do dịch vụ y tế hạn chế và khó khăn về địa lý. Năm 2012, cả nước sử dụng dưới 95% quỹ bảo hiểm y tế, riêng ĐBSCL chi vượt quỹ (chi 109% thu). |
Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai tỏ ra không đồng tình với cách làm này của Bộ Y tế. “Chúng ta quan niệm giảm tải bệnh viện giống với giảm tải chuyến xe trong khi đây là hai vấn đề khác nhau, muốn giảm tải chuyến xe thì giảm hàng và người xuống, còn bệnh viện phải làm tốt tại bệnh viện vệ tinh, làm tốt rồi thì tự nhiên giảm tải bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế căn cứ vào đâu mà đưa ra con số vô cảm sau khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh thì giảm tải 15%? Nếu bệnh nhân ổn định chuyển về tuyến dưới tức một ông chữa, một ông giúp bình phục, nếu sự cố xảy ra trong quá trình bình phục thì lỗi tại ai?” - đại biểu Lai chất vấn.
Theo Bộ trưởng Tiến, bệnh viện vệ tinh chỉ là một trong số những đề án cùng có mục tiêu giảm tải mà Bộ Y tế đang triển khai, bên cạnh đề án bác sĩ gia đình, đưa bác sĩ trẻ giỏi nghề về 62 huyện nghèo... “Khác với đề án 1816 (đưa bác sĩ tuyến trên về hướng dẫn cho tuyến dưới) trước đây còn chung chung, đề án bệnh viện vệ tinh lần này là chuyển giao công nghệ cho bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh phải vững vàng làm chủ công nghệ, điều trị được cho bệnh nhân tại tỉnh. Chuyển bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục về tuyến dưới nhiều nước đã làm, VN hiện nay cũng làm rồi, mổ sinh xong thì về nhà hộ sinh thay băng, chăm sóc, cứ nằm ở Phụ sản trung ương thì phải 3-4 người/giường”- bà Tiến trả lời.
Bối rối quỹ bảo hiểm y tế
Quỹ bảo hiểm y tế đã kết dư tới trên 12.800 tỉ đồng trong ba năm vừa qua (trong đó năm 2012 kết dư hơn 5.000 tỉ đồng nhưng chưa quyết toán), trong khi cơ quan bảo hiểm vẫn đang “nợ” bệnh viện tới 648 tỉ đồng khiến bệnh viện khó khăn. Ông Nguyễn Minh Thảo, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết trong số 648 tỉ đồng kể trên, có tới 40 tỉ đồng bệnh viện và tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm, quỹ bảo hiểm sẽ không chi, trong đó có những lý do theo ông Thảo là “bảo hiểm làm đúng luật”, như Nam Định để mức viện phí kịch khung nhưng lại không có cơ cấu giá kèm theo, tỉnh Phú Thọ đấu thầu thuốc xong thì giá thuốc cao hơn hẳn các tỉnh bạn...
Tuy nhiên, “quyền” của người cầm tiền khiến cơ quan bảo hiểm có quyền hơn lúc nào hết. Theo đại biểu Trần Ngọc Tăng (nguyên chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN), đi giám sát Sơn La thấy Sở Y tế rồi bệnh viện lép vế, bệnh viện đang xây dựng thiếu tiền, ngổn ngang gạch cát mà quỹ bảo hiểm y tế thừa 241 tỉ đồng không tiêu hết nhưng không thấy ai đề nghị chuyển sang cho bệnh viện. Theo Bộ trưởng Tiến, đó là tự ngành y tế làm mình lép vế chứ không phải do ai lấn át. “Ở cấp trung ương, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội đã phối hợp tốt, ba tháng giao ban/lần, nhưng ở địa phương thì sở y tế không có phòng bảo hiểm, không có cán bộ chuyên trách, khi có việc không có ai đề xuất”- bà Tiến giải thích.
Sẽ... và sẽ...
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Tiến dùng rất nhiều từ “sẽ”, trong đó có việc trong tuần này bà sẽ ký ban hành quy trình khám chữa bệnh, làm sao các giấy tờ thủ tục yêu cầu bệnh nhân phải giảm đi, trước bệnh nhân bảo hiểm y tế phải sáu chữ ký, nay giảm xuống bốn chữ ký, các biểu mẫu phải giảm hơn, đừng để bệnh nhân đi photo giấy tờ nhiều. Rồi tháng 6 tới sẽ ban hành quy định về chuyển tuyến bệnh viện...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, đến nay vẫn còn tới 50% người lao động chưa có bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh phải bỏ tiền túi tức là vấn đề an sinh xã hội còn nhiều băn khoăn. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN giảm tải bệnh viện, giảm phiền hà cho người dân, nhưng cũng đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng quyền khám chữa bệnh, đúng với nguyên tắc chia sẻ khi tham gia bảo hiểm. Khi đó trở lại với thắc mắc của đại biểu Lê Văn Lai, nếu làm tốt bệnh viện vệ tinh thì tức khắc sẽ giảm tải bệnh viện hạt nhân, chứ không thể đánh đồng giảm tải bệnh viện và giảm tải chuyến xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận