07/03/2013 07:41 GMT+7

Tàu ngàn tỉ "quá đát": Không còn phương án nào ngoài phá dỡ

THÂN HOÀNG thực hiện
THÂN HOÀNG thực hiện

TT - Ông Trịnh Thế Cường, trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải Cục Hàng hải Việt Nam, trả lời như vậy về giải pháp đối với tàu biển thuộc sở hữu của Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài đã quá cũ.

Tàu ngàn tỉ sẽ bán sắt vụn?Giữ tàu thì lỗ, bán càng lỗ hơnTìm cách cứu trước khi phá tàu

kOMF2FsF.jpgPhóng to
Ông Trịnh Thế Cường - Ảnh: T.Hoàng

Ông Cường cho biết:

- Tàu quá tuổi quy định thường có giá rẻ nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mua khoảng 100 tàu biển quá tuổi và đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài để khai thác. Khi tàu quá cũ, không còn nhu cầu khai thác, chủ tàu muốn phá dỡ để thu hồi vốn. Theo thống kê, hiện có 41 tàu biển với tổng trọng tải hơn 463.000 DWT, trong đó có 10 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài neo đậu dài ngày trong vùng nước cảng biển, không đảm bảo đủ điều kiện an toàn, an ninh hàng hải.

* Cục Hàng hải đã nhận được trả lời về phương án phá dỡ tàu để bán sắt vụn?

- Cục Hàng hải đã trình phương án và đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên hiện nay nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính và công ty vận tải biển đang lúng túng khi phá dỡ tàu biển của chủ tàu Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài tại Việt Nam vì vướng cơ chế. Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định cấm nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ. Sắp tới Cục Hàng hải tiếp tục tổ chức thêm các cuộc hội thảo để tham khảo ý kiến của các chuyên gia tàu biển, doanh nghiệp vận tải về vấn đề này.

* Có ý kiến cho rằng việc phá dỡ tàu bán sắt vụn có nhiều chuyện cần bàn tính lại. Cục Hàng hải có tính đến phương án khác?

- Không phá dỡ thì không còn phương án nào khác. Trước khi trình phương án, Cục Hàng hải đã khảo sát thực tế, tìm hiểu nhu cầu, sự đồng thuận từ các bên và từ phía các doanh nghiệp vận tải.

Khi ngành vận tải biển phát triển, nhiều chủ tàu đã lách luật mua tàu quá tuổi quy định của Việt Nam, làm thủ tục treo cờ nước ngoài để khai thác, sau vài năm bán sắt vụn vẫn có lãi trong giai đoạn nhiều nguồn hàng, giá cước tốt. Nhưng trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, tàu không thể đưa vào khai thác, bán thì không ai mua, cứ để nằm đấy thả trôi thì ảnh hưởng đến môi trường, mất an toàn an ninh hàng hải. Các chủ tàu muốn phá dỡ nhưng vướng luật. Tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài cũng là tài sản của Việt Nam.

* Nhưng việc phá dỡ tàu sẽ tạo tiền lệ cho việc các doanh nghiệp lách luật mua tàu cũ để phá dỡ và nguy cơ Việt Nam trở thành nơi chứa phế thải công nghiệp của thế giới?

- Đây là vấn đề chúng tôi đã đặt ra, bởi vậy ngoài việc kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường sửa đổi quy định của Luật bảo vệ môi trường bảo đảm phù hợp với thực tế hoạt động phá dỡ tàu cũ tại Việt Nam thì Cục Hàng hải sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước quốc tế Hong Kong về tái chế tàu biển an toàn và thân thiện môi trường 1992, nhằm duy trì hoạt động phá dỡ tàu cũ đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Điều quan trọng là tạo dựng hành lang pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật.

Ở Việt Nam ngành công nghiệp phá dỡ tàu biển đã hình thành, nhưng công nghệ sử dụng lạc hậu và hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở phá dỡ tàu biển chưa đảm bảo. Phá dỡ tàu biển đã mang lại nguồn nguyên liệu không nhỏ cho ngành công nghiệp sản xuất thép trong nước, nhưng ngoài yếu tố kinh tế, đã đến lúc các biện pháp môi trường cần được thực hiện song hành vì mục tiêu phát triển bền vững.

THÂN HOÀNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên