04/02/2013 08:18 GMT+7

Góp một chút để người nghèo có tết

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Việc chia sẻ, tương thân tương ái trong người Việt đã có từ hàng ngàn năm nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Giang Quân nói:

b7vYSrlf.jpgPhóng to
Nhà nghiên cứu Giang Quân - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Người VN từ xưa đến nay vẫn có câu lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Đây là truyền thống có được từ hàng ngàn năm nay. Tình tương thân tương ái từ cá nhân gia đình đến cộng đồng làng xã đã được thực hiện qua nhiều năm. Chính phủ đã có nhiều chính sách để xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ những nơi khó khăn, nhưng có nhiều trường hợp trước khi những chính sách đó kịp đến với người dân thông qua nhiều thủ tục thì người dân đã tự đùm bọc lấy nhau rồi.

Trong những năm gần đây, tôi nhận thấy phong trào lá lành đùm lá rách được nhân rất rộng ở khắp nơi, không kể ngành nghề, địa lý, không kể tổ chức hay cá nhân. Đó là một việc rất đáng mừng. Ai cũng muốn đóng góp chút ít vào việc chung đó và tôi nghĩ đó là tinh thần dân tộc mà ông cha ta đã làm. Thế nên mỗi người góp vào một ít để tết này các cháu có thêm tấm áo mới để giữ ấm, có thêm chiếc kẹo để ăn tết, nhất là những doanh nghiệp có doanh thu cao, lợi nhuận nhiều thì trích một phần lợi nhuận của mình để góp phần mang niềm vui đến cho các cháu bé nhà nghèo.

Tôi cũng biết hiện nay có rất nhiều tổ chức từ thiện làm việc hoàn toàn tự nguyện và không rình rang, ví như một số nhà chùa nhiều năm nay nhận nuôi trẻ mồ côi và dạy dỗ các cháu nên người. Đồng hành cùng với nhà chùa là rất nhiều nhà từ thiện không cần nêu tên, họ cần mẫn mang tiền, gạo đến để đóng góp với nhà chùa nuôi nấng những đứa trẻ trưởng thành. Tôi nghĩ đó là việc mà ông cha ta đã từng làm, chúng ta chỉ tiếp tục thực hiện công việc ấy thôi.

Trong hàng ngàn hương ước của làng xã người Việt có rất nhiều hương ước ghi cụ thể về việc cưu mang đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn và những mảnh đời cơ cực. Ví dụ trong làng xóm có người nào nghèo khổ quá thì các gia đình bớt ăn mỗi bữa đi một chút để giúp người ta, hoặc có manh áo mà mình mặc quá chật rồi thì mang cho người nghèo.

Tôi biết hiện có rất nhiều tờ báo tổ chức quyên góp tiền hoặc hiện vật để ủng hộ người nghèo và những hoàn cảnh khó khăn. Ở những tờ báo này họ đưa ra một kế hoạch làm từ thiện hoặc đưa lên báo những nhân vật, những hoàn cảnh khó khăn cụ thể để bạn đọc có thể giúp đỡ. Thông qua những nhân vật cụ thể, những bài viết có địa chỉ cụ thể, các bạn đọc hảo tâm có thể đến tận nơi để trao tiền và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Họ thường cho rằng đây là những nơi đáng tin cậy để gửi gắm đóng góp của mình đến với những người cần giúp đỡ.

Thực tế thì ngay ở những bệnh viện, có rất nhiều người phải trị bệnh lâu dài và tiền bạc thì theo tiền thuốc hết, có cả những người phải đón tết ở bệnh viện nữa. Họ đương nhiên không thể có một cái tết đúng nghĩa. Nên thêm một chiếc bánh chưng, một hộp mứt nhỏ, một ấm trà thơm cũng phần nào an ủi đỡ đần người ta rồi. Sự chia sẻ đôi khi không phải là vật chất mà còn ở tinh thần nữa. Khi ấy món quà có ý nghĩa rất lớn lao đối với người nhận và khiến người ta ấm lòng.

Truyền thông đã thực hiện việc kết nối rất tốt. Trước đây chưa từng có những việc đó, nếu ai khó khăn thì những người được chứng kiến mới giúp đỡ thôi. Nhưng bây giờ thông qua truyền thông, số người cần giúp đỡ được giúp đỡ nhiều hơn, tính nhân văn lan rộng hơn, người với người giúp nhau được tận tình và đến nơi đến chốn, có hiệu quả cao hơn.

sSWrdDR2.jpgPhóng to

Học sinh Trường THPT Duy Tân (Kon Tum) nấu bánh chưng tặng người nghèo - Ảnh: P.Hòa

* Kon Tum: “Bánh chưng xanh - ấm lòng ngày tết”

Ngày 3-2 tại TP Kon Tum, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh Kon Tum tổ chức ngày hội “Bánh chưng xanh - ấm lòng ngày tết” năm 2013. Ngày hội có sự tham gia của trên 300 đoàn viên thanh niên của 10 đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn và các Đoàn trường trên địa bàn TP. Toàn bộ 350 bánh chưng nấu trong dịp này cùng với 30 suất quà do tuổi trẻ các đơn vị hỗ trợ thêm sẽ được các bạn trẻ trao tặng các em thanh thiếu nhi nghèo, học sinh khó khăn, bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện, trẻ em mồ côi tại các cơ sở nuôi dạy từ thiện để giúp họ có thêm niềm vui xuân, đón Tết Quý Tỵ 2013.

Cùng ngày, tại xã Xốp và xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei), tuổi trẻ Đoàn Trường đại học Kiến trúc TP.HCM đã trao tặng gần 700 món quà gồm chăn, màn và quần áo cho người nghèo của địa phương, góp phần giúp bà con được ấm hơn trong thời tiết giá lạnh của vùng đông bắc Trường Sơn khi tết đến xuân về.

PHƯƠNG HÒA

* Cà Mau: tặng 77 suất quà tết cho giáo viên vùng sâu

Đại diện Trường đại học Cần Thơ đã thăm hỏi, chúc tết và tặng 77 suất quà cho giáo viên Trường THCS, tiểu học 2 và tiểu học 3 xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). Số quà do cán bộ, công đoàn viên Trường đại học Cần Thơ đóng góp, mong chia sẻ khó khăn của tập thể giáo viên ở những ngôi trường vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh Cà Mau, góp phần giúp các giáo viên đón tết đầm ấm.

Đ.TRIỀU

* Trao quà tết cho hộ nghèo

Trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ quà tết cho 30.000 hộ nghèo, mỗi phần quà cho hộ nghèo là 300.000 đồng, quà cho hộ cận nghèo là 200.000 đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN chi nhánh Bạc Liêu đã tặng 500 phần quà tết cho hộ nghèo dân tộc Khmer trong tỉnh, mỗi phần quà 300.000 đồng.

Ông Trần Thanh Mẫn - bí thư Thành ủy Cần Thơ, hoa hậu VN 2012 Đặng Thu Thảo cùng các mạnh thường quân cũng đã tổ chức trao quà tết cho 300 hộ nghèo, chính sách tại huyện Cờ Đỏ. Mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng bao gồm gạo, dầu ăn, bột ngọt... và 200.000 đồng tiền mặt để góp phần cho các hộ dân nghèo trang trải được một cái tết vui tươi, đầm ấm. Đây là quà mà một số cơ quan báo chí có văn phòng tại Cần Thơ, các doanh nghiệp, văn phòng luật sư, Đại học Tây Đô và cá nhân ông Mẫn đóng góp.

TR.THẢO - P.NGUYÊN

ZxZwEzXP.jpgPhóng to

Hai chiếc thuyền vừa được tặng xã Hồi Xuân và Thanh Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa - Ảnh: Hà Đồng

* Thanh Hóa: tặng thuyền cho đồng bào vùng cao

Ngày 3-2, chị Vi Thị Huệ - bí thư Huyện đoàn vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) - cho biết địa phương vừa tiếp nhận hai chiếc thuyền do nhóm phóng viên viết về lĩnh vực giao thông ở các cơ quan báo chí tại Hà Nội, TP.HCM trao tặng nhân dịp xuân về.

Hai chiếc thuyền này được đóng bằng sắt, lắp máy đẩy 15CV, dài hơn 9m, rộng gần 2m, chở được 10 người. Tổng trị giá hai chiếc thuyền là 120 triệu đồng. Huyện đoàn Quan Hóa đã bàn giao hai chiếc thuyền cho xã Hồi Xuân và xã Thanh Xuân để hoạt động trên sông Mã. Các em học sinh qua sông Mã bằng thuyền này được miễn phí, còn người dân phải đóng phí theo quy định để xã đoàn lấy kinh phí mua dầu chạy máy, bảo dưỡng thuyền. Dịp này, Tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng 20 chiếc áo phao để giúp người dân qua sông an toàn.

HÀ ĐỒNG

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên