09/04/2013 16:56 GMT+7

Kết nối giao thông vận tải VN với các nước

N.ẨN
N.ẨN

TTO - Ngày 9-4, hội nghị lần thứ 37 nhóm công tác giao thông vận tải khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại TP.HCM.

0WkDNobx.jpgPhóng to
Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị nhóm công tác giao thông vận tải khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 37. Ảnh: MINH ĐỨC

Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh VN đã tích cực, chủ động đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định vận tải với các nước. Qua đó tăng cường kết nối giao thông với các nước láng giềng và khu vực tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người và hàng hóa, thúc đẩy thương mại du lịch và đầu tư. Hiện nay, VN cũng đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực đường thủy nội địa, vận tải ven biển và đường sắt nhằm phát triển giao thông vận tải theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường và khí hậu.

Trả lời các câu hỏi báo chí xung quanh sự kiện trên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết chủ đề của hội nghị APEC là kết nối phát triển bền vững và giao thông xanh nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Theo đó VN sẽ đầu tư các tuyến giao thông thủy ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị có sự tham gia của khoảng 220 đại biểu từ 21 nền kinh tế của các nước trong khối APEC.

Trong đó tăng cường đầu tư bến bãi, đầu tư các đội tàu bằng nhiều phương thức đầu tư để vận tải thủy đạt 40-60% khối lượng vận tải hàng hóa và tăng cường vận tải công cộng bằng đường sắt. Phấn đấu trước năm 2020 Hà Nội và TP.HCM mỗi địa phương có 1 đến 3 tuyến đường sắt và đến năm 2030 mỗi địa phương có 5 tuyến đường sắt.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nhà nước đang từng bước đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, tập trung xây dựng đường cao tốc từ Hà Nội hướng ra các tỉnh phía Bắc và từ TP.HCM hướng về các tỉnh phía Nam và các đường cao tốc này đều hướng đến biên giới các nước và hướng ra biển. Phấn đấu đến năm 2020 VN sẽ có 600km đường cao tốc và đến năm 2025 có 4.000km đường cao tốc đến các vùng kinh tế trong nước và nối ra quốc tế. Đồng thời sẽ kết nối hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy một cách linh hoạt nhất.

Trả lời về việc triển khai đầu tư các tuyến metro ở TP.HCM quá chậm, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng vốn đầu tư không thiếu, nhưng vướng mắc lớn nhất là đền bù giải tỏa. Về vấn đề này Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc với TP.HCM với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án metro.

Tiếp tục trả lời câu hỏi vì sao việc Nhà nước đã thu phí bảo trì đường bộ nhưng TP lại xây trạm thu phí đường hầm vượt sông Sài Gòn (hiện nay chưa thu phí), thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng về chủ trương Chính phủ quy định khi thu phí bảo trì đường bộ thì chỉ giữ lại các trạm thu phí đầu tư theo hình thức BOT. Về việc có hay không thu phí qua đường hầm vượt sông Sài Gòn, HĐND TP.HCM cần nên hỏi ý kiến người dân. Nếu người dân không đồng tình thì HĐND cần xem xét, quyết định.

N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên