16/11/2012 10:07 GMT+7

Khẳng định mạnh mẽ quyền con người

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chiều 15-11, nhiều ĐB Quốc hội nhận xét như ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ): “Việc đưa quyền con người, quyền công dân lên chương 2 là sự khẳng định mạnh mẽ quyền con người ở VN”.

Hướng đến bầu trực tiếp Chủ tịch nước

yeFQksHQ.jpgPhóng to
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại phiên thảo luận sửa đổi hiến pháp - Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) hoan nghênh dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này đã kế thừa Hiến pháp 1946 để khẳng định các quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. “Trong hoàn cảnh mới, với mục tiêu dân chủ hóa đời sống xã hội, tôi cho rằng cần quy định rõ quyền dân chủ trực tiếp, đó là quyền bầu trực tiếp Chủ tịch nước. Đây là bước tiến trong việc khẳng định quyền dân chủ của nhân dân” - bà Khánh đề nghị.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần thiết lập cơ chế độc lập để bảo vệ hiến pháp bên cạnh việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Làm rõ quyền “dân chủ trực tiếp”

Tái khẳng định Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hiến pháp đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận xét: “Đây là lần đầu tiên chúng ta quy định rõ quyền con người trong hiến pháp. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định thật cụ thể các quyền chính trị, dân sự của con người trong hiến pháp”. Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị: “Nói đến quyền công dân phải nói rõ quyền chính trị, dân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật, chứ không thể nói chung chung”.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), cần có quan niệm rõ những quyền nào là quyền con người và quyền nào là quyền công dân. “Đối với quyền con người thì quy định rõ Nhà nước tôn trọng quyền con người và đưa ra các quy định để loại trừ việc Nhà nước làm phương hại đến quyền con người. Còn quyền công dân thì phải gắn chặt với nghĩa vụ của công dân” - ông Tám nói. Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị quy định rõ trong hiến pháp quyền được sở hữu tư liệu sản xuất là đất đai của con người.

“Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt. Nông dân không có đất thì không là chủ. Vì vậy hiến pháp cần quy định thành điều riêng biệt, không thể đánh đồng với các quyền khác. Tôi đề nghị bổ sung quy định công dân có quyền được đảm bảo về đất sản xuất và đất ở” - ông Pham nói.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị quy định rõ “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” chứ không chỉ “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, như vậy mới đảm bảo nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực. Đại biểu Ya Duck (Lâm Đồng) tâm đắc với quy định quyền dân chủ trực tiếp, công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, đồng thời “đề nghị quy định rõ nhân dân có quyền phúc quyết hiến pháp”.

Cơ chế bảo hiến độc lập

Nhiều đại biểu có chung suy nghĩ rằng việc thiết lập cơ chế bảo hiến độc lập trong điều kiện hiện nay là cần thiết với Việt Nam. “Hiện nay cơ chế kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong Nhà nước ta chưa đảm bảo, giao cho nhiều chủ thể cùng thực hiện. Hoạt động bảo vệ hiến pháp chưa được tiến hành thường xuyên, ít được áp dụng trong thực tiễn. Vẫn tồn tại một số văn bản pháp quy chưa phù hợp với hiến pháp và các luật. Tôi đề nghị thiết lập cơ chế bảo hiến độc lập” - đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phân tích.

Ông cũng đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang, điều hòa phối hợp giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp. “Dự thảo vẫn chưa làm rõ quyền giám sát của Chủ tịch nước đối với các chức danh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn hoặc các chức danh do Chủ tịch nước bổ nhiệm” - ông Tiến nói.

“Tôi cho rằng việc nghiên cứu để đưa thiết chế bảo hiến độc lập vào hiến pháp là phù hợp, đã được nghị quyết Đại hội Đảng XI đề cập. Tôi đề nghị nghiên cứu thành lập cơ quan này, thành phần gồm những chuyên gia pháp lý kỳ cựu, có uy tín với nhân dân, làm việc hết lòng hết sức, vì quyền lợi của nhân dân, đất nước” - đại biểu Huỳnh Nghĩa bày tỏ.

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cũng cho rằng “nên thành lập Hội đồng hiến pháp hoặc có thể thành lập cơ quan tách khỏi Quốc hội, như thành lập Tòa án hiến pháp, bởi Quốc hội là cơ quan ban hành hiến pháp, pháp luật nên không thể vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp không chỉ thống nhất mà còn phải giám sát lẫn nhau, vì vậy đề nghị quy định vấn đề “giám sát” lẫn nhau vào hiến pháp. Ông Tám cũng đề nghị hiến pháp quy định khung về tiêu chuẩn, chất lượng của đại biểu Quốc hội bởi Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao nên cần những đại biểu có chất lượng, có phẩm chất ưu tú nhất.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên) tán thành cao với dự thảo tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Ông Cường đánh giá rằng việc quy định Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi quyết định của mình: Mọi tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật là sâu sắc và cần thiết, thể hiện đúng bản chất của Đảng, đồng thời cũng đưa ra yêu cầu cao hơn đối với mọi tổ chức Đảng và đảng viên.

Giới thiệu mình “là người từng sống và làm việc trong hai chế độ”, đại biểu Ya Duck bày tỏ sự ủng hộ nội dung điều 4 hiến pháp. Ông cho rằng việc thể hiện vai trò Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được nhân dân thừa nhận, lịch sử chứng minh, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Về pháp lý thì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã được cụ thể hóa trong điều 4 Hiến pháp 1992 nên tiếp tục thể hiện trong hiến pháp mới là phù hợp.

Hạn chế khởi công dự án mới từ ngân sách

Sáng 15-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2013. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 519.836 tỉ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 681.836 tỉ đồng, bao gồm cả 193.595 tỉ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, các cơ quan ở trung ương và địa phương phân bổ chi đầu tư phát triển bảo đảm tập trung ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản và các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013; hạn chế tối đa khởi công dự án mới...; sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên (sau khi trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương) để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013...

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013. Hai cuộc giám sát chuyên đề sẽ được thực hiện lần lượt tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6 trong năm 2013 là việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên