16/02/2013 07:22 GMT+7

Giảm ùn tắc giao thông: nhiều việc phải làm

NGỌC ẨN thực hiện
NGỌC ẨN thực hiện

TT - Năm 2013, TP.HCM sẽ tập trung những giải pháp nào để chống ùn tắc giao thông? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tất Thành Cang, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết:

2eEDjPFR.jpgPhóng to
Cầu vượt Hàng Xanh, TP.HCM vừa hoàn thành góp phần giảm bớt đáng kể tình trạng ùn tắc tại khu vực này - Ảnh: MINH ĐỨC
QryjdiAg.jpgPhóng to
Ông Tất Thành Cang - Ảnh: M.ĐỨC

- Năm 2013, Sở GTVT TP tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó ưu tiên, dồn nguồn lực cho các công trình trọng điểm, công trình cấp bách, công trình hoàn thành trong năm để phát huy ngay hiệu quả đầu tư.

Nói chung, các công trình giao thông hoàn thành đều cải thiện rõ nét về tình trạng giao thông khu vực tùy theo quy mô, tính chất, vị trí công trình.

Các công trình hoàn thành trong năm 2013 dự báo tạo nên bước chuyển biến mạnh về giao thông ở TP.HCM chính là công trình xây dựng tỉnh lộ 10B, cầu Sài Gòn 2, đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (khai thác trước đoạn từ đường Nguyễn Thái Sơn đến quốc lộ 13), đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (khai thác trước đoạn TP.HCM - Long Thành) và cầu vượt tại các nút thường ùn tắc giao thông như Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Ba Tháng Hai - Nguyễn Tri Phương, vòng xoay Cây Gõ...

* TP đã và sẽ triển khai một số công trình cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông trong nội ô TP. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng các công trình này vẫn chưa giải quyết triệt để ùn tắc giao thông một cách bền vững?

- Việc xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông trong nội ô TP chỉ là giải pháp trước mắt nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, cải thiện điều kiện đi lại của nhân dân TP trong giai đoạn ngắn hạn.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông một cách bền vững, chúng ta phải đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống vận tải hành khách công cộng có sức chuyên chở lớn, thân thiện môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân TP tham gia giao thông, đồng thời hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường.

Để giải bài toán này, không có cách nào khác ngoài việc tập trung đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.

Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có sức chuyên chở lớn, xây dựng hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt phủ khắp địa bàn TP và kết nối hợp lý với các nhà ga tuyến đường sắt đô thị; từng bước xây dựng hoàn thiện các đường vành đai, trục đường đối ngoại, đường trên cao, đường hướng tâm.

* TP đang thiếu trầm trọng quỹ đất dành cho giao thông tĩnh như bến bãi đậu xe... Trong khi đó, có nhà đầu tư dự án xây dựng tầng hầm đậu xe đã khởi công từ hai năm nay rồi để đó. Sở GTVT sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?

- Bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám đã tổ chức lễ động thổ tháng 8-2011, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Nguyên nhân đây là bãi đậu xe ngầm đầu tiên được triển khai nên có nhiều vướng mắc thủ tục, chính sách trong quá trình thực hiện, thủ tục giao thuê đất kéo dài, do chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế cơ sở dẫn đến điều chỉnh diện tích giao thuê đất.

Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục còn lại để sớm triển khai xây dựng công trình, đồng thời kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc liên quan.

* TP.HCM đã quá chậm trong việc phát triển hạ tầng giao thông, cụ thể việc xây dựng các tuyến đường trên cao. Đã có hai nhà đầu tư đề xuất xây dựng đường trên cao ở TP nhưng mấy năm nay vẫn chưa khởi động, vì sao thưa ông?

- Theo quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP.HCM có bốn tuyến đường trên cao và ba đường vành đai (số 2, số 3 và số 4). Bốn tuyến đường trên cao đã được TP đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao) hoặc PPP (hợp tác công tư).

Trong những năm qua, các tuyến đường trên cao này được một số nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư lớn (từ 10.000-15.000 tỉ đồng một tuyến) nên chưa xác định được phương án tài chính hoàn vốn cho nhà đầu tư, dẫn đến dự án chưa triển khai được.

Hiện chỉ có đường vành đai số 2 nằm hoàn toàn trên địa bàn TP, còn đường vành đai số 3 với tổng chiều dài 89km thì trên địa bàn TP có 49km và đường vành đai số 4 tổng chiều dài 197km, trong đó trên địa bàn TP chỉ có 20km, phần còn lại ở các tỉnh khác.

Đường vành đai số 2 còn hai đoạn chưa đầu tư xây dựng gồm đoạn từ ngã ba Tân Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) và đoạn từ đường vành đai đông đến nút giao thông Gò Dưa (Q.Thủ Đức).

Khó khăn lớn nhất của việc đầu tư khép kín các đoạn đường vành đai số 2 chính là chưa huy động được nguồn vốn đầu tư, dù TP đã kêu gọi đầu tư, thành lập tổ công tác liên ngành tìm kiếm quỹ đất để khai thác hoàn vốn cho nhà đầu tư...

Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung nguồn lực đầu tư khép kín đường vành đai số 2, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng trước đoạn từ đường vành đai đông đến ngã tư Bình Thái (Q.Thủ Đức) để tạo hướng giao thông thông suốt, thuận lợi ở phía đông TP.

Bộ GTVT đang triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có phần lớn chiều dài thuộc đường vành đai số 3. Hiện dự án đang ở bước triển khai thiết kế kỹ thuật và thực hiện giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công công trình vào cuối năm 2013. Ngoài ra, Bộ GTVT đang triển khai lập dự án xây dựng đường vành đai số 3 đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn.

* Vừa qua Bộ GTVT đề nghị TP đẩy mạnh xã hội hóa hạ tầng giao thông vì ngân sách hạn hẹp. Theo ông, cần có những cơ chế, chính sách nào để huy động vốn của các doanh nghiệp?

- Để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thì cần có cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, đồng thời cũng phải tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn đầu tư và kinh doanh có lãi hợp pháp.

Do vậy tùy thuộc từng hình thức đầu tư cần có cơ chế, chính sách phù hợp như bảo lãnh của Chính phủ, hỗ trợ vốn từ Nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng, giá phí sử dụng đường bộ và bến bãi hợp lý để đảm bảo tính khả thi của dự án, TP được chủ động quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư...

Ông Phạm Sanh (chuyên gia các công trình cầu, đường):

Không nên đầu tư dàn trải

Năm 2013, ngành GTVT TP cần tiếp tục chữa trị hai căn bệnh nan y: kẹt xe và tai nạn giao thông. Theo thông lệ hằng năm, Sở GTVT TP đưa ra chủ yếu các giải pháp để chữa trị hai căn bệnh trên là xây dựng công trình có vốn đầu tư trên 12.000 tỉ đồng và để hoàn thành dứt điểm một số công trình dây dưa đã lâu cũng cần trên 8.000 tỉ đồng. Theo tôi, ngành GTVT TP cần đầu tư tập trung, tránh đầu tư dàn trải nhiều công trình, nên đi sâu vào tiêu chuẩn và giải pháp kỹ thuật để khi triển khai làm phải khả thi và đạt hiệu quả, tiết kiệm. Trước hết, phải đánh giá lại năng lực các đơn vị tư vấn thẩm tra, thiết kế. Cuối cùng là phải tăng cường kiểm soát chất lượng thi công xây dựng công trình, không để tình trạng bớt xén vật liệu hoặc thi công không theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn như năm vừa rồi.

Riêng với danh mục các công trình do Sở GTVT TP công bố, theo tôi, nên ưu tiên tập trung các công trình có tính hiệu quả cao như đường vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất, đường vành đai số 2, tỉnh lộ 10, cầu Sài Gòn 2, các cầu vượt bằng thép (nên nghiên cứu cho xe hai bánh và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật). Tôi đề nghị Sở GTVT nên nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông, bổ sung các quy hoạch chi tiết, xây dựng sổ tay giao thông TP.

Chuyên gia Lâm Thiếu Quân: (đại biểu HĐND TP.HCM):

Nên mở rộng các giao lộ

Để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, theo tôi, ngoài việc tiếp tục đầu tư cho các dự án giao thông trọng điểm như xây cầu vượt Hàng Xanh, Thủ Đức, Lăng Cha Cả như vừa qua, chúng ta nên tập trung vào các giải pháp tổ chức giao thông, cụ thể: mở rộng các giao lộ để có thêm ngã rẽ phải trước đèn đỏ, đồng thời tổ chức thêm hệ thống đèn rẽ trái nhằm tăng năng lực giao thông tại các giao lộ thường bị ùn tắc. Nâng cấp hệ thống đèn giao thông để tạo làn sóng xanh tại các tuyến có lưu lượng xe đông như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu... Lắp đặt các hệ thống camera nhằm giám sát xử phạt các hành vi vi phạm giao thông tại những tuyến thường xảy ra việc chạy quá tốc độ. Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới xe buýt vừa được duyệt, ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa luồng tuyến nhằm giảm việc trợ giá và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng...

NGỌC ẨN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên