27/11/2012 08:06 GMT+7

Nóng chuyện biển Đông

TH.HÀ - G.GIANG - H.LONG
TH.HÀ - G.GIANG - H.LONG

TT - Hội thảo quốc tế lần 4 về VN học đã khai mạc ngày 26-11 tại Hà Nội. Khoảng 300 nhà nghiên cứu nước ngoài cùng hàng trăm đồng nghiệp VN đã dự phiên toàn thể trước khi chia thành 15 tiểu ban khác nhau để cùng chia sẻ nghiên cứu, suy nghĩ của mình về VN.

oBDLQsWr.jpgPhóng to
GS Tsuboi Yoshiharu (bìa trái, Nhật Bản) tiếp tục trao đổi với GS Đặng Thuần Đông (Trung Quốc) sau giờ hội thảo để làm rõ quan điểm của hai ông đưa ra trong phiên thảo luận của tiểu ban quan hệ quốc tế của VN trong hội nhập và phát triển - Ảnh: Hương Giang

Không khí rét mướt của buổi chiều mùa đông Hà Nội đã nóng lên vì các học giả cùng lúc đề cập đến vấn đề biển Đông tại ba tiểu ban: văn hóa và giao lưu văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững, các vấn đề nghiên cứu khu vực, quan hệ quốc tế của VN trong hội nhập và phát triển.

Hội nhập là nhu cầu tự thân của VN

Nhìn lại quan hệ Việt - Trung từ đầu những năm 1990 trở lại đây, GS Ramses Amer (ĐH Stockholm, Thụy Điển) nói từ năm 2009, quan hệ có phần căng thẳng, nhất là sau khi xảy ra vụ cắt cáp tàu Bình Minh. Cuộc gặp cấp cao vào tháng 10-2011 đã giúp căng thẳng giảm bớt nhiều tuy rằng vẫn còn có những sự việc xảy ra.

"Trung Quốc càng đơn phương áp đặt quyền kiểm soát biển Đông bao nhiêu thì sự phản ứng quốc tế càng cao bấy nhiêu"

GS.TS Kolotov (Nga)

Về phần mình, GS Tsuboi Yoshiharu (ĐH Waseda, Nhật Bản) cho rằng VN và Nhật Bản có lợi ích chung trong việc cùng phối hợp giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc (TQ), cụ thể là VN đang gặp vấn đề tranh chấp chủ quyền với TQ ở Hoàng Sa, Trường Sa, còn Nhật Bản có mâu thuẫn gay gắt với TQ xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ý kiến này của GS Tsuboi gặp phải sự phản đối của học giả người TQ là GS Đặng Thuần Đông (Deng Chun Dong, Viện nghiên cứu chủ nghĩa Marx - Viện Xã hội học TQ). Theo GS Đặng, đây là hai vấn đề tách biệt, không có liên quan đến nhau. Đồng thời, GS Đặng cho rằng sau khi TQ bình thường hóa quan hệ với VN thì VN mới phá được bao vây, cấm vận và mới hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, lập luận này bị PGS.TS Trần Thị Vinh (ĐH Sư phạm Hà Nội) phản bác với bằng chứng là từ năm 1973 VN đã mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực chứ không chờ đến khi bình thường hóa quan hệ với TQ bởi vì hội nhập là nhu cầu tự thân của VN, nằm trong chính sách đối ngoại của VN.

Gia tăng áp lực với VN là phản tác dụng

Phiên thảo luận về hợp tác và an ninh trên biển của tiểu ban các vấn đề nghiên cứu thu hút sự tham gia của nhiều học giả VN và nước ngoài nhất trong chiều qua. Các diễn giả đã tập trung làm rõ tính chất pháp lý của bản đồ “đường lưỡi bò” do TQ đưa ra cũng như các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của nước này trong cách hành xử ở biển Đông.

“Tính biển” ở người Việt là lớn nhất

PGS Nguyễn Hải Kế (khoa lịch sử ĐH KHXH&NV Hà Nội) đã chứng minh “tính biển” trong các dân tộc bán đảo Đông Dương và Đông Nam Á, người Việt là lớn nhất, căn cứ trên độ dài đường bờ biển, phương cách sinh sống, tập tính sinh hoạt, những phong tục tập quán, văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di tích, di vật, sử liệu về những con đường giao thương trên biển, các thương cảng, các ngư trường... và cả những sử liệu truyền miệng: ca dao, tục ngữ, truyền thuyết về biển và người Việt với biển, được đúc rút từ ngàn đời nay.

Theo PGS Kế, tất cả cần được ghi nhận khi nghiên cứu về “tính biển” cả người Việt và vị trí, vai trò của biển Đông trong đời sống chính trị, kinh tế văn hóa của người Việt từ hàng ngàn năm nay.

PGS.TS Nguyễn Bá Diến (Khoa luật - ĐHQG Hà Nội) đã viện dẫn nguyên tắc chiếm hữu thật sự để bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của TQ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với việc sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, theo ông Diến, TQ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc chiếm hữu thật sự này.

Trong khi đó, đánh giá về “đường lưỡi bò” do TQ đưa ra trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc năm 2009, GS.TS Erik Franckx (ĐH Vrije Brussels, Bỉ) cho rằng TQ đã sử dụng những khái niệm pháp lý chưa từng có trong luật biển quốc tế như “vùng nước liên quan”, “vùng nước xung quanh” để lập luận về chủ quyền của mình ở biển Đông. Với tính chất pháp lý không rõ ràng và phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, ông Erik Franckx nhận định: “TQ gần như không thể duy trì được tuyên bố về đường lưỡi bò và không thể thụ đắc các lãnh thổ trên biển Đông như đòi hỏi hiện nay của họ được”.

GS.TS Vladimir Kolotov của ĐH Tổng hợp Saint Petersburg (Nga) nhận định việc TQ cố thiết lập quyền kiểm soát những con đường thương mại và nguồn tài nguyên quan trọng tại biển Đông đã vấp phải sự chống đối rất kiên trì của VN, nước coi quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là lãnh thổ quốc gia. VN kiên quyết bảo vệ vị thế của mình và kêu gọi các cường quốc hàng đầu thế giới ủng hộ. Ông cũng chỉ rõ rằng VN là người được quyền chọn lựa do vị trí địa - chính trị quan trọng bậc nhất Đông Nam Á của mình.

Theo ông Kolotov, một điều rõ ràng là “cuộc chiến giành VN” đang diễn ra và quyết định của VN liên kết với một bên nào đó sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng. VN tồn tại giữa búa và đe, tình trạng này không có gì mới đối với VN là một quốc gia trong lịch sử của mình không chỉ đã có nhiều kinh nghiệm xương máu và biết cách đối xử linh hoạt với các cường quốc, mà còn nổi tiếng vì có truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình đến cùng trước mỗi cuộc ngoại xâm.

“Chiến lược mà VN lựa chọn làm cho Bắc Kinh hiểu rằng việc gia tăng áp lực đối với VN hoàn toàn phản tác dụng, TQ càng đơn phương áp đặt quyền kiểm soát biển Đông bao nhiêu thì sự phản ứng quốc tế càng cao bấy nhiêu” - ông Kolotov nói.

GS.TS Đỗ Tiến Sâm - viện trưởng Viện nghiên cứu TQ thuộc Viện Khoa học xã hội VN - cho rằng với vị trí cầu nối liền hai thị trường lớn TQ và ASEAN có tới 1,9 tỉ người tiêu dùng, VN đang đứng giữa những cơ hội và thách thức đan xen chưa từng có. Để có thể tận dụng và khai thác các cơ hội đưa đến, giảm thiểu và hóa giải những thách thức không tránh khỏi, không bị “cuốn hút” vào sân chơi mới này của TQ, VN cần có sự đổi mới tư duy phát triển. Muốn thoát khỏi vòng xoáy TQ, theo kinh nghiệm của các nước phát triển, VN cần chuẩn bị 3T - Technology, Talents, Tolerant environment (công nghệ, nhân tài và môi trường khoan dung).

Hôm nay, 27-11, hội thảo quốc tế về VN học tiếp tục tại 15 tiểu ban.

Thành lập nhiều hơn các trung tâm nghiên cứu VN

“Tôi mong rằng các bạn quốc tế tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học VN xây dựng và phát triển bền vững ngành VN học trên thế giới, nhất là thành lập nhiều hơn các trung tâm nghiên cứu VN trên đất nước của các bạn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong bài phát biểu tại phiên khai mạc.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giới thiệu tới các học giả quốc tế về truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của VN cũng như những thành tựu sau hơn 25 năm đổi mới. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của VN. Và hội thảo VN học sẽ giúp thế giới biết đến VN không chỉ là một tấm gương về đấu tranh giành độc lập, có nhiều công trình văn hóa, di sản thiên nhiên... mà còn là một VN hội nhập và phát triển thành công. “Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta thấy được sự lớn mạnh của mạng lưới nghiên cứu VN học trên toàn thế giới” - Thủ tướng nói.

TH.HÀ - G.GIANG - H.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên