Thủ tướng cho biết bên cạnh những khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và các hạn chế, yếu kém trong nước, cộng với sự tàn phá của thiên tai “làm chúng ta mất khoảng 1% GDP, tức khoảng 1 tỉ USD” thì thời gian qua: “Chúng ta còn phải tốn rất nhiều công sức để ngăn chặn, triệt phá những âm mưu của các thế lực thù địch. Rồi sự đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia trên biển đảo, chúng ta cũng tốn rất nhiều công sức kể cả đấu tranh ngoại giao, trong các diễn đàn song phương, đa phương, rồi cả trên thực địa để giữ cho được chủ quyền quốc gia”.
Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay các cử tri trong buổi tiếp xúc tại Hải Phòng - Ảnh: Thân Hoàng |
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh nêu trên, nước ta vẫn đạt được những thành tựu lớn, nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát... Thủ tướng nói: “Tôi đi họp hội nghị quốc tế nhiều, gặp lãnh đạo các nước thì đầu tiên là họ bắt tay chúc mừng mình. Đương nhiên trong chúc mừng đó có cái ngoại giao, nhưng nếu thật sự ta không đạt được thành tựu trước hết là kinh tế vĩ mô ổn định như thế, chắc là người ta cũng không chúc mừng”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn đề cập đến những mặt còn hạn chế, yếu kém như kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc, một số chỉ tiêu Quốc hội đề ra chưa đạt được, trong đó có tỉ lệ giảm hộ nghèo...
Đưa người hư hỏng ra khỏi Đảng
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, ông Bùi Văn Ngọc (phường Minh Khai, Q.Hồng Bàng) cho rằng kỳ họp Quốc hội vừa qua đã diễn ra trong không khí dân chủ, công khai, thẳng thắn và chất lượng cao. “Nhiều người ở Hải Phòng đồng tình với ý kiến của cử tri TP.HCM là nếu kỳ họp này diễn ra cách đây 10 năm thì chúng ta đã ngăn chặn được nhiều tiêu cực, đất nước ta đã phát triển thêm một tầm cao mới” - ông Ngọc nói.
“Sáng nay đến thăm nhà máy đóng tàu của quân đội, chúng tôi rất mừng là trong điều kiện khó khăn mà chúng ta vẫn kiên trì đóng được những con tàu thế hệ hiện đại. Chúng ta làm hết sức mình để giữ gìn hòa bình, bằng ngoại giao và bằng các công việc khác, nhưng chúng ta phải tự vệ. Vùng biển của Việt Nam trên 1 triệu km2, bờ biển dài hơn 3.260km, chúng ta phải có lực lượng để bảo vệ. Phải đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Đường lối quốc phòng của Việt Nam là tự vệ, bằng chiến tranh nhân dân, bằng sức mạnh quân đội”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Theo Thủ tướng, chúng ta kết nạp những công dân ưu tú trên các lĩnh vực vào Đảng. Đồng thời đấu tranh đưa những người hư hỏng, thoái hóa ra khỏi Đảng. Nếu ai vi phạm pháp luật thì đưa ra xử lý trước pháp luật. Đây là việc làm phải kiên quyết, kiên trì và phải làm thường xuyên, liên tục. Tham nhũng là tội phạm và cũng là hành vi đạo đức, hôm qua là anh hùng nhưng hôm nay anh giữ gìn không được, sa đọa hư hỏng thì chúng ta phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, ra khỏi bộ máy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ví dụ cụ thể: “Trong năm 2011, trên cả nước, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật 13.700 đảng viên; năm 2012 xử lý kỷ luật hơn 15.000 đảng viên, tăng 7-8% so với năm 2011. Có người hỏi bộ phận không nhỏ ở đâu? Thì bộ phận không nhỏ ở đây. Hơn 15.000 đảng viên đâu phải là ít, xử lý các hình thức kể cả đưa ra trước pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh, quyết tâm chính trị của Đảng ta”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây không phải một năm, một đợt là xong... Ngay bản thân mỗi người chúng ta đây, ưu điểm là chính nhưng có khi cũng có khuyết điểm, như vậy thì phải phê bình, tự phê bình và giữ gìn, rèn luyện”.
“Đau xót nhưng phải chấp nhận”
Cử tri Vũ Thiện Bản (phường Thượng Lý, Q.Hồng Bàng) tự giới thiệu mình năm nay 83 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng và kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp để kiên quyết loại bỏ “nhóm cá nhân hoạt động không lành mạnh trong nền kinh tế nước ta”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đại khái hiểu nhóm lợi ích đây là một nhóm người có chức quyền, ảnh hưởng nhất định nào đó, câu kết với nhau để đem lại lợi ích cho mình, mà lợi ích đó trái với lợi ích của đất nước, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Nếu họ gắn với nhau để đem lại lợi ích chính đáng cho nhóm đó thì không có vấn đề gì, còn trái với luật pháp, phương hại đến lợi ích quốc gia, phương hại đến lợi ích của người khác thì phải tùy mức độ, tùy vi phạm mà xử lý. Không để câu kết vì lợi ích của mình, nhóm của mình mà ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác”.
Thủ tướng nêu rõ: “Có một chuyện mà đồng bào, đồng chí đã biết. Ví dụ một ngân hàng mà mấy ông HĐQT trong đó có đồng chí nguyên bộ trưởng, vì lợi ích của nhóm này mà làm trái pháp luật. Đây là lợi ích nhóm. Chính phủ yêu cầu khởi tố, kể cả là nguyên bộ trưởng. Mặc dù rất đau xót nhưng phải chấp nhận”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận