14/03/2013 10:30 GMT+7

Gạc Ma-tháng 3 không quên: Chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền

THU HÀ
THU HÀ

TT - Không được quên lịch sử, phải chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền. Những bài học đó được ôn lại nhân 25 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma rơi vào tay quân Trung Quốc xâm chiếm.

JnTRkwR6.jpgPhóng to
Đại tá Quách Hải Lượng - Ảnh: T.Hà

Đúng ngày này 25 năm trước, ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hi sinh, ba tàu hải quân bị bắn cháy trong cuộc chiến không cân sức. Cũng từ ngày này, đảo Gạc Ma rơi vào tay quân Trung Quốc xâm chiếm. Một phần tư thế kỷ trôi qua, quá khứ bi tráng, hào hùng, đớn đau đó đang được hậu thế ôn lại...

“Chúng ta nhìn lại sự kiện Gạc Ma 1988 và toàn bộ lịch sử quan hệ Việt - Trung để từ những bài học đau đớn đó xác định đường lối chiến lược ngoại giao đúng đắn và giảm tối đa thiệt hại cho mình” - đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Đại sứ quán VN tại Trung Quốc (TQ), chia sẻ với Tuổi Trẻ trong những ngày tháng 3 bi tráng.

758WaI2y.jpgPhóng to
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh với bà Lê Thị Muội (mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự) gặp nhau ở Đà Nẵng chiều 13-3 - Ảnh: Đăng Nam

Hoàn toàn bất ngờ

"Cần tranh thủ mọi diễn đàn để nói với quốc tế, với nhân dân ta và cả nhân dân TQ biết những sự thật lịch sử. Với nhân dân ta, chúng ta có thể nhắc nhở hằng ngày, trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Với quốc tế và nhân dân TQ, chúng ta nên tổ chức những diễn đàn khoa học, mời các học giả hàng đầu của TQ đến VN tranh luận công khai, bình đẳng, hữu nghị để đi đến chân lý về chủ quyền của chúng ta"

Đại tá Quách Hải Lượng

* Thưa đại tá, 25 năm trước, khi hải quân TQ tấn công tàu hải quân VN và chiếm đảo Gạc Ma, liệu chúng ta có bị bất ngờ?

- Lúc đó quan hệ hai bên còn khá căng thẳng, tôi đã ở Bắc Kinh về được hai năm (ông Lượng là tùy viên quân sự tại Bắc Kinh từ năm 1981-1986) và công tác tại Học viện Quân sự cấp cao, ban nghiên cứu chiến lược quân sự TQ. Chúng ta không thể lường được họ có thể nã pháo thẳng vào tàu vận tải, xả súng tấn công những người lính không có vũ khí trong tay. Rõ ràng họ đã chủ động tấn công và có mưu đồ xâm chiếm.

* Không chỉ tấn công quân sự, TQ còn chủ động giáo dục và chủ động thông tin. Vậy chúng ta cần làm gì để đối phó với sự chủ động này mà vẫn cố gắng hết sức tránh xung đột?

- Trước hết, cần phải hiểu TQ đã làm gì và đang làm gì với VN? Thời Báo Hoàn Cầu thuộc Nhân Dân Nhật Báo - tiếng nói của Đảng Cộng sản TQ - liên tục đưa ra những phân tích, xã luận, những bài viết có trích dẫn “như thật” tạo nên một hình ảnh VN rất xấu, hiếu chiến và xâm lược trong mắt người TQ. Có những bài viết dẫn lời một chỉ huy cao cấp của Bộ tổng tham mưu Bộ Quốc phòng VN nói: “Quân đội VN sẽ đánh thẳng đến Bắc Kinh” (!?) mà tên tuổi nhân vật đó không hề có thật. Nhưng người TQ tin, vì chúng ta không tự đứng ra nói lại cho nhân dân TQ hiểu.

Khi tôi ở TQ, từ đầu những năm 1980, Trung ương Đảng Cộng sản TQ đã tập hợp một số nhà sử học, địa lý viết một bộ sách sáu tập về biển Đông, trong đó bắt đầu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của TQ, biển Đông của TQ. Bộ sách ban đầu lưu hành nội bộ, nhưng sau đó TQ đề ra chiến lược “xâm lược bằng bản đồ”, bộ sách được in công khai bằng hai thứ tiếng Hoa - Anh. Đáng buồn là giới học giả TQ không ai lên tiếng phản đối. Quách Mạt Nhược, một học giả nổi tiếng mà VN rất tôn trọng, còn viết thêm bộ sách hai tập nữa, trong đó cũng khẳng định chủ quyền biển Đông là biển Nam Trung Hoa của TQ.

Chúng ta cần khai thác triệt để và hiệu quả những nguồn tài liệu mình đang có. Đơn cử như một tư liệu trong cuốn Sự thật 30 năm quan hệ VN - TQ của Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia do bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chủ biên ghi chép rất rõ: Năm 1963, trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo ba đảng có xu hướng cộng sản Indonesia, Lào và VN, thủ tướng TQ Chu Ân Lai đặt vấn đề: “Đất nước chúng tôi thì rộng nhưng không có đường ra biển, đề nghị Đảng Cộng sản VN mở đường ra biển giúp chúng tôi”. Nếu lúc đó họ đã có thực quyền trên biển Đông, sao còn phải đặt vấn đề mượn đường ra biển? Sử liệu của cả bốn đảng chắc chắn còn ghi chép sự kiện này, chúng ta phải khai thác một cách hữu hiệu và thuyết phục.

AXCgFpz4.jpgPhóng to
Đồng đội và di ảnh liệt sĩ Trương Văn Thịnh hi sinh ngày 14-3-1988 tại Gạc Ma, Trường Sa - Ảnh: HUỲNH HIỀU

Không được quyền quên lịch sử

* Thưa đại tá, cũng không ít người cho rằng chúng ta nên “xếp lại quá khứ, hướng đến tương lai”?

- Chúng ta chưa bao giờ hết bị gây sức ép, vì chúng ta luôn ở thế bị giằng co giữa các thế lực siêu cường. Chúng ta chỉ có thể chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền nếu chúng ta đủ mạnh. Nhưng nếu muốn trở nên hùng mạnh, chúng ta cần trước hết là hòa bình và ổn định. Do vậy, điểm mấu chốt trong quan hệ với TQ vẫn là hòa mục.

Là một người lính và làm ngoại giao trong giai đoạn quan hệ hai nước căng thẳng nhất, tôi thấy chủ trương của Nhà nước hiện nay là sáng suốt: kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng kiên quyết giữ gìn hòa bình, không mắc mưu khiêu khích.

TQ có thể luôn luôn dọa dẫm gây chiến tranh nhưng thế giới ngày nay đã khác, không thể có chuyện một quốc gia dễ dàng gây chiến với quốc gia khác mà Liên Hiệp Quốc không can thiệp. Nhưng có những xung đột ở cấp độ thấp hơn - như vụ Gạc Ma, mà khi thế giới biết thì chuyện đã xong rồi - TQ là bậc thầy của những “chuyện đã rồi” và là người khai sinh ra chiêu thật giả - giả thật kiểu binh pháp Tôn Tử. Họ rất biết chúng ta không muốn chiến tranh (có dân tộc nào bị đặt vào tình thế phải tham chiến liên miên như chúng ta?) nên luôn dọa gây chiến như một sức ép... Và chúng ta phải đủ sự hiểu biết về TQ, đủ tỉnh táo và đủ mạnh để biết khi nào họ chỉ dọa, khi nào họ dám hành động như vụ Gạc Ma. Và cũng vì thế để có thể hướng đến một tương lai hòa bình trên biển Đông và trên toàn khu vực, không thể và không được quyền quên lịch sử đã diễn ra đau đớn như thế nào.

Hồi ức hải chiến Trường Sa

Chiều 13-3, ông Thái Thanh Hùng - chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng - cho biết chương trình giao lưu Hướng về Trường Sa thân yêu diễn ra tại Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng vào sáng 14-3, đúng ngày kỷ niệm 25 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma sẽ có sự góp mặt của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại úy Nguyễn Văn Lanh - người có mặt trong sự kiện bi tráng ngày 14-3-1988. Theo ông Hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh sẽ kể hồi ức về trận hải chiến năm 1988 để các bạn trẻ hiểu hơn những hi sinh mất mát mà thế hệ trước đã trải qua nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

* Cùng ngày, ông Đào Thái Thi - trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên - cho biết buổi họp mặt truyền thống hằng năm tưởng niệm đồng đội hi sinh ở Trường Sa do ban liên lạc tổ chức diễn ra sáng nay (14-3) tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) với sự tham dự của các cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, Khánh Hòa và cựu lãnh đạo Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân). Đây là năm thứ bảy (tính từ năm 2006), ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên tổ chức hoạt động này.

ĐOÀN CƯỜNG - HU.H.

Thượng tá Phạm Quang Trung (bí thư Đảng ủy, chính trị viên đảo Trường Sa Lớn): Khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc

Trong những ngày này, trên đảo Trường Sa Lớn chúng tôi tổ chức cho cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, nhân dân trên đảo tham gia các hoạt động về nguồn: dâng hương, viếng đài liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn để tưởng nhớ sự kiện ngày 14-3-1988. Trong những buổi sinh hoạt tập trung, chúng tôi đều ôn lại truyền thống vẻ vang của hải quân VN để ý thức rõ ràng rằng từng tấc đất, từng mét biển mà cha anh gìn giữ và để lại có thấm máu xương, thông qua đó khơi dậy lòng yêu biển, yêu đảo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong từng cán bộ, chiến sĩ để mỗi người có ý thức trách nhiệm và vững vàng hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trung sĩ Dương Minh Triều (21 tuổi, đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn): Chúng tôi sẽ sống như các anh

Quê tôi ở TP.HCM, đã ra công tác tại đảo được hơn một năm rồi. Trong thời gian huấn luyện tân binh, lần đầu tiên tôi được nghe kể câu chuyện về sự kiện ngày 14-3-1988. Cho tới bây giờ, dù đã nghe đi nghe lại nhiều lần về sự kiện này, mình vẫn nghe vẹn nguyên cảm giác xúc động bồi hồi lẫn tự hào căng đầy trong lồng ngực: tự hào được khoác áo chiến sĩ hải quân VN. Trong những lần tâm sự, trò chuyện, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng nếu ở trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi cũng sẽ hành động như các anh: dù bất cứ giá nào, dù hi sinh thân mình cũng quyết tâm bảo vệ lá cờ của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền trên từng tấc đảo, mét biển quê hương.

Nguyễn Lâm Trâm Anh (giảng viên Trường ĐH Sài Gòn): Khoảnh khắc không quên

Tôi đã may mắn được tới Trường Sa. Gần hai năm qua, tôi không thể quên được khoảnh khắc cả đoàn chúng tôi đứng lặng người, mặc áo cờ đỏ sao vàng làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân đã hi sinh ở vùng biển Gạc Ma trong sự kiện ngày 14-3-1988 trên con tàu HQ 996. Cảm giác vẫn còn nóng hổi trong lòng tôi. Hai năm qua, tôi biết rõ chính khoảnh khắc “lặng người” đó đã giúp tôi hiểu rõ giá trị của cuộc sống và lý tưởng của một đời người: sống có ích, sống vì người khác, sống biết quên mình và tự hào mình là một người trẻ của một dân tộc anh hùng. Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc VN và những ký ức Trường Sa sẽ sống mãi trong lòng những người trẻ chúng tôi để soi rọi và nhắc nhở.

MAI HƯƠNG ghi

Làm điều tốt nhất cho biển đảo

Hôm nay, Lữ đoàn 125 cùng gia đình các liệt sĩ làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ anh hùng của mình đã hi sinh 25 năm trước ở đảo Gạc Ma. Hôm nay, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức triển lãm hình ảnh Trường Sa và bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo VN. Hôm nay, các nhóm sưu tầm “Tổ quốc em có nhiều đảo” của Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) đang hối hả bổ sung những tư liệu cuối cùng cho ngày triển lãm 18-3 sắp tới...

Cần nhắc lại câu chuyện bi tráng máu đỏ hòa vào biển xanh 25 năm trước. Nhưng cũng không thể không nhắc về những hi sinh nối tiếp hi sinh mà 64 gia đình cùng rất nhiều đồng đội của các liệt sĩ Gạc Ma đã âm thầm chịu đựng bao năm qua. Là những giọt nước mắt và giấc mơ được gặp cha mà cô bé Trần Thị Thủy, con gái anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, đã rơi và đã mơ suốt từ thời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành. Là niềm tự hào về người cha anh hùng xen lẫn nỗi tủi thân bơ vơ của cậu bé mất cha Vũ Xuân Đăng, con trai anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Là những đêm mỏi mòn của những người vợ mất chồng, là sự xót xa của những ông bố bà mẹ mất con. Là những hi vọng được thấy lại nắm xương cốt của người thân cứ tan đi mỗi ngày như viết lên trên cát. Và trên hết là sự chịu đựng mất mát của tất cả họ, vì một mục đích lớn lao hơn là giữ gìn hòa bình cho đất nước, giữ gìn sự vẹn toàn cho hàng ngàn gia đình khác.

Hôm nay, 14-3, khi câu chuyện ấy được kể lại, Trần Thị Thủy và Vũ Xuân Đăng đã nối bước cha trở thành chiến sĩ hải quân, nguyện tiếp tục dâng đời mình cho Tổ quốc. Nhiều ông bố bà mẹ của các liệt sĩ đã ra đi, không chờ nổi nắm xương của con mình như ông Hoàng Sĩ, bố liệt sĩ Hoàng Ánh Đông. Nhiều nỗ lực tìm kiếm, trục vớt kể cả ngoại giao của các đồng chí, đồng đội, đồng bào để trả nghĩa, trả tình, hoàn tất nhiệm vụ với các liệt sĩ đã và đang được thực hiện. Cũng trong im lặng. Im lặng cống hiến, im lặng ra đi, im lặng tìm kiếm. Những sự im lặng đáng được vinh danh.

Tôi là một người được nghe người trong cuộc kể lại câu chuyện Gạc Ma. Cũng là người được hưởng một cuộc sống bình yên nhờ những liệt sĩ Gạc Ma và các đồng đội của họ, hôm nay trong số ấy còn có cả con của các liệt sĩ. Tôi hiểu lịch sử nước mình máu đã thấm từng hạt cát. Và hiểu rằng cần phải hành động để biểu thị lòng biết ơn với những người đã ngã xuống, chung tay với những người đang thay mình giữ biển, giữ đất nơi những cột mốc biên giới, giữa hải đảo sóng gió hay núi rừng thâm u... Vậy tôi phải làm gì?

Lướt qua những bộ sưu tầm và sáng tác của các bé Trường tiểu học Lê Ngọc Hân là một ngạc nhiên thú vị và có thể tìm thấy một câu trả lời cũng thú vị không kém. Còn quá nhỏ để được đi đến một hòn đảo, còn quá nhỏ để hiểu được câu chuyện bi tráng từ Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng trước chủ đề “Tổ quốc em có nhiều đảo”, các bé đã đủ tinh nhạy để không chỉ reo lên khi phát hiện “Nước mình có những ba ngàn đảo từ to đến nhỏ”, hay “Em thích đảo Lý Sơn nhất vì đó là vương quốc tỏi, mẹ em hay mua tỏi Lý Sơn”, không chỉ có những bức tranh vẽ cảnh biển với cát vàng và dừa xanh. Những sản phẩm là những bức vẽ các chiến sĩ hải quân tay bồng súng bên lá cờ đỏ sao vàng lộng gió trước những ngọn sóng, bức vẽ nhà giàn DK1 chông chênh và chiếc tàu hải quân VN thật to bên cạnh. Đó là mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa được làm bằng bìa cứng. Là những bộ sưu tập hàng trăm trang tư liệu về các đảo, đủ cả địa lý, lịch sử lẫn văn thơ. Cũng không thiếu cả câu chuyện về ngày 14-3.

Các bé lớp 5/4 viết “hãy làm điều tốt nhất cho biển đảo của Tổ quốc chúng mình”... Và các bé vẽ cảnh các bạn ở đảo Trường Sa đang ca hát, nhảy dây trong ngôi trường mới, khu vui chơi với những vòng đu quay, tàu lượn lộng gió biển mênh mông.

Ai đó đã nói rằng trẻ con luôn luôn có lý. Làm điều tốt nhất cho biển đảo, cho biên giới, cho thế hệ trẻ vùng biên cương chẳng phải là một câu trả lời đẹp hay sao?

Phạm Vũ

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên