24/01/2013 06:12 GMT+7

Hiến pháp phải có giá trị áp dụng trực tiếp

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Sáng 23-1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

OO5dMJnd.jpgPhóng to
Từ trái qua: Ông Nguyễn Văn Phúc, ông Hoàng Thế Liên và ông Phạm Quốc Anh trao đổi bên lề cuộc tọa đàm - Ảnh: V.V.Thành

Trả lời câu hỏi trong gần một tháng qua nội dung nào được người dân quan tâm tham gia ý kiến nhiều nhất, ông Nguyễn Văn Phúc - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phó trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - cho biết trong các kênh mở ra để người dân tham gia ý kiến, riêng trang web duthaoonline.quochoi.vn của Quốc hội đến nay đã nhận được khoảng 630 ý kiến, tập trung chủ yếu vào chương chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

“Cụ thể qua thống kê của chúng tôi, đến nay có 209 ý kiến đối với 13 điều trong 14 điều của chương về chế độ chính trị, chẳng hạn như điều 1 về chính thể thì có 43 ý kiến về tên nước, về chủ quyền quốc gia... Điều 13 nói về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, quốc khánh cũng rất được quan tâm với 26 ý kiến. Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, chúng tôi nhận được 154 ý kiến đối với 33 điều trong tổng số 38 điều của chương này. Ví dụ với điều 21 về quyền sống là nội dung mới đã nhận được 22 ý kiến, chứng tỏ nhân dân rất quan tâm. Ngoài ra, rất nhiều ý kiến bàn về sở hữu đất đai trong chương về kinh tế. Rồi các điều về bộ máy nhà nước, ví dụ như nên thành lập hội đồng hiến pháp hay là tòa án hiến pháp. Theo thống kê đến nay, 97 điều trên 127 điều đều được người dân tham gia đóng góp ý kiến” - ông Phúc nói.

Về việc tại sao lại phải sửa đổi Hiến pháp vào thời điểm này, ông Hoàng Thế Liên - thứ trưởng Bộ Tư pháp, tổ trưởng tổ giúp việc Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 - nêu một trong các lý do là: “Tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 cho thấy chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về nhiều mặt, trong đó có cả kinh tế. Đồng thời chúng ta cũng thấy các cuộc cải cách về tư pháp, lập pháp, hành chính đạt được một số thành tựu nhưng cũng bắt đầu có những cái vướng. Vì vậy, chúng ta đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở hiến định đẩy mạnh các cuộc cải cách mà tôi vừa nêu ở trên”.

Ông Phạm Quốc Anh - chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - cho biết một trong những điều ấn tượng nhất đối với ông trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là việc làm rõ hơn nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân... Chia sẻ với ý kiến này, ông Liên cho biết thêm: “Trước đây chúng ta ghi nhận quyền công dân có ghi thêm công dân thực hiện quyền đó theo pháp luật, nhưng pháp luật của chúng ta thì rất rộng từ Quốc hội, cho đến Chính phủ, địa phương tận cấp xã cũng được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó có nguy cơ hạn chế việc thực hiện quyền công dân. Nhưng lần này dự thảo sửa đổi quy định quyền con người, quyền công dân được đảm bảo bằng luật của Quốc hội ban hành”.

Trả lời câu hỏi làm sao để việc lấy ý kiến của người dân tránh hình thức, ông Nguyễn Văn Phúc nói nếu thực hiện đúng các quy định trong các văn bản có liên quan của Bộ Chính trị, Quốc hội... thì không thể nào hình thức được. Ông Phúc nói: “Một điểm mới mà chúng tôi đang tiếp tục tham mưu là các quy định của hiến pháp phải có giá trị áp dụng trực tiếp như hiến pháp của nhiều nước trên thế giới. Tuy hiến pháp quy định khái quát các nguyên tắc, nhưng các nguyên tắc đó phải cụ thể, áp dụng trực tiếp được. Nếu tất cả quy định của hiến pháp mà phải chờ luật quy định rồi phải chờ các văn bản dưới luật nữa thì tính áp dụng trực tiếp sẽ giảm đi rất nhiều”.

“Lần này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp rất cố gắng để sẽ có những quy định có giá trị áp dụng trực tiếp. Ví dụ những nguyên tắc bảo vệ quyền con người, những lĩnh vực mà quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế thì cũng được nâng lên thành hiến định. Đấy là một nguyên tắc mà từ đó người dân có thể nêu vấn đề về vi hiến đối với các văn bản nếu trái với nguyên tắc quy định trong hiến pháp. Đây là điểm mà có thể làm người dân thấy Hiến pháp gắn với quyền của người dân, gắn với cuộc sống của người dân, làm cho người dân tích cực tham gia và đóng góp thiết thực” - ông Phúc cho biết.

Cân nhắc vấn đề thu hồi đất

Bên lề cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phúc - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phó trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - đã trao đổi với báo chí xung quanh quy định về thu hồi đất trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ông Phúc nói:

- Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được lấy ý kiến nhân dân cũng như trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ tháng 2 tới đều có quy định về thu hồi đất. Tuy nhiên, người dân vẫn đang có ý kiến về các trường hợp thu hồi đất, có ý kiến cho rằng nên quy định trường hợp nào gọi là thu hồi, trường hợp nào gọi là trưng mua quyền sử dụng đất.

* Dự kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5, trong khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến phải đến kỳ họp cuối năm mới thông qua. Vậy trong trường hợp giữa hai văn bản này có sự vênh nhau trong quy định về thu hồi đất thì sao?

- Đó là điểm hiện đang được thảo luận, bởi vì nếu chúng ta thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5-2013 thì phải làm thế nào để quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp thông qua sau đó vào tháng 10-2013 không trái với quy định của Luật đất đai (sửa đổi). Nghĩa là phải đảm bảo tính nhất quán về chính sách. Có ý kiến cho rằng vẫn có thể lần lượt thông qua hai văn bản nêu trên nếu đảm bảo được tính nhất quán. Tuy nhiên, có ý kiến khác cũng đề nghị thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai (sửa đổi) cùng thời gian để đảm bảo tính thống nhất của quy định này.

* Theo ông, các trường hợp thu hồi đất như trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định (Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội) đã thỏa mãn điều kiện thực tiễn?

- Nghị quyết trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đã đề cập nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng có quy định. Cần lưu ý rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này mới đưa vào quy định về những trường hợp thu hồi đất, Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi năm 2001 chưa quy định trực tiếp việc thu hồi đất ở trong Hiến pháp. Tuy nhiên như tôi đã nói, người dân đang có ý kiến đề nghị cân nhắc trường hợp nào Nhà nước thu hồi, trường hợp nào Nhà nước trưng mua. Chắc chắn Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ban soạn thảo dự thảo Luật đất đai và Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc vấn đề này.

* Ông có thể nói kỹ hơn về việc người dân đang có ý kiến đề nghị cân nhắc trường hợp nào Nhà nước thu hồi, trường hợp nào Nhà nước trưng mua?

- Qua thảo luận, có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng vì quyền sử dụng đất là quyền tài sản, nếu là quyền tài sản theo Bộ luật dân sự thì phải sử dụng biện pháp trưng mua chứ không phải biện pháp thu hồi (đơn thuần là biện pháp hành chính). Cho đến hiện nay trong dự thảo văn bản có liên quan vẫn dùng khái niệm thu hồi, nhưng thu hồi dưới hình thức nào thì phải nghiên cứu để cụ thể hóa.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên