25/11/2012 06:09 GMT+7

Thành lập tòa án khu vực để xét xử độc lập hơn

C.MAI
C.MAI

TT - Ngày 24-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, đã chủ trì hội nghị về việc tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) khu vực phía Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp cần theo hướng tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Hệ thống VKSND cũng tổ chức phù hợp với TAND, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp được Đảng xác định tại nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, đến nay 63 tỉnh thành đều đã triển khai xong việc xây dựng phương án thành lập tòa án khu vực (58 tỉnh thành đã được ban thường vụ thành ủy, tỉnh ủy xem xét thông qua phương án, còn năm tỉnh thành đang chờ phê duyệt). Theo phương án của các địa phương, dự kiến hệ thống TAND, VKSND quận huyện sẽ tổ chức lại thành 427 tòa án sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực (trên 695 đơn vị hành chính cấp huyện), giảm 268 đơn vị so với hệ thống TAND, VKSND quận huyện hiện nay, chiếm tỉ lệ 38,5%.

Về một số băn khoăn của đại biểu nêu ra tại hội nghị, Chủ tịch nước cho rằng những khó khăn trong việc cải cách tư pháp là điều hiển nhiên. Cơ quan trung ương và các cấp, các ngành sẽ cùng nghiên cứu để tháo gỡ. Về vai trò lãnh đạo của cấp ủy khi thành lập tòa án khu vực, Chủ tịch nước cho rằng vấn đề này sẽ có nghiên cứu để có phương án hoàn chỉnh. Chủ tịch nước khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy dứt khoát sẽ không còn tình trạng “án bỏ túi”, cấp ủy không được can thiệp chuyện cơ quan tố tụng bắt ai, xét xử người đó bao nhiêu năm tù...

Về mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan tòa án, viện kiểm sát khu vực với cơ quan điều tra, Chủ tịch nước nói dù có khó khăn thì cũng không hẳn là do thành lập tòa án khu vực mới có. Những khó khăn này cần phải được lãnh đạo các ngành nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp. Chủ trương của việc lập tòa án khu vực, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là nhằm nâng cao tính độc lập trong xét xử của tòa án.

Tại hội nghị, hầu hết lãnh đạo TAND, VKSND các địa phương đều tán thành với các tiêu chí thành lập tòa án khu vực căn cứ theo đặc điểm địa bàn khu dân cư, làm sao để thành lập tòa án khu vực phải tạo thuận lợi cho người dân, không bắt người dân phải đi xa hơn.

Theo chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, việc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực sẽ gom các tòa án quận huyện tại những nơi ít xét xử thành những tòa án chung của cả khu vực. Bên cạnh việc đầu tư về nhân lực, nâng cao chất lượng xét xử của tòa án thì sắp tới vấn đề trụ sở, cơ sở vật chất của tòa án khu vực cũng sẽ được đầu tư đồng bộ. “Trụ sở tòa án cần phải được xây dựng khang trang, đảm bảo tính uy nghiêm của nơi nhân danh Nhà nước để ra một phán quyết”, ông Trương Hòa Bình cho biết. Theo chánh án TAND tối cao, một số khó khăn mà các địa phương nêu ra tại hội nghị như vấn đề chính sách cán bộ, biên chế, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án sẽ được quan tâm tháo gỡ.

Về vấn đề lộ trình thành lập tòa án khu vực mà TAND, VKSND các địa phương đề nghị, ông Trương Hòa Bình nói việc quy định lộ trình là cần thiết. Vấn đề trước tiên trong lộ trình thực hiện đề án thành lập tòa án khu vực, theo ông Bình, là cần phải chờ sửa Hiến pháp, sau đó sửa Luật tổ chức TAND, VKSND. Sau khi sửa luật thì địa phương nào có điều kiện sẽ bắt tay thực hiện ngay, dự kiến đến năm 2015 là có thể thành lập tòa án khu vực. Đến năm 2020 thì về cơ bản, các địa phương sẽ hoàn thành việc thành lập tòa án khu vực theo tinh thần cải cách tư pháp.

C.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên