Xem video phần chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 14-11 - Ảnh: Việt Dũng |
TTO xin giới thiệu 2 ý kiến chất vấn của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương và Dương Trung Quốc cùng phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
* Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận):Trước diễn đàn Quốc hội hôm nay, rất mong Thủ tướng cho biết một cách cụ thể Chính phủ có giải pháp cơ bản nào cả trước mắt và lâu dài để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì phát triển để có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước?
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động rất nặng nề, tiêu cực vào nền kinh tế nước ta, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu, hết sức lo lắng và cũng hết sức chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã tìm mọi biện pháp, có thể nói chúng tôi luôn trăn trở tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đây không chỉ là lợi ích của doanh nghiệp mà cũng là lợi ích của cả nền kinh tế của cả đất nước. Tôi xin khái quát lại mấy nhóm giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi đặc biệt quan tâm phải kiềm chế cho được lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Đây là một giải pháp có thể nói vừa trước mắt, vừa hết sức cơ bản lâu dài để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và để doanh nghiệp vượt qua khó khăn duy trì được sản xuất kinh doanh. Nếu lạm phát cao thì lãi suất cao, tỉ giá biến động và giá trị đồng tiền Việt Nam sụt giảm. Chi phí doanh nghiệp sẽ tăng lên. Cho nên ổn định kinh tế vĩ mô mà trước hết là kiềm chế lạm phát, giữ cho được lạm phát không tăng cao trở lại.
Thứ hai, duy trì tăng trưởng hợp lý, không duy trì được tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thì doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn, mà đã muốn duy trì được tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế thì phải tăng tổng cầu hợp lý.
Thứ ba, trong kinh tế vĩ mô chúng tôi đặc biệt quan tâm từng bước bảo đảm cân đối hợp lý, các cán cân thanh toán cả về cán cân xuất nhập khẩu, cả về cán cân vãng lai, cán cân tổng thể của nền kinh tế trên cơ sở khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, trên cơ sở thúc đẩy, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhóm giải pháp cơ bản nữa là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế gắn liền với triển khai thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá để tạo thuận lợi trước mắt và cơ bản lâu dài cho doanh nghiệp. Ví dụ vừa qua chúng ta đã tập trung triển khai tái cơ cấu đầu tư công, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính trong đó là các ngân hàng thương mại.
Một nhóm giải pháp khác là giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, giải quyết đóng băng của thị trường bất động sản, ba cái này gắn bó với nhau, đồng thời giải quyết với nhau.
Nhóm giải pháp mà Chính phủ đã làm, đang làm nhưng cần phải làm tốt hơn, thiết thực hơn, đó là cải cách hành chính. Bao gồm cả cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Trong thể chế thì chúng tôi hết sức quan tâm đối với doanh nghiệp là thể chế về tài chính, về thuế, về phí, về tiếp cận nguồn vốn, về tiếp cận đất đai, điều kiện thành lập doanh nghiệp cũng như phá sản doanh nghiệp...
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra. Chính phủ hành động không cũng chưa đủ mà rất mong cộng đồng các doanh nghiệp đứng trước khó khăn thì từng doanh nghiệp, từng nhà lãnh đạo doanh nghiệp hãy tự đổi mới, tự tính toán, cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ cấu lại phương án sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại quản trị, điều hành để nâng cao năng suất hiệu quả sức cạnh tranh của doanh nghiệp mình để doanh nghiệp mình vượt qua khó khăn bằng chính nội lực, khả năng của mình.
* Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):Câu hỏi của tôi sẽ giúp Chính phủ và Thủ tướng có đủ sức mạnh để thực hiện những giải pháp của mình. Trước kỳ họp, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng trong đó có Thủ tướng đã có lời xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khiến người dân đặt câu hỏi dường như Thủ tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng.
Dù sao Thủ tướng đã có lời xin lỗi trước Quốc hội cũng là một điều đáng ghi nhận vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng nhìn ở góc độ khác thì thấy việc xử lý một hành vi văn hóa đáng khích lệ trong nhân dân và cần được giới hạn trong quan hệ giữa bộ máy công quyền với nhân dân. Không thể xin lỗi chậm trễ giờ bay của ngành hàng không mà bỏ qua những chế tài xử phạt đã quy định nếu gây thiệt cho khách hàng. Khách nước ngoài gọi hàng không nước ta là "Sorry Airlines" là vì thế.
Việc làm cho dân hiểu Nhà nước tạo độc quyền cho vàng SJC khiến dân bất an và chịu thiệt thòi kéo dài và rồi thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ xin lỗi vì không giải thích rõ cho dân hiểu lầm... Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng Thủ tướng nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động một cuộc phấn đấu của Chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình để các quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm. Xin nhắc lại rằng xa xưa các cụ nhà ta vẫn coi việc "cáo quan hồi hương" là một cách giữ tiết tháo.
Tôi xin có hai câu hỏi. Một, Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân? Hai, Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thưa các vị đại biểu, hôm khai mạc kỳ họp Quốc hội tôi cũng đã báo cáo “với trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó, là ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ về tất cả những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc yếu kém, khuyết điểm trong giám sát kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trên tinh thần nghiêm túc đó, chúng tôi cũng đã trình bày là Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của mình để hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó”.
Với tinh thần đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Thứ nhất, nâng cao năng lực và chất lượng trong xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế luật pháp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi thể chế, cơ chế luật pháp.
Thứ hai, chúng tôi tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực dự báo, phân tích đánh giá tình hình và đưa ra cơ chế chính sách một cách kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Thứ ba, Chính phủ đang tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý trong việc xây dựng hoàn thiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch quản lý.
Thứ tư, để nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cũng là khắc phục những hạn chế, yếu kém của mình, Chính phủ cũng đã tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Điển hình như giám sát, kiểm tra đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Thứ năm, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy của Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp, sức mạnh trước hết từ tổ chức, rất quan trọng từ tổ chức.
Một vấn đề nữa là Chính phủ đang chỉ đạo nâng cao, đề cao trách nhiệm, nâng cao đạo đức, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu các cấp... Chúng tôi hết sức quan tâm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ, phát huy tốt trách nhiệm của tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong thực thi chức trách, nhiệm vụ. Nghiêm túc lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cán bộ đảng viên, của chuyên gia trong quản lý, trong thực thi, trong hoạch định chính sách, trong tổ chức thực hiện...
Đại biểu Dương Trung Quốc có nêu một ý là có nghĩ đến văn hóa từ chức không. Tôi xin trình bày ý kiến. Đối với tôi còn ba ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng. Trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi.
Là một cán bộ, đảng viên của Đảng, báo cáo với Quốc hội tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình. Báo cáo với Bộ Chính trị, báo cáo với Ban Chấp hành trung ương một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, cả về tâm tư, nguyện vọng của tôi.
Đảng lãnh đạo quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi và Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền. Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. Trung ương phân công, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi.
Tóm lại có thể nói gần suốt cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không xin và tôi cũng không thoái thác từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công giao phó cho tôi. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận