01/03/2013 07:29 GMT+7

Dự thảo Hiến pháp "quên" thanh niên

LÊ KIÊN - LÂM HOÀI - HUỆ BẠCH
LÊ KIÊN - LÂM HOÀI - HUỆ BẠCH

TT - Ngày 28-2, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhiều ý kiến tham gia hội nghị này cùng kiến nghị cần thiết phải bổ sung quy định về thế hệ trẻ vào Hiến pháp.

s8lNcrCj.jpgPhóng to
Nguyễn Minh Đức (sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội) góp ý cho dự thảo Hiến pháp - Ảnh: H.Long

Sao lại “quên” thanh niên?

Ông Vũ Mão, nguyên bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho biết quy định về thanh niên đã có trong tất cả các bản Hiến pháp trước đây, nhưng đến dự thảo này thì không hiểu lý do vì sao lại “quên” thanh niên. “Tôi cho rằng nếu có chủ trương bỏ quy định về thanh niên trong Hiến pháp, chứng tỏ nhận thức về vai trò của thanh niên là chưa đầy đủ”.

Ông Mão đề nghị lấy lại nội dung điều 66 của Hiến pháp năm 1992: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời bổ sung nội dung “thanh niên tham gia phản biện chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

TS Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đề nghị “đưa quy định về thanh niên thành một điều ngay tại chương 1 của Hiến pháp. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nếu không bồi dưỡng được các thế hệ thanh niên thì đất nước không thể phát triển hùng cường”. TS Trần Văn Miều, nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa giáo dục tổng hợp thanh thiếu niên, đề nghị bổ sung quy định phải xây dựng được môi trường xã hội lành mạnh để thanh niên sống, phấn đấu và trưởng thành. “Môi trường xã hội lành mạnh là không có tham nhũng, không có quan liêu, không có cửa quyền, văn hóa tiến bộ...” - ông Miều nói thêm.

Góp ý nội dung về quyền con người, TS Phan Thanh Hà, Viện Nhà nước và pháp luật, nói: “Vấn đề đồng tính, song tính đang là vấn đề xã hội quan tâm và cần được giải quyết trên khía cạnh pháp lý. Những người đồng tính, song tính (hay gọi là giới tính thứ ba) cần được đối xử bình đẳng, tránh phân biệt, kỳ thị. Họ có quyền được sống, được yêu, được mưu cầu hạnh phúc như những người khác”.

Cụ thể hơn vai trò lãnh đạo của Đảng

Tại hội nghị lấy ý kiến trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Trung ương Đoàn và Trường đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức sáng 28-2, giảng viên Nguyễn Nhất (Viện ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng cần phải cụ thể rõ ràng hơn vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng. Vai trò lãnh đạo của Đảng cần được đảm bảo bằng pháp luật để thực thi thống nhất và nhân dân thực hiện sự giám sát đối với Đảng theo quy định của luật về giám sát xã hội và phản biện xã hội.

Góp ý cho điều 31 trong dự thảo về quyền khiếu nại - tố cáo, sinh viên Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Luật Hà Nội) cho rằng cần phải quy định đầy đủ về quyền “tiếp cận công lý”, trong đó bao gồm cả quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện lẫn quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng, quyền được thi hành kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo, được thi hành một cách chính xác và nhanh chóng. “Đây là một trong những quyền quan trọng nhất của người dân, vì chỉ khi có quyền này thì mọi quyền khác mới có thể được bảo vệ” - anh Đức nhấn mạnh.

Sáng 28-2, HĐND TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của cán bộ chủ chốt một số cơ quan TP.

Tại hội nghị, quy định về Hội đồng Hiến pháp (một nội dung mới hoàn toàn trong dự thảo) thu hút nhiều ý kiến góp ý. Ông Trần Văn Bảy, trưởng phòng bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP, cho rằng quy định của dự thảo về Hội đồng Hiến pháp không giải quyết được nhu cầu đang đặt ra và không triệt để. Lý do, theo ông Bảy, có thể vướng ở chỗ “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, mà đã quy định như vậy thì không có cơ sở để Hội đồng Hiến pháp phán quyết một đạo luật nào đó của Quốc hội là vi hiến và không có hiệu lực thi hành. Theo ông Bảy, muốn có cơ chế bảo hiến đúng nghĩa thì phải trao quyền cho Hội đồng Hiến pháp mạnh hơn nữa. Còn nếu có lấn cấn điều gì đó thì cứ để như hiện nay là Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp như Hiến pháp năm 1992.

Hôm nay (1-3), HĐND TP.HCM khai mạc kỳ họp thứ tám chuyên đề “lấy ý kiến đại biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.

Quốc hội cũng cần được giám sát

Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, do Trường đại học Luật TP.HCM và tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp - Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng 28-2. Các đại biểu cho rằng hiện Quốc hội được giao vai trò giám sát nhưng lại không có cơ chế để giám sát lại hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt là khi Quốc hội có những vấn đề yếu kém, thực hiện sai các nguyên tắc, quyền lực được giao. Theo GS Nguyễn Ngọc Trân, việc giám sát Quốc hội hiện nay là điều rất khó, cử tri - người bầu ra các đại diện tại Quốc hội - cùng lắm chỉ giám sát được cá nhân (đại biểu Quốc hội) chứ không giám sát được Quốc hội - một thiết chế. Vì vậy, Hiến pháp cần phải có những quy định về việc giám sát Quốc hội.

Tại hội nghị, một số đại biểu cũng đề nghị cân đối lại vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo TS Nguyễn Cửu Việt - Trường đại học Luật TP.HCM, quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quá lớn nhưng lại không được quy định trong Hiến pháp. Muốn Quốc hội thật sự mạnh thì quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải điều chỉnh lại, trong một phạm vi phù hợp hơn, nhất là phải được quy định rõ ràng.

Đề nghị đổi tên UBND thành Ủy ban hành chính

Đó là ý kiến của ông Trần Thanh Bình, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, tại kỳ họp chuyên đề lấy ý kiến tham gia dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, diễn ra ngày 28-2. Ông Bình còn đề nghị cần làm rõ chính quyền ba cấp hay bốn cấp, bởi hiện nay đang thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, nếu sau này thí điểm thành công thì phải làm sao?

Góp ý cụ thể vào điều 4 của Hiến pháp liên quan đến vai trò của Đảng Cộng sản VN, ông Bình đề nghị bỏ khoản 3 của dự thảo: “Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Ông Bình nói: “Tất cả các tổ chức chính trị - xã hội đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, nếu chỉ quy định các tổ chức của Đảng, vậy còn các hội - đoàn thì sao?”.

QUỐC THANH - CHI MAI - VIỄN SỰ - NGUYÊN LINH

LÊ KIÊN - LÂM HOÀI - HUỆ BẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên