TT - Có những trường hợp bị tai nạn giao thông (TNGT) được hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Tuy nhiên, nhiều người lao động không được giải quyết chế độ này do thiếu bản sao biên bản TNGT của cảnh sát giao thông.
Phóng to |
Từ khi bị TNGT năm 2011 đến nay, ông Hồ Văn Bình, cán bộ Công ty cổ phần bến xe miền Tây, vẫn không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động dù đã nhiều lần đi tới đi lui làm thủ tục. “Hồ sơ đủ hết, chỉ thiếu biên bản TNGT” - ông Bình bức xúc.
Theo lời kể của ông Bình, ông đi làm lúc 4g sáng và bị té gãy vai phải, nằm viện hơn hai tháng. Hội đồng giám định y khoa TP xác định tỉ lệ thương tật của ông là 45%. Tuy nhiên, hồ sơ xin hưởng trợ cấp tai nạn lao động của ông bị trả về với lý do thiếu bản sao biên bản TNGT.
Không xin được biên bản
Vận dụng giải quyết bị “tuýt còi” Trợ cấp tai nạn lao động là một trong các chế độ BHXH mà người lao động được lãnh khi bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc hay trên tuyến đường đi về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian, tuyến đường hằng ngày người lao động vẫn thường xuyên đi về. Có hai loại trợ cấp: hằng tháng (suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên) và một lần (từ 5%-30%). Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính theo tỉ lệ suy giảm khả năng lao động và thời gian tham gia đóng BHXH. Trước đây BHXH TP có vận dụng giải quyết hưởng trợ cấp cho những người không có biên bản TNGT, tuy nhiên cơ quan kiểm toán “tuýt còi” vì chi trả sai đối tượng nên phải dừng thực hiện. |
Lúc xảy ra tai nạn, đồng nghiệp đến đưa ông Bình đi cấp cứu, không nghĩ đến việc gọi công an. Sau khi hồi phục sức khỏe, ông Bình có hỏi cơ quan công an xin xác nhận vụ tai nạn nhưng không được.
Mới đây, một cán bộ của Công ty cổ phần bến xe miền Tây bị té xe rơi vào trường hợp tương tự ông Bình nên cũng không hi vọng gì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động.
Ông Trần Dũng Hà, trưởng Phòng chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết thời gian qua, khi giải quyết chế độ tai nạn lao động cho những người bị TNGT, chỗ vướng nhiều nhất là không có biên bản TNGT.
Có rất nhiều trường hợp té ngã do va chạm giao thông, tự té xe do tránh chó, tránh ổ gà... được người thân hoặc người dân đưa đi cấp cứu ngay mà không báo công an giao thông đến lập biên bản.
Không rõ ai chịu trách nhiệm
Đại diện Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC 67) Công an TP.HCM cho biết theo quy định của ngành, không thể cung cấp hồ sơ giải quyết TNGT cho người dân.
Cơ quan công an chỉ cung cấp bản sao hồ sơ cho cơ quan BHXH để giải quyết các chế độ BHXH. Ngoài ra, theo thông tư liên tịch số 39 năm 2011 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, cơ quan BHXH có trách nhiệm liên hệ cơ quan công an để được cung cấp những tài liệu nhằm giải quyết chế độ BHXH cho người có liên quan trong vụ TNGT.
Do vậy theo đại diện PC 67, người dân thuộc trường hợp trên nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH để cơ quan này liên hệ công an xin hồ sơ TNGT. Đối với các vụ TNGT do tự té, va quẹt... nếu không thông báo cho cơ quan chức năng (công an phường, quận...) từ ban đầu sẽ không có cơ sở để xác định đây có phải là một vụ TNGT hay không.
Theo lời khuyên của đại diện PC 67, những người rơi vào trường hợp trên cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, giải quyết TNGT.
Về phía BHXH, ông Trần Dũng Hà cho rằng thông tư liên tịch 39 chỉ đề cập đến trách nhiệm của cơ quan BHXH về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh thuộc chế độ bảo hiểm y tế chứ không nói đến giải quyết trợ cấp tai nạn lao động thuộc chế độ BHXH.
Ngoài ra, chưa có quy định về việc cơ quan BHXH có trách nhiệm liên hệ cơ quan công an xin hồ sơ TNGT để giải quyết trợ cấp tai nạn lao động. Đem ý kiến này trao đổi lại với đại diện PC 67, nơi đây vẫn khẳng định những quy định đã dẫn trên. Như vậy, cái vòng luẩn quẩn đi xin bản sao biên bản TNGT của người dân lại quay về vạch xuất phát.
Để tháo gỡ, ông Trần Dũng Hà đề nghị cần có quy định phù hợp, mềm dẻo hơn như: có thể thay thế biên bản của cảnh sát giao thông bằng biên bản của UBND xã, phường xác nhận xảy ra TNGT trên địa bàn hoặc xác nhận của hai người làm chứng vụ TNGT.
Cần thông tư liên tịch hướng dẫn Hiện chưa có quy định về vấn đề cấp và xin bản sao biên bản TNGT trong việc giải quyết trợ cấp tai nạn lao động. Thông tư liên tịch 39 chỉ quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm đề nghị xác minh hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người bị tai nạn cho cơ quan công an để giải quyết chế độ bảo hiểm y tế. Chính vì vậy, việc viện dẫn thông tư liên tịch 39 của đại diện PC 67 là chưa chính xác. Tuy nhiên, việc giữ bí mật điều tra là một nguyên tắc cơ bản của ngành công an. Do đó, khi chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc công văn yêu cầu từ cơ quan nhà nước khác, cơ quan công an có quyền từ chối cung cấp thông tin đối với các chủ thể khác. Mặt khác, cơ quan BHXH cũng có cơ sở khi cho rằng không có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu cung cấp bản sao biên bản TNGT. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cơ quan BHXH VN, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Bộ Công an cần có một thông tư liên tịch theo hướng khi người lao động bị TNGT yêu cầu được hưởng trợ cấp tai nạn lao động mà chưa có bản sao biên bản TNGT thì cơ quan BHXH cấp cho người nộp hồ sơ một giấy giới thiệu đến cơ quan công an xin cấp bản sao biên bản hiện trường. Trong lúc chờ đợi hướng dẫn, cơ quan BHXH cần tạo điều kiện viết giấy giới thiệu cho người lao động để họ hoàn tất hồ sơ. Điều này hoàn toàn đúng với mục đích an sinh xã hội của BHXH. Việc viết giấy giới thiệu cho người lao động xin bản sao biên bản hiện trường cũng không phải là hành vi trái pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận