07/04/2013 08:45 GMT+7

Không có trận đánh nào không có hi sinh

PHAN SÔNG NGÂN - VĂN KỲ
PHAN SÔNG NGÂN - VĂN KỲ

TT - Ở ngày làm việc thứ hai (6-4) của Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa), ngoài ý kiến về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu còn thảo luận về sức khỏe doanh nghiệp và cải cách thể chế.

“Tái cơ cấu” đề án... tái cơ cấu

4Wa0xfHT.jpgPhóng to
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 Ảnh: VĂN KỲ

Tổng kết diễn đàn vào cuối chiều qua, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Đây là một diễn đàn rất thẳng thắn, cởi mở, có trách nhiệm. Tôi nghe rất thích thú, dù có những vấn đề không như ý mình nghĩ”. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục duy trì và mở thêm Diễn đàn kinh tế mùa thu hằng năm...

“Tôi xin lấy đầu tôi ra đảm bảo”

Xung quanh đề án tái cơ cấu kinh tế, TS Nguyễn Bích Hồ (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết đây là vấn đề ông dành nhiều thời gian suy nghĩ nhất trong nhiều tháng nay. Một trong những ý kiến mà ông nói “tha thiết lắm” là kiến nghị “thành lập ủy ban đặc biệt” và “phải đưa đề án trình Quốc hội, nếu được thì Quốc hội ra nghị quyết thực hiện, chứ nếu để như hiện nay đề án được ban hành theo quyết định của Thủ tướng là quá thấp...”.

Còn PGS-TS Lê Xuân Bá - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - lên tiếng: “Tôi xin lấy đầu tôi ra đảm bảo không có chính sách nào không có mặt xấu”. Theo ông, đề án tái cơ cấu kinh tế đã đưa ra cái chung nhất, còn các doanh nghiệp, từng ngành, từng địa phương phải làm mới là tái cơ cấu kinh tế. Ông Bá cũng cho rằng “không có trận đánh nào không có hi sinh. Nếu doanh nghiệp xấu không cho chết, ngân hàng xấu không cho phá sản... thì tái cơ cấu kinh tế ở đâu?”.

Đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế trong thực tế chỉ là khởi động chứ chưa nhiều kết quả, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá chưa có một sự chuyển biến cụ thể nào trong từng nội dung của đề án tái cơ cấu... Tuy nhiên, bà Ngân cho rằng cần xác định tái cơ cấu kinh tế phải trong thời gian dài và trên cơ sở nguồn lực đất nước. “Thời gian tới cần tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện đề án này. Tiếp tục làm thật tốt còn hơn là loay hoay làm cái mới, thành lập ban chỉ đạo mới” - bà Ngân phân tích.

Về những ý kiến liên quan đến việc chuyển đề án tái cơ cấu kinh tế để Quốc hội xem xét ra nghị quyết, bà Ngân cho biết Quốc hội không ra một nghị quyết riêng về đề án tái cơ cấu mà chỉ giám sát kiểm tra việc thực hiện đề án này.

Có cả “mất niềm tin...”

Sức khỏe doanh nghiệp cũng được đề cập ở diễn đàn với nhiều tâm trạng. TS Trịnh Quang Anh - giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế thuộc Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam - đã “xin được nói tiếng nói của thị trường” khi đề cập đến vấn đề nợ xấu và tình cảnh của doanh nghiệp. Theo TS Anh, bây giờ có thêm thuật ngữ mới đó là tài sản xấu. Và tình trạng như hiện nay thì khi nợ xấu “lên đến con số triệu tỉ cũng chẳng có gì giật mình” và “không thể bắt doanh nghiệp chạy nhanh bằng một chân được”. Bởi trong đó có những nguyên nhân đã thuộc về “rối loạn nội tiết”.

TS Phạm Thị Thu Hằng - tổng thư ký VCCI - thông tin trong ba tháng đầu năm nay có 15.700 doanh nghiệp thành lập mới thì có đến 15.300 doanh nghiệp khác đóng cửa, giải thể. Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá trong năm năm vừa qua doanh nghiệp nhà nước cũng bị chao đảo, mất đi nhiều lắm. Giờ doanh nghiệp kêu gọi liên kết với nhau rất khó khăn, bởi có cả “mất niềm tin và sự chia rẽ trong xã hội”.

PHAN SÔNG NGÂN - VĂN KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên