24/12/2012 08:27 GMT+7

"Cơi nới"... đập thủy điện

Ông Dương Chí Công (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam)
Ông Dương Chí Công (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam)

TT - Với việc tùy tiện nâng cao trình đập thêm 1m, Nhà máy thủy điện Sông Côn 2 sẽ thu thêm khoảng 10 tỉ đồng/năm, đổi lại, hàng trăm hộ gia đình kêu cứu vì mất đất sản xuất và nguy hiểm hơn là câu chuyện về an toàn đập.

1MIronUO.jpgPhóng to
Hệ thống van lật được lắp đặt thêm đã nâng cao trình cột nước tại thủy điện Sông Côn 2 thêm 1m - Ảnh: Đăng Nam

Trong khi nhiều công trình thủy điện ở miền Trung đã và đang đối mặt với nguy cơ mất an toàn đập dâng thì tại đầu nguồn sông Côn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), ban điều hành Nhà máy thủy điện Sông Côn 2 lại nâng cao trình đập lên thêm 1m để tích nước phát điện.

“Sáng kiến” của nhà máy, “tối kiến” cho dân

"Theo nguyên tắc, nếu thủy điện nâng cao trình thì phải làm lại toàn bộ, hoặc bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Nam chưa nhận được báo cáo này"

Với thiết kế ban đầu, thủy điện Sông Côn 2 có cao trình nước dâng là 278m. Tuy nhiên chỉ sau một năm đưa vào vận hành, khai thác, cuối năm 2011 ban điều hành thủy điện Sông Côn 2 đã quyết định nâng đập tràn cao lên thêm 1m bằng cách lắp đặt lên thân đập một hệ thống van lật bằng sắt tấm. Giải pháp được coi là “sáng kiến” này đã làm tăng lượng nước trong lòng hồ gần 1 triệu m3, từ đó mang lại cho nhà máy khoảng 10 tỉ đồng/năm, nhưng lại khiến hơn 108.000m2 đất sản xuất của người dân các xã Jơ Ngây, Sông Kôn, A Ting và Kà Dăng của huyện Đông Giang bị “nuốt chửng” dưới lòng hồ thủy điện.

Gia đình A Ting Sơn, ở thôn Ngật (xã Kà Dăng) nằm sát thủy điện Sông Côn 2, có năm khẩu, thu nhập chính phụ thuộc vào ruộng vườn rẫy nhưng từ ngày hồ dâng nước, ruộng vườn ngập khiến cuộc sống hết sức khó khăn. Ông Alăng Điều, trưởng thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn), bức xúc cho biết ngày trước nương rẫy nằm dưới chân đồi thì thủy điện làm ngập đành phải chuyển lên cao, nay lại thêm nhiều khoảnh ruộng khác trên cao cũng bị ngập, bị cô lập buộc dân phải lên cao nữa. Mà trên cao đất xấu lắm, sản lượng làm ra không đủ ăn... dân bức xúc phải khiếu kiện.

Ông Đỗ Tài, chủ tịch UBND huyện Đông Giang, xác nhận việc thủy điện Sông Côn 2 nâng cao trình mặt đập làm ngập đất đai, hoa màu, cây cối của người dân đã tạo thêm “điểm nóng” buộc chính quyền phải vào cuộc để giải quyết. Theo thống kê của huyện, sau khi đập chắn của thủy điện này nâng thêm 1m, lập tức có 260 đơn khiếu nại, khiếu kiện gửi đến chính quyền. “Chúng tôi đã loại 45 lá đơn không hợp lệ, nhưng còn hàng trăm đơn thư khác thì rất đau đầu trong xử lý” - ông Tài nói.

Cũng theo ông Tài, việc thủy điện Sông Côn 2 kỳ kèo chưa chịu đền bù cho dân đã khiến người dân bức xúc. “Trong các kỳ họp HĐND tỉnh, tôi cũng phản ảnh thẳng rằng: Nhờ nâng cao trình thêm 1m nước mà mỗi năm nhà máy có thêm không dưới 10 tỉ đồng. Trong khi đó chỉ 4,2 tỉ đồng đền bù cho người dân mà họ (thủy điện) vẫn dây dưa chưa chịu chi trả thì thật là khó hiểu” - ông Tài nói.

Đang thẩm định?

Làm việc với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Trung Hải - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Geruco Sông Côn (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Côn 2) - cho biết hệ thống van lật là một sáng kiến của đơn vị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện sáng kiến này đang được Sở Công thương Quảng Nam thẩm định. Hệ thống van lật này là do Trung tâm thủy điện và năng lượng tái tạo (Viện Khoa học - thủy lợi VN) thẩm định thiết kế”.

Trong khi đó, trưởng phòng quản lý điện năng (Sở Công thương Quảng Nam) Võ Thí cho biết: chính quyền huyện Đông Giang đã nhiều lần có ý kiến về việc công trình thủy điện Sông Côn 2 nâng cao trình để tận thu nguồn nước, tăng thu nhập cho nhà máy.

“Tuy nhiên, với nhiệm vụ và chức năng của Sở Công thương thì chỉ giám sát về mặt nhà nước. Còn việc nâng cao trình chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn làm. Nếu có việc gì về an toàn đập thì đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm. Mình lên nhìn thấy rõ ràng, tận mắt, nhưng vấn đề an toàn hay không làm sao biết. Nguyên tắc là phải có kiểm định an toàn đập của đơn vị tư vấn” - ông Thí nói.

Trước đó, tháng 8-2012, khi nói về an toàn đập và vận hành hồ chứa của thủy điện Sông Côn 2, chánh thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường Lê Quốc Trung đã kết luận “vi phạm” với các lý do: chưa thực hiện trồng cây tại bãi thải, chưa đăng ký công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng, chưa thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa vì mực nước hồ chứa cao hơn mực nước dâng bình thường vào mùa mưa bão, chưa thực hiện quan trắc hoặc hợp đồng đơn vị chuyên ngành quan trắc, đo đạc các yếu tố khí tượng thủy văn trên lưu vực để phục vụ công tác an toàn đập.

Sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao!?

Theo thông tin trên website của Công ty CP thủy điện Geruco Sông Côn, “sáng kiến” cơi nới đập tràn đã làm tăng 7-10% sản lượng điện sản xuất hằng năm của nhà máy bậc 2 (60 MW). Hệ thống van lật có kết cấu đơn giản, dễ chế tạo, chi phí chế tạo, gia công và lắp đặt thấp. Công trình được đánh giá có mức đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Dương Chí Công (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên