21/02/2013 08:19 GMT+7

Trật một li, đi ngàn tỉ

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - 12 dự án du lịch đã và đang xây dựng bỗng bị thu hồi để xây dựng cảng Kê Gà. Thế nhưng sau năm năm với bốn lần dự định khởi công vẫn không thành, các nhà đầu tư cho biết thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng.

pirs1GYU.jpgPhóng to
Khu resort Đồi Phong Lan bị bỏ hoang từ lâu do phải nhường chỗ cho dự án cảng Kê Gà nay cũng đã dừng triển khai - Ảnh: NGUYỄN NAM
shVb2s9a.jpgPhóng to

Resort Thế Giới Xanh được đầu tư gần 25 tỉ đồng bị thu hồi làm cảng Kê Gà nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù, hạ tầng resort xuống cấp, còn cảng thì bị ngưng - Ảnh: NGUYỄN NAM

Đầu những năm 2000, nhiều nhà đầu tư đã triển khai các dự án du lịch ven biển tại xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) qua lời kêu gọi đầu tư từ UBND tỉnh. Tuy nhiên đến năm 2008, Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Thuận ra văn bản thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (Vinacomin - TKV) làm chủ đầu tư với tổng trị giá trên 20.000 tỉ đồng. Mục đích xây dựng cảng Kê Gà nhằm vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống. Tuy nhiên, quá trình đền bù thiệt hại sau đó diễn ra ì ạch và Vinacomin nhiều lần trì hoãn việc khởi công xây dựng cảng.

Tan hoang vùng du lịch

"Từ bốn năm nay chúng tôi đã tốn bao nhiêu thời gian cho việc hội họp vì cảng Kê Gà. Đây là trò đùa của Vinacomin chứ không phải là việc đầu tư cảng biển"

Ông Nguyễn Thịnh Phát(chủ đầu tư dự án Thành Đạt)

Trước đây, anh Đinh Văn Cần (32 tuổi, ngư dân tại xã Tân Thành) không hề nghĩ đến chuyện sẽ có một ngày được “cai quản” khu resort gần 50 phòng ngủ. Từ bốn năm nay anh bỏ nghề đi biển để làm công việc trông nom khu resort Thế Giới Xanh (Blue World resort) - khu nghỉ mát lớn nhất nhì tại khu vực này. “Hai vợ chồng tôi và một người nữa giữ khu nghỉ mát này, tiền lương mỗi người 3 triệu đồng/tháng. Trước đây chúng tôi còn tưới cây nhưng sau này không tưới nữa. Tất cả phòng nghỉ đều được khóa lại” - anh Cần nói.

Bên trong khu resort Thế Giới Xanh, những phòng nghỉ khóa trái cửa lâu ngày phủ đầy bụi bẩn. Những hàng thông không được chăm sóc, cành nhánh khô gãy rơi xuống đất như một khu rừng hoang. Cách đó không xa là một hồ bơi lớn đã cạn nước chứa đầy lá cây khô dưới đáy hồ. Tiếng động thường xuyên ở đây là những cơn gió biển thổi vào và những con chuột đuổi nhau trên các con đường dẫn đến những phòng nghỉ.

Anh Nguyễn Đức Đăng Khoa (34 tuổi, con ông Nguyễn Đức Hiếu - chủ đầu tư Thế Giới Xanh) rầu rĩ: “Gia đình tôi đầu tư gần 25 tỉ đồng xây dựng khu resort từ năm 2000 đến 2004. Hoạt động chưa bao lâu thì năm 2008 bị ngưng vì dự án cảng Kê Gà. Điều này khiến cả nhà chúng tôi lao đao vì trả nợ. Đầu tư lớn nhưng chưa thu được gì đáng kể. Cha tôi giờ bệnh nặng, luôn mong đến ngày công sức, tiền bạc của gia đình tôi được đền bù thỏa đáng”. Anh Khoa cho biết thêm để sửa sang lại khu resort thì theo thời giá hiện nay phải mất gần 50 tỉ đồng. Khu resort của gia đình anh một phần bị xuống cấp vì nắng nóng và gió biển, một phần tài sản bên trong đã bị mất cắp. “Tỉnh đã nhiều lần mời lên nói chuyện và hứa đền bù nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Vừa rồi nghe Thủ tướng nói giao cho các bộ và tỉnh giải quyết, chúng tôi cũng hi vọng sẽ được giải quyết nhanh” - anh Khoa nói.

Cách Thế Giới Xanh không xa, dự án du lịch của các công ty Thành Đạt, Đức Hạnh, Phong Lan, Minh Ngọc... cũng lâm tình cảnh tương tự. Nơi thì công trình xây dựng dở dang đành để hoang phế rêu phong, chỗ xây xong lại khóa kín cửa im lìm. Trong khu nghỉ mát của Công ty Thành Đạt, trước thềm một phòng nghỉ lớn chất đầy ván gỗ đã mục nát, phía sau phòng nghỉ này là một phòng nghỉ vừa mới xây, tường chưa được tô đứng trơ trọi giữa nắng gió. Ông Nguyễn Trường Vinh, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty TNHH du lịch Đồi Phong Lan, nói: “Khu du lịch của chúng tôi được đầu tư gần 50 tỉ đồng, các hạng mục đã hoàn thành 80% thì xuất hiện dự án cảng Kê Gà. Nhà nước thu hồi thì chúng tôi chấp hành, nhưng cũng phải đền bù theo thời giá. Tỉnh đã về đo đạc xong hết nhưng vẫn chưa đền bù. Hiện nay tôi đang gánh nợ rất nhiều và phải trả góp cho ngân hàng”.

“Trò đùa chứ không phải dự án cảng biển”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Văn Hải - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Thuận, người trước đây thừa ủy quyền của chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các nhà đầu tư du lịch - cho biết: “Việc đền bù cho các dự án du lịch hiện nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Tỉnh vẫn đang chờ tập đoàn (Vinacomin) với các bộ liên quan làm việc với tỉnh”.

Ông Nguyễn Ngọc - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết thêm dự án cảng Kê Gà vẫn đang rất cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nếu có cảng này, nguồn thu của tỉnh sẽ tăng lên qua hoạt động xuất nhập hàng hóa, thu thuế. Tuy nhiên, do Vinacomin tính toán đầu tư vào đây để vận chuyển bôxit không hiệu quả nên đã chọn phương án khác là vận chuyển xuống cảng Vĩnh Tân (Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Kế hoạch đền bù cho các nhà đầu tư du lịch vẫn chưa cụ thể và hiện nay tỉnh đang chờ văn bản chính thức của Chính phủ về vấn đề này.

Cuối năm 2012, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận với Thủ tướng Chính phủ, phía Vinacomin đã chuyển cho tỉnh khoảng 4 tỉ đồng để bồi thường các dự án du lịch bị thu hồi. Tuy nhiên, theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư ban đầu của hội đồng thành viên Vinacomin thì giai đoạn 1 chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 150 tỉ đồng.

Bức xúc trước việc công sức, tiền bạc của mình bỏ ra đầu tư nhưng đột nhiên bị thiệt hại nặng nề như vậy, còn việc đền bù vẫn chưa tới đâu, chủ một doanh nghiệp than thở: “UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định cho đầu tư và cũng là nơi ra quyết định thu hồi để làm cảng, vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải do tỉnh. Trong khi đó, nhà đầu tư làm cảng Vinacomin từ trước đến nay có những biểu hiện không đủ năng lực vốn để thực hiện dự án xây cảng, bằng chứng là họ nhiều lần trì hoãn việc khởi công và không thể đền bù thiệt hại cho các dự án du lịch bị ảnh hưởng”.

Ông Nguyễn Thịnh Phát, chủ đầu tư dự án Thành Đạt, cho biết ông và những nhà đầu tư khác đã bỏ nhiều tâm huyết đầu tư vào đây từ năm 2001. Mảnh đất dự án Thành Đạt ông mua hết 100 lượng vàng, đầu tư thêm tiền của xây dựng lên nữa không biết bao nhiêu mà kể. “Từ bốn năm nay, chúng tôi đã tốn bao nhiêu thời gian cho việc hội họp vì cảng Kê Gà. Đây là trò đùa của Vinacomin chứ không phải là việc đầu tư cảng biển. Họ chi 4 tỉ đồng để đền bù cho 12 dự án du lịch. Đây là bài học kinh nghiệm mà tỉnh Bình Thuận cần phải rút ra. Không thể đối xử với chúng tôi như vậy. Điều cần làm bây giờ là UBND tỉnh Bình Thuận phải họp nhanh với các nhà đầu tư du lịch để bàn về việc đền bù thiệt hại thỏa đáng cho chúng tôi” - ông Phát bức xúc.

5 năm, 4 lần hoãn khởi công

- Đầu những năm 2000: hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đã xây dựng nhiều khu du lịch, resort tại vùng ven biển Tân Thành (Hàm Thuận Nam) hưởng ứng sự kêu gọi đầu tư du lịch của tỉnh Bình Thuận.

- Cuối năm 2007: Bộ Giao thông vận tải có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng cảng biển.

- Tháng 4-2008: Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà. Hai nhà đầu tư ban đầu là Vinacomin và Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) nhưng sau đó Bita’s rút lui. Mục đích xây dựng cảng Kê Gà nhằm vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống. Kinh phí đầu tư xây dựng cảng ban đầu là 550 triệu USD, sau đó được điều chỉnh lên 1 tỉ USD. Dự án cảng Kê Gà có độ dài 2,3km bờ biển với tổng diện tích 366ha.

- Tháng 4-2009: Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Thuận mời chủ đầu tư các dự án du lịch bị ảnh hưởng đến để tiếp tục thông báo về dự án xây dựng cảng Kê Gà.

- Theo kế hoạch, tháng 8-2009 khởi công xây dựng cảng Kê Gà nhưng từ đó đến nay nhà đầu tư đã bốn lần trì hoãn việc khởi công.

- Ngày 18-2-2013: tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, yêu cầu ngừng xây dựng cảng và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch

_______________________________

Sẽ nghiên cứu phương án thay cảng Kê Gà

* Vận chuyển alumin về cảng Gò Dầu

Ngày 20-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), cho biết TKV đang nghiên cứu phương án thay thế cảng Kê Gà.

Trước câu hỏi đã có phương án nào khả thi có thể thay thế, ông Biên không tiết lộ nhưng cho biết hiện chưa sử dụng được cảng Kê Gà thì TKV đang sử dụng cảng Gò Dầu ở Đồng Nai. Ông Biên cho biết việc chọn cảng thay cảng Kê Gà chưa được quyết định mà mới ở dạng nghiên cứu. Tuy nhiên, TKV sẽ nghiên cứu và nếu khả thi thì đề xuất phương án thay cảng Kê Gà.

* Theo ông Phan Bội Lợi - giám đốc Ban quản lý dự án bôxit nhôm Lâm Đồng (còn gọi là dự án bôxit nhôm Tân Rai), trước mắt sản phẩm alumin sẽ được vận chuyển từ nhà máy theo đường tỉnh 725 (từ nhà máy alumin ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) ra quốc lộ 20 về tỉnh lộ 769 (tỉnh Đồng Nai) đến cảng Gò Dầu. Đây là tuyến vận chuyển alumin được TKV xác định ngay khi dự án bôxit nhôm Lâm Đồng được khởi công.

Trước đây, tuyến vận chuyển alumin từ nhà máy bôxit Tân Rai về cảng Gò Dầu chỉ được xem là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, một khi nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) chính thức đi vào hoạt động, tuyến vận chuyển chính của cả hai nhà máy này là tuyến về cảng Kê Gà (Bình Thuận) với chiều dài gần 80km, chi phí đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Tuyến vận chuyển này đã được Chính phủ phê duyệt tháng 9-2010.

Tuy nhiên, đến nay do tiến độ lập dự án chậm và kinh phí đầu tư cao nên đường vận chuyển alumin từ Nhân Cơ và Tân Rai đang được xem xét chuyển hướng về cảng Vĩnh Tân (Bình Thuận), đi từ Nhân Cơ, Tân Rai qua quốc lộ 28 về La Dạ (quốc lộ 55) và ra cảng Vĩnh Tân.

C.V.KÌNH - L.DUNG

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên