Phóng to |
ĐB Phạm Văn Châm, chủ tịch huyện Đông Anh: “Nhà hỏa táng thì chúng tôi đồng tình, còn nghĩa trang địa táng tại xã Vân Hà là không hợp lý, cần xem xét lại” - Ảnh: Xuân Long |
Đại biểu (ĐB) Chu Phú Mỹ, chủ tịch UBND Phú Xuyên, nêu: “Quy hoạch nghĩa trang thủ đô xác định xây nghĩa trang tập trung của TP tại xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) với quy mô 28ha, khi lập quy hoạch huyện đã có văn bản đề nghị không xây dựng nghĩa trang tập trung tại đây... Tôi đề nghị chỉ nên xây dựng nghĩa trang phục vụ đô thị vệ tinh Phú Xuyên với hình thức hỏa táng”.
ĐB Phạm Văn Châm, chủ tịch huyện Đông Anh, cũng chỉ đồng tình xây nhà hỏa táng và phản đối bố trí nghĩa trang địa táng trên địa bàn huyện này.
Theo ĐB Nguyễn Huy Việt - chủ tịch huyện Gia Lâm, việc xác định nghĩa trang tập trung của TP với quy mô 53ha tại xã Trung Màu (Gia Lâm) cũng không ổn. “Đơn vị lập quy hoạch chưa bàn với huyện, chưa bàn với dân. Quy hoạch nói cách xa khu dân cư từ 500m đến 1km, nhưng người dân ở đây nói chỗ gần nhất chỉ cách khu dân cư 100m. Chúng tôi đề nghị giảm quy mô xuống còn 20ha và phải tính toán vị trí cách xa khu dân cư” - ĐB Việt nói.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định việc xây dựng nghĩa trang phải làm đúng theo quy hoạch chung thủ đô được Thủ tướng phê duyệt. “Phải thực hiện với quyết tâm cao, chứ cứ đưa ra mà huyện nào cũng né tránh thì không thể được, phải cương quyết làm theo đúng quy hoạch” - ông Sửu nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra về quy hoạch nghĩa trang thủ đô, bà Nguyễn Thị Thùy, trưởng Ban văn hóa-xã hội (HĐND TP), nhấn mạnh: “Đa số ý kiến thành viên ban cho rằng không nên thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) trong đầu tư xây dựng nghĩa trang, tránh tình trạng người dân phải mua đất với giá cao để an táng”.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Huy Việt cho biết “nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư, sau đó khai thác rồi lại bán, có nơi bán với giá 5-10 triệu một chỗ chôn, rất phức tạp nên tôi đề nghị không dùng BOTxây dựng nghĩa trang”. Ông Lê Vinh, viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - đơn vị tư vấn lập quy hoạch, thừa nhận thực tế ở một số dự án đang triển khai có tình trạng người nghèo không mua được đất chôn vì giá đất trong nghĩa trang bị nhà đầu tư bán quá cao.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Nam, trưởng Ban kinh tế-ngân sách, cho rằng không thể đổ tội cho BOT mà “cần quy định ngay giá trần dịch vụ nghĩa trang khi người ta trình dự án chứ không phải không quản lý được thì cấm”. Phó chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cũng nhất trí “không cần quy định không áp dụng BOT trong xây dựng nghĩa trang, tuy nhiên UBND TP phải làm rõ giải pháp về quy định giá trần đối với các dịch vụ trong các dự án xã hội hóa trước khi hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt”.
HĐND TP Hà Nội sau cùng đã nhất trí thông qua nghị quyết về quy hoạch nghĩa trang thủ đô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận