15/11/2012 07:30 GMT+7

Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Nam bộ

Q.KHẢI - Đ.PHÚ - Q.DUY - Đ.TRIỀU
Q.KHẢI - Đ.PHÚ - Q.DUY - Đ.TRIỀU

TT - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương tối qua (14-11), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 220km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (từ 50-61km/giờ), giật cấp 8-9.

GvKB4Zaw.jpgPhóng to
Người dân vất vả khi đi qua đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP.HCM) do triều cường - Ảnh: Xuân Huy

ATNĐ di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Dự báo hôm nay (15-11), ATNĐ hoạt động trên khu vực bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Tiếp theo ATNĐ di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.

Huyện Cần Giờ (TP.HCM) chuẩn bị di dời dân

Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ATNĐ suy yếu trước khi vào vùng bờ biển các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Hiện do ảnh hưởng ATNĐ, khu vực phía tây quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các đảo Phú Quý và Côn Đảo) có mưa dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9. Ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau từ hôm nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, nam Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Tuy nhiên theo ông Hải, với những diễn biến trên, không loại trừ ATNĐ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM. Ngày 14-11, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo khẩn yêu cầu các sở ngành, quận huyện triển khai các biện pháp ứng phó. Đặc biệt UBND TP.HCM yêu cầu huyện Cần Giờ sẵn sàng cho công tác di dời dân ở xã đảo Thạnh An, các hộ có nhà đơn sơ, tạm bợ ven kênh đến nơi ở an toàn. Các đơn vị thông báo cho các chủ phương tiện đang đánh bắt trên biển tránh đi vào vùng nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn neo đậu tàu thuyền.

Ngoài ra cần đề phòng khả năng mưa do ATNĐ kết hợp với triều cường gây ngập úng trên diện rộng. Ngay trong đêm 14-11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cần Giờ đã họp bàn phương án di dời dân xã đảo Thạnh An.

* Chiều 14-11, triều cường trên sông Sài Gòn đạt 1,52m đã làm nhiều tuyến đường, khu dân cư ở TP.HCM ngập trong nước. Tại tổ 58 ấp 1A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nước dâng lên gây ngập đường đi vào nhà dân khoảng 40-60cm. Do đường hư hỏng, nước ngập nên nhiều người đi xe bị ngã khi lưu thông qua đây. Trong khi đó khoảng 17g40 đường bến Phú Định (P.16, Q.8) chìm trong nước, hàng chục xe chết máy phải dẫn bộ vì nước ngập quá cao. Nhiều em học sinh tan trường phải xắn quần lội nước về nhà.

Cùng thời điểm, đường số 41 (P.16, Q.8) đang thi công lởm chởm đá nên khi nước ngập người đi đường phải luồn lách qua bãi đá, xe cẩu để đi. Một số người dân ngã nhào xuống nước khi đụng phải hố sâu, đá to nằm dưới nước. Triều cường còn khiến các đoạn đường An Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân), Lương Định Của (Q.2), Ngô Tất Tố, Bình Quới (Q.Bình Thạnh)... ngập trong nước.

Dự báo hôm nay (15-11) đỉnh triều cường tiếp tục lên 1,6m lúc 18g.

Cà Mau: dự báo triều cường cao nhất trong 15 năm qua

Ngày 14-11, UBND tỉnh Bạc Liêu thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra thực tế tại cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào nhằm kiểm tra chuẩn bị của người dân ứng phó trước đợt triều cường lớn.

Ông Lương Ngọc Lân, giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết chính quyền địa phương đã tuyên truyền, đôn đốc và người dân sinh sống tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của đợt triều cường đã chuẩn bị tốt, tự giác gia cố đê bao vuông nuôi trồng thủy sản. Các cơ quan chức năng cũng tổ chức ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng giúp người dân khắc phục thiệt hại do triều cường.

Cùng ngày, UBND tỉnh Cà Mau cử đoàn chuyên môn kiểm tra một số tuyến đê biển xung yếu, một số tuyến đê bao sông lớn dễ bị tổn thương, nguy cơ bị đe dọa nặng do triều cường. Ông Nguyễn Long Hoai - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau - cho biết công tác ứng phó với triều cường được chính quyền, nhân dân các địa phương thực hiện khá tốt. Song lo ngại lớn nhất là đợt triều cường này rơi vào thời điểm ATNĐ hoành hành ở biển Đông, dự báo đi vào đất liền gây mưa to, gió lớn diện rộng ở Cà Mau và vùng lân cận Bạc Liêu.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Cà Mau, đợt triều cường lớn nhất năm nay và lớn nhất trong vòng 15 năm qua sẽ xuất hiện rạng sáng 16-11, mực nước có thể vượt mức báo động 3, dâng cao 2,3-2,7m, ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, U Minh.

Tại Bạc Liêu, ngành chức năng dự báo đợt triều cường lớn xuất hiện cùng thời điểm với Cà Mau, mực nước có thể dâng cao đến 2,3m, đe dọa trực tiếp tuyến dân cư ven biển từ Nhà Mát đến Gành Hào.

Hàng trăm khách kẹt ở Côn Đảo

Đại diện Vietnam Airlines, Air Mekong cho biết do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên các chuyến bay từ Côn Đảo về TP.HCM ngày 14-11 đã bị hủy. Máy bay của hai hãng hàng không này đã phải nằm lại sân bay Cỏ Ống chờ thời tiết thuận lợi sẽ bay trở lại. Một số chuyến bay nội địa khác của Air Mekong đã phải thay đổi lịch cất cánh vì lý do này.

Đại diện hãng hàng không cho biết hành khách đã được đưa về khách sạn nghỉ ngơi chờ chuyến bay về TP.HCM vào ngày 15-11.

Q.KHẢI - Đ.PHÚ - Q.DUY - Đ.TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên