Phóng to |
Người dân vẫn đổ xăng bình thường tại một cửa hàng xăng dầu Petrolimex ở ấp 1, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM vào chiều 23-2 - Ảnh: Minh Đức |
Theo đó, phương án có tính đến giảm thuế nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn và cả tăng giá xăng dầu. Dù phương án nào thì cũng khó trong lúc này vì nếu tăng giá sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thị trường do xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế. Còn nếu giảm thuế thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là trong năm nay ngân sách rất eo hẹp.
Bộ Tài chính và Bộ Công thương đang theo dõi rất chặt chẽ diễn biến giá xăng dầu trong nước cũng như nhập khẩu và tính toán để sớm có phương án điều hành giá xăng dầu tối ưu nhất. Khi nào có thông tin chính thức, liên bộ sẽ công bố.
Nhà nước đang ưu ái cho ngành xăng dầu
* Chiều 23-2, ông Nguyễn Thành Phúc - phó Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng - cho biết đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Trước đó, sáng cùng ngày, qua khảo sát hơn 20 cây xăng dầu tại các quận trên địa bàn TP Đà Nẵng, mọi hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Duy chỉ có cửa hàng xăng dầu Hòa Cầm (731 Trường Chinh, Q.Cẩm Lệ), thuộc Công ty cổ phần thương mại và vật tư Petrolimex Đà Nẵng, đóng cửa với lý do mất điện. Điều khó hiểu là những nhà dân ở khu vực xung quanh và cạnh cửa hàng này lại không bị mất điện sinh hoạt. “Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay trường hợp này” - ông Phúc khẳng định. |
Về các phương án cân nhắc để điều hành giá xăng dầu như trên, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế - đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần tính toán cụ thể có cần thiết điều chỉnh giá và mức tăng là bao nhiêu. Nhà nước cần có điều hành linh hoạt với việc phối hợp giữa các công cụ thuế, quỹ bình ổn kể cả điều chỉnh giá trên tinh thần hài hòa lợi ích của người dân - Nhà nước và doanh nghiệp.
“Song nếu có tăng giá cũng chỉ nên tăng 500 đồng/lít xăng vào thời điểm này. Vì trong bối cảnh hiện nay, khi sức mua vẫn rất chậm thì việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến người dân hạn chế chi tiêu các mặt hàng tiêu dùng khác. Thực tế, thu nhập của người dân không tăng mà điện thì vừa tăng giá, giờ xăng dầu tăng nữa sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng. Còn đối với doanh nghiệp, doanh thu không tăng, hàng tồn kho còn nằm đó, trong khi chi phí đầu vào lại tăng khiến họ sẽ bị giảm sức cạnh tranh đáng kể” - ông Phú băn khoăn.
Đó là vấn đề thời sự trong tính toán điều hành giá xăng dầu thời điểm hiện nay, còn về lâu dài trong cơ chế quản lý xăng dầu, ông Phú đề nghị cơ quan quản lý cần xem xét lại cơ cấu tính giá xăng dầu, các loại thuế, phí... đã hợp lý chưa.
Chỉ riêng việc quy định lợi nhuận với 300 đồng/lít xăng dầu cho thấy Nhà nước đang ưu ái quá lớn cho ngành xăng dầu mà đã gây bất bình đẳng cho các ngành kinh doanh khác. Cần phải bỏ lợi nhuận định mức đối với ngành xăng dầu khi chúng ta đang thực hiện cơ chế quản lý thị trường với mặt hàng này. Điều này có thể đưa vào khi Chính phủ đang xúc tiến việc sửa đổi nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu - ông Phú đề nghị.
Điều hành thế nào để hài hòa lợi ích các bên
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, cho rằng về nguyên tắc, giá nhập khẩu tăng thì giá bán lẻ trong nước dứt khoát phải điều chỉnh theo. Nhưng nhìn dưới góc độ của người tiêu dùng, đụng đến vấn đề tăng giá xăng là đụng đến túi tiền của họ, sẽ lại làm tăng sự bức xúc, bất bình... Nhìn dưới góc độ của người quản lý thì không thể để doanh nghiệp lỗ mãi. Vì cứ càng bán càng lỗ thì doanh nghiệp sẽ không trụ được lâu. Khi đó, khả năng giữ ổn định năng lượng sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tế qua tìm hiểu, cứ mỗi lần giá thế giới biến động theo chiều hướng tăng là những người điều hành xăng dầu cũng như “ngồi trên chảo lửa”. Một bên là áp lực từ phía doanh nghiệp đòi tăng. Một bên là áp lực rất lớn từ phía người tiêu dùng muốn giữ giá. Nhưng trong trường hợp lần này, người tiêu dùng cần “cảm thông” và chấp nhận vì biến động giá thế giới là vấn đề khách quan. “Điều chúng ta quan tâm là Nhà nước sẽ điều hành như thế nào để hài hòa lợi ích các bên. Theo tôi, nếu để tăng giá hoàn toàn theo giá thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nếu chỉ giảm thuế nhập khẩu để không phải tăng giá lại ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Do đó, vừa tăng giá, vừa giảm thuế là hợp lý nhất” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, mức giảm thuế bao nhiêu phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách chịu đựng được đến đâu. Mặt khác, cơ quan điều hành cũng phải có những tính toán để đo lường được mức tăng giá bao nhiêu là hợp lý. Việc đo lường độ nhạy cảm của dân, cả về tâm lý kinh tế và tâm lý chính trị hết sức quan trọng trước khi đưa ra quyết định điều hành giá xăng dầu ở thời điểm đầu năm.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng chỉ số CPI cả nước tháng 2 đã công bố tăng 1,32%. Như vậy, hai tháng đầu năm CPI đã tăng 2,59%. Trường hợp giá xăng tăng cao sẽ lại “bồi” thêm vào CPI tháng 3 một cú không nhẹ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kiềm chế lạm phát. Do đó, điều hành xăng dầu cần mềm dẻo. Bộ Tài chính nên áp dụng cả ba công cụ gồm: tăng một phần giá bán lẻ, giảm thuế một phần và tiếp tục cho sử dụng quỹ bình ổn. Mức điều chỉnh các công cụ này phải làm sao để mức tăng giá bán lẻ thấp nhất trong điều kiện có thể, tránh trường hợp giảm thuế chỉ “tí tẹo” và tăng giá quá nhiều.
Chưa phát hiện cây xăng nào găm hàng
Theo ông Võ Văn Quyền - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, ngay từ trước tết khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước giữ nguyên, các cơ quan chức năng đã lường trước sẽ có khả năng tái diễn tình trạng găm hàng. Vì vậy, ngay từ trước tết Bộ Công thương đã có chỉ đạo việc đảm bảo cung cầu xăng dầu và quản lý thị trường đã vào cuộc.
Ông Quyền khẳng định nguồn cung hiện nay vẫn đảm bảo, nhưng do giá bán trong nước thấp hơn giá cơ sở nên chiết khấu cho các đại lý của nhiều đầu mối giảm, khiến nguồn hàng về tổng đại lý, đại lý có thể đủ nhưng nhiều cửa hàng do càng bán càng lỗ nên sinh tâm lý không muốn bán.
Về câu hỏi trước đây cứ đến lúc căng thẳng lại có tình trạng găm hàng, theo ông Võ Văn Quyền, một mặt các cơ quan chức năng sẽ phải đi kiểm tra và sẽ xử phạt nghiêm túc nhưng mặt khác nếu giá xăng dầu lên xuống nhịp nhàng theo cơ chế thị trường, chiết khấu hợp lý thì hiện tượng găm hàng cũng sẽ khó xảy ra. Vì vậy, việc các cây xăng không bán hàng là vi phạm, sẽ phải xử phạt nhưng theo ông Quyền, bên cạnh đó cũng cần thúc đẩy việc thực hiện nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Thanh Lam - cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương - cho biết sáng 23-2 Cục Quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc gửi chi cục quản lý thị trường các tỉnh thành yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các cây xăng găm hàng, bán hàng không đủ thời gian đăng ký. Đến cuối giờ chiều qua, theo ông Lam, cán bộ Cục Quản lý thị trường đang theo dõi và vẫn chưa thấy báo cáo việc phát hiện cây xăng nào găm hàng.
* Ông BÙI DANH LIÊN (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội): Cước vận tải sẽ tăng ngay theo giá xăng dầu Nếu giá xăng tăng thêm 600-800 đồng/lít thì cước taxi sẽ tăng ngay khoảng 200-500 đồng/km vì đối với giá thành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm 30-35%. Do vậy, dù xăng dầu tăng chỉ vài trăm đồng một lít cũng tác động không nhỏ tới giá vận tải nói chung và giá cước taxi nói riêng. Cộng thêm với việc từ đầu năm tới nay, khi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải nộp phí bảo trì đường bộ. Như taxi, bình quân tháng mỗi taxi nộp thêm 130.000 đồng. Tính ra mỗi taxi cũng chỉ vài ngàn đồng/ngày nhưng nếu tăng giá xăng dầu ngay dịp này thì không còn cách nào khác, doanh nghiệp vận tải sẽ buộc phải tăng giá cước. Điều đương nhiên là giá hàng hóa sẽ phải đội thêm ngay sau khi giá cước vận tải tăng. Và cuối cùng, người dân sẽ phải gánh chịu chi phí tăng thêm này. * Ông TẠ LONG HỶ (chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM): Nếu bị lỗ thì buộc phải tăng giá Giá cước taxi hiện hành khá cao, nay giá xăng dầu tăng mà điều chỉnh tăng giá cước thì hoạt động taxi sẽ càng gặp khó khăn hơn. Trong thời gian qua, Hiệp hội Taxi TP cố gắng không điều chỉnh tăng giá cước cho dù có những đợt tăng giá xăng dầu. Đồng thời bắt đầu vào năm 2013, hoạt động taxi phải chịu thêm phí bảo trì đường bộ mà hầu hết các hãng taxi đã không tăng giá. Điều này cho thấy các doanh nghiệp taxi đang chịu đựng vì hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nếu sắp tới tiếp tục tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp taxi sẽ xem xét lại, nếu bị lỗ thì buộc phải tăng giá. LÊ THANH - N.ẨN ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận