Phóng to |
Nguồn: Bộ Tài chính - Ảnh: T.T.D. - Đồ họa: Như Khanh |
Sức ép từ giá xăng dầu thế giới tiếp tục đè lên giá bán lẻ trong nước khiến nhiều người lo ngại tác động tiêu cực của giá xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tăng giá bán lẻ xăng dầu ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế. Một biện pháp đang được đặt ra là Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức thu thuế nhập khẩu để giảm bớt áp lực tăng giá bán lẻ xăng dầu.
Doanh nghiệp xăng dầu kêu khó
Ngày 20-2 tại Singapore, giá xăng A92 đóng cửa giao dịch ở mức 131,95 USD/thùng. Nếu tính sang giá VND, cộng với phí vận chuyển, bảo hiểm, các khoản thuế phí khác thì chênh lệch so với giá bán lẻ là rất cao. Chưa kể giá xăng nhập khẩu ngày 20-2 cũng đã giảm nhẹ so với một số phiên trước đó.
Từ cuối tuần trước và đầu tuần này, giá xăng A92 tại Singapore thường xuyên giao dịch ở mức trên 132 USD/thùng. Mức này cao hơn 14-15 USD/thùng so với cách đây chừng một tháng.
Theo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá cơ sở bình quân 30 ngày hiện nay của xăng A92 đang khiến các doanh nghiệp lỗ nặng. Tính đến đầu tuần này (tức ngày 18-2), giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ trong nước 1.800 đồng/lít, tách riêng khoản 300 đồng lợi nhuận định mức ra khỏi giá cơ sở, doanh nghiệp lỗ 1.500 đồng/lít. Các doanh nghiệp cho biết mỗi ngày khoản lỗ lại tăng lên. Cụ thể, tính từ phiên giao dịch 20-2 trở về trước, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ trên 1.600 đồng/lít.
Tuy nhiên, từ trước Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính đã kìm giá xăng dầu, tránh tăng vào thời điểm “nhạy cảm” dịp tết nên đã hai lần cho doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù lỗ. Đến thời điểm này, mỗi lít xăng doanh nghiệp đầu mối được sử dụng 1.000 đồng từ quỹ bình ổn giá. Như vậy so với giá cơ sở, doanh nghiệp vẫn bị hụt mất hơn 600 đồng/lít. Đó là lý do các doanh nghiệp đầu mối liên tục giảm chiết khấu cho đại lý trong thời gian gần đây. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân bán lẻ xăng dầu cho biết đang rơi vào cảnh càng bán càng lỗ khi chiết khấu xăng dầu tính đến ngày 21-2 chỉ còn 300-350 đồng/lít tùy doanh nghiệp và lượng hàng.
Theo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thị phần lớn, khoản lỗ trên là “lỗ theo cách tính giá cơ sở”, còn thực tế lỗ lãi ở mỗi doanh nghiệp khác nhau, phụ thuộc vào nguồn hàng nhập về ở thời điểm nào. Do nhập được ở thời điểm tốt nên đơn vị này chưa tới mức lỗ như khoản lỗ ở giá cơ sở.
Một số nguồn tin từ giới kinh doanh xăng dầu cũng cho biết hiện doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thật sự lỗ nặng như trên giá cơ sở bởi họ còn lượng hàng tồn nhập từ những thời điểm giá mềm hơn.
Nên dùng thuế để kìm giá xăng
Ông Phạm Quốc Tuấn - Công ty TNHH VPI (TP.HCM), đơn vị cung cấp nhiều dịch vụ cho các doanh nghiệp xăng dầu, chủ trang web xangdau.net - cho biết nếu nhìn vào biểu đồ diễn biến giá xăng nhập khẩu sẽ thấy việc tăng giá xăng dầu là không thể tránh khỏi. Cả doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ đều lỗ. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu giá xăng hiện nay sẽ thấy thuế nhập khẩu hiện là 12%.
Đây cũng có thể là công cụ để điều hành linh hoạt, giảm bớt áp lực tăng giá bán lẻ. Tức nếu giảm một phần thuế nhập khẩu thì cũng có thể giảm bớt khoản chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ. Nhưng mặt khác, giảm thuế sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách ở thời điểm này.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cũng cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu, chấp nhận giảm thu ngân sách ở thời điểm giá thế giới đang căng thẳng để giá trong nước không bị nhảy lên quá cao, tránh tình trạng mới đầu năm mà hàng loạt hàng hóa, dịch vụ nhảy múa theo giá xăng dầu, tác động tiêu cực đến đời sống người dân và làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Báo cáo phân tích, cập nhật thông tin kinh tế vĩ mô của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố ngày 20-2 cũng tỏ ra lo ngại về việc tăng giá xăng dầu. VCSC tính toán nếu giá xăng tăng 1.000-1.300 đồng/lít, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng thêm 0,12-0,16% vào tháng tới.
Các chuyên gia của VCSC cũng đặt ra vấn đề giảm thuế nhập khẩu để giảm áp lực tăng giá xăng. Nếu giảm 2-4% thuế nhập khẩu xăng dầu thì chỉ cần tăng thêm 300-900 đồng/lít xăng. Nhờ đó, chỉ số CPI chỉ tăng thêm 0,05-0,1% do tác động của giá xăng dầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận