24/02/2013 08:38 GMT+7

Giữ tàu thì lỗ, bán càng lỗ hơn

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Trong số những con tàu trong danh sách không còn khả năng khai thác có tới cả chục tàu của Vinashin từng mua trước đây như tàu Hoa Sen, Sông Gianh, Vinashin Atlantic và cả ụ nổi M83 được dư luận biết đến khi đưa nhiều lãnh đạo Vinalines vào tù.

Tàu ngàn tỉ sẽ bán sắt vụn?

WfBmeSPD.jpgPhóng to
Tàu Vinashin Atlantic neo tại phao số 0, Vũng Tàu - Ảnh: Đông Hà

Tàu Sông Gianh được đóng mới tại Việt Nam và bàn giao cho Vinashinlines từ năm 2008 với trị giá 400 tỉ đồng. Nhưng sau một chuyến hàng đầu tiên từ Quảng Ninh vào TP.HCM, tàu đã neo tại phao B. Mar 02 trên sông Sài Gòn từ ngày 13-12-2008 tới nay. Con tàu này hiện xuống cấp, không còn khả năng khai thác...

Chưa nắm được chủ trương sẽ phá dỡ tàu nào

Tàu chở dầu Vinashin Atlantic (cũng thuộc Vinashinlines nhưng mang quốc tịch Panama) đang neo đậu tại Vũng Tàu từ ngày 30-5-2009 đến nay cũng trong tình trạng hư hỏng, trang thiết bị máy móc không thể hoạt động được. Con tàu này được Vinashin mua từ năm 2007 với giá 910 tỉ đồng, đến nay không thể khai thác và trở thành gánh nặng.

Còn tàu Hoa Sen - tang vật của vụ án kinh tế Vinashin, đang nằm tại Nhà máy Zhoushan (Trung Quốc) từ năm 2011 đến nay - cũng đang trong tình trạng chủ tàu (Vinashinlines) không còn tiền cấp kinh phí duy trì. Tàu Hoa Sen (là tàu Cartour của Ý, sản xuất năm 2001) được Vinashin mua với giá 60 triệu euro, tương đương 1.300 tỉ đồng, vào năm 2007 và giao Vinashinlines khai thác. Nhưng về Việt Nam tàu chỉ chạy được 39 chuyến rồi phải dừng vì càng chạy càng lỗ, trong khi vẫn phải trả lãi vay mỗi năm gần 80 tỉ đồng. Con tàu này từng được cho đối tác nước ngoài thuê vào tháng 2-2011 nhưng bị bắt giữ tại Hàn Quốc do tranh chấp thương mại. Sau khi tàu được giải cứu và neo đậu tại Trung Quốc, chủ tàu đã đề xuất xin bán tàu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ụ nổi M83 đang neo ở Gò Dầu (Đồng Nai) được Vinalines mua từ năm 2008 và sửa chữa với tổng chi phí 480 tỉ đồng, đến nay cũng đang trong tình trạng không đảm bảo hoạt động và chưa biết xử lý thế nào.

Liên quan đến số phận các tàu của Vinashinlines, ông Nguyễn Quế Dương - người vừa được Vinalines điều làm tổng giám đốc Vinashinlines một thời gian ngắn - cho biết đến nay bản thân cũng chưa nắm được chủ trương sẽ giải bản (phá dỡ) tàu nào. “Nói tàu không bán được thì không phải. Vẫn bán được, vấn đề là đắt rẻ thế nào. Vướng mắc để xử lý đội tàu thì công ty và các bên liên quan đã gặp nhau giải quyết. Nếu thực hiện thì sẽ giao dịch và bán theo quy định của Nhà nước” - ông Dương cho biết.

Hiện nay nhiều ngân hàng thu tàu về vì chủ tàu không còn khả năng trả nợ, nhưng xử lý số tàu này thế nào phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả kinh tế của biện pháp và cả năng lực tài chính của từng ngân hàng. Nếu bán tàu để phá dỡ theo giá sắt vụn thì sẽ thực hiện theo nguyên tắc đấu giá, với giá sắt vụn trừ chi phí phá dỡ. “Về cơ bản mà nói, khi bán tàu với giá sắt vụn thì thu hồi giỏi lắm chỉ được 1/3 vốn đầu tư tàu ban đầu. Bởi vì thời điểm đầu tư tàu toàn trong giai đoạn vận tải biển đang cao nên giá tàu cao, giờ bán thì giá tàu lại xuống” - một giám đốc chi nhánh thuộc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết.

Bí đủ đường

Theo ông Đỗ Xuân Quỳnh - tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, với tàu già treo cờ nước ngoài muốn phá dỡ tại Việt Nam thì vướng luật. Còn tàu chưa quá hạn khai thác muốn phá dỡ bán sắt vụn cũng là quá bất đắc dĩ. Việc này quá lãng phí và thiệt hại lớn về kinh tế.

Nhưng theo ông Quỳnh, hiện giờ có những chủ tàu không còn đồng xu nào hoặc đang cho phá sản như Vinashinlines thì hoặc phải bán tàu được đồng nào để trả nợ đồng ấy hoặc xin Nhà nước bù vào. Nếu bán không ai mua, cuối cùng phải phá chứ không biết làm thế nào. Bởi vì để tàu không khai thác càng mất thêm tiền khi phải trả phí neo chờ, bảo vệ, xăng dầu để đảm bảo điều kiện kỹ thuật của tàu. Hiện tại còn có chủ tàu quá bê bết nên bỏ rơi tàu không đèn đóm, không người trông coi.

Không đồng tình với việc sửa luật để phá dỡ tàu nội treo cờ ngoại tại Việt Nam vì nguy cơ mất an toàn với môi trường, nhưng ông Quỳnh cũng đề nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp để giải quyết những tàu không còn khả năng khai thác mà gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, gây nguy cơ trôi dạt, đâm va, tai nạn.

Giám đốc chi nhánh của Maritime Bank cho biết điều nan giải nhất của ngân hàng hiện nay là thu tàu về có dám bán lỗ không? Trong khi tàu đã 20-30 tuổi nhưng giá trị đầu tư trên sổ sách và dư nợ hiện tại vẫn rất lớn. “Với tình cảnh một số ngân hàng chưa có sự ổn định về tài chính trong giai đoạn hiện nay, nếu dám mạnh tay bán lỗ thì sẽ bị Ngân hàng Nhà nước “thổi còi” ngay. Còn ngân hàng có tiềm lực mạnh đã mạnh tay xử lý những tàu đang còn hoạt động được bằng cách bán rẻ, dư nợ là 10 nhưng thu về chỉ còn 3, vẫn chấp nhận cắt lỗ đau. Các ngân hàng thu tàu về vẫn phải duy trì tàu, trả phí neo đậu, thuê người trông coi nên mất thêm chi phí. Rất khó giải quyết, nếu khỏe thì cắt lỗ luôn, nhưng yếu mà cắt lỗ quá mạnh tay sẽ ảnh hưởng về hiệu quả, lợi nhuận, vốn. Cắt lỗ quá tay thì âm ngay vốn. Lúc đó không có khoản khác để bù vào thì ảnh hưởng đến chỉ số tài chính, vốn tự có và nợ xấu sẽ lộ ra ngay” - vị giám đốc từng xử lý công nợ với các chủ tàu cho biết.

Bán sắt vụn với giá bỏ đi

Theo một số xí nghiệp chuyên phá dỡ tàu cũ tại Hải Phòng, giá của một con tàu khi được mua để “xẻ thịt” làm sắt vụn chưa bằng hai đến ba phần mười giá trị của con tàu khi mua. Một trong những người có thâm niên nhiều năm làm nghề phá dỡ tàu, ông Lê Quốc Hùng - giám đốc Công ty TNHH Lê Quốc - cho biết giá sàn để định giá một con tàu quá đát được bán sắt vụn chỉ 6.000-7.000 đồng/kg.

Theo đó, ông Hùng cho biết trong danh sách 17 tàu neo đậu dài ngày tại Hải Phòng của Cục Hàng hải, tàu có trọng tải lớn nhất hơn 8.000 tấn khi mua sẽ có giá hơn 10 triệu USD. Tuy nhiên, nếu tàu này không còn khả năng khai thác, xuống cấp và được hóa giá sắt vụn thì giá chỉ khoảng 60 tỉ đồng. Trừ hết tiền bến bãi, thu dọn, nhân công... xí nghiệp phá dỡ tàu sẽ lãi 5-7%.

Còn theo một chủ xí nghiệp phá dỡ tàu khác tại Hải Phòng, có nhiều cách để định giá con tàu được bán sắt vụn. Theo đó, máy tàu của những tàu có trọng tải lớn được bán với giá cao nhất, nếu máy sản xuất ở Đức có giá hơn 200 triệu đồng, máy sản xuất tại Trung Quốc có giá hơn 100 triệu đồng. Phần vỏ tàu sẽ được cắt nhỏ chuyển đi bán sắt vụn tại làng Đa Hội (Bắc Ninh) với giá 7.000 đồng/kg. Các loại ngư cụ, cửa mạn tàu, kim loại màu sẽ có giá cao hơn chút. Còn nội thất tàu, phòng cabin nếu có thể tái sử dụng sẽ được định giá tùy loại.

“Nếu bán theo cách này, chủ tàu sẽ được giá cao hơn nhưng nhận tiền chậm vì đội phá dỡ phải cắt từng bộ phận ra rồi xem giá trị sử dụng và định giá. Tuy nhiên, giá trị của con tàu cũng chẳng còn là bao vì khi đã bán sắt vụn thì như bán với giá bỏ đi, chỉ mong được 1/4 giá trị lúc mới cũng là may mắn rồi” - chủ xí nghiệp này nói.

THÂN HOÀNG

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên