10/04/2013 08:32 GMT+7

Nhiều vấn đề bức xúc cần Quốc hội ra tay

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của hai dự án khai thác bôxit Tân Rai và Nhân Cơ là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác giám sát của Quốc hội trong năm 2014.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 17 khai mạc sáng 9-4, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan, có tới 205 nội dung kiến nghị cho chương trình giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong năm 2014. Bức xúc trải đều trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm...

Thừa nhận “đang có nhiều nội dung rất bức xúc đòi hỏi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ra tay”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị phải có chương trình giám sát về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long và vấn đề giữ cho được 3,8 triệu ha lúa. “Quốc hội phải giám sát, sau đó có nghị quyết, có biện pháp xử lý, nếu không sẽ muộn” - ông Phước cảnh báo.

Chưa giải thích thỏa đáng

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị: “Năm nào chúng ta cũng thấy nổi lên những vấn đề của thủy điện rất là lớn, nhưng chưa có những giải thích thỏa đáng. Dự án Tân Rai, Nhân Cơ cũng đang là một vấn đề bức xúc cần phải giám sát”.

Liên quan đến thủy điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: “Đúng là có rất nhiều vấn đề bức xúc. Tôi đi Đà Nẵng gặp ông Huỳnh Nghĩa (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng). Ông Nghĩa nói về vấn đề thủy điện sẽ đưa ra kỳ họp Quốc hội này. Ông Trương Văn Vở ở Đồng Nai gặp tôi cũng nói sẽ phát biểu tại kỳ họp này”.

“Vấn đề giám sát thủy điện thì giải quyết được bức xúc dư luận, nhưng giám sát xong thì làm gì nữa, lối ra thế nào?” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bình luận. Ông nói: “Tôi nghĩ nếu nhìn về tương lai thì vấn đề năng lượng là đặc biệt quan trọng. Giai đoạn khủng hoảng thế này thì chưa thấy thiếu năng lượng, nhưng khi kinh tế phát triển nhanh hơn thì đây là vấn đề bức bách. Ủy ban Kinh tế đề xuất giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng”. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tha thiết đề nghị Quốc hội giám sát những vấn đề liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại. “Trong thực tế hiện nay thì đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là vấn đề mà nhiều cơ quan, đơn vị, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần phải giám sát”- ông Hiện nói.

Phải làm cho “ra ngô ra khoai”

“Thời gian qua giám sát nhiều nhưng phải nói rằng kết quả đi vào cuộc sống thì ít, nhiều kết luận giám sát không được giám sát lại. Cần phải giám sát tới cùng, tránh trường hợp đã giám sát rồi nhưng hậu quả vẫn xảy ra như Vinalines, Vinashin” - trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nhận xét. Bà Nương cho rằng Quốc hội không nên giám sát dàn trải mà cần tập trung lực lượng, đi sâu vào một vài lĩnh vực, vấn đề bức xúc, làm cho “ra ngô ra khoai”.

Tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị trình ba chuyên đề để Quốc hội lựa chọn hai chuyên đề giám sát trong năm 2014 bao gồm: việc thực hiện các quy định của pháp luật trong xây dựng các công trình thủy điện; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; việc thực hiện chính sách giảm nghèo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung giám sát hai chuyên đề: biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh của hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ. Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cũng được bổ sung vào chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối năm 2013.

Các chuyên đề khác như chính sách pháp luật về phát triển năng lượng; giữ 3,8 triệu ha lúa; công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống sân bay, cảng biển tại các địa phương; việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2006-2013... được giao cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của mình và báo cáo kết quả với Quốc hội.

Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua chương trình giám sát vào kỳ họp tháng 5.

Nhiều phiên họp kín

Theo thông cáo của Trung tâm báo chí (Văn phòng Quốc hội), phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều buổi họp kín (báo chí không được dự và đưa tin) về các nội dung: nghe báo cáo kết quả giám sát về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật phòng chống khủng bố, đề án nội quy phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông qua đề án đổi mới Văn phòng Quốc hội, việc đàm phán, ký kết thỏa thuận cấp chính phủ giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên