Phóng to |
Giữa năm 2009, Thủ tướng đã phê duyệt đề án dành 14.000 tỉ đồng nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện và khu vực liên huyện giai đoạn 2008-2010. Nhìn lại mấy năm qua, tuyến bệnh viện huyện chuyển biến không nhiều, vẫn còn không ít bệnh viện chưa đáp ứng nhu cầu người dân.
Thực tế cho thấy hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều rơi vào tình trạng thiếu cơ sở vật chất, nơi nào được trang bị kha khá thì thiếu nhân lực để triển khai kỹ thuật. Chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến huyện nói chung là thấp, để xảy ra nhiều sai sót nghiệp vụ, khiến bệnh nhân phải lãnh hậu quả nặng nề.
Tai tiếng
Trong thời gian qua, một số sự cố do lỗi của bác sĩ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện ở Khánh Hòa khiến không ít bệnh nhân nguy kịch, phải mang tật suốt đời, có trường hợp tử vong. Gần đây nhất là chuyện cháu T.A.Đ. (21 tháng tuổi) bị các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh phẫu thuật xử lý bệnh thoát vị bẹn lại cắt nhầm bàng quang là một minh chứng cho thấy chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến huyện rất “có vấn đề”.
Trong năm 2012, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (huyện Điện Bàn) khá “nổi tiếng” về vụ một nam học sinh 17 tuổi phải mất đi một chân, mất luôn cả ước mơ tương lai của mình là theo nghiệp lính của cha. Chuyện kể rằng bệnh nhân Nguyễn Nho Pháp được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam do bị tai nạn giao thông gãy xương chày. Ba ngày sau, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam chuyển Pháp ra Bệnh viện Đà Nẵng. Do vết thương bị biến chứng, Bệnh viện Đà Nẵng phải cắt đi 1/3 chân phải. Kết quả hồi cứu bệnh án cho thấy ngày chủ nhật, bác sĩ trực khoa không thực hiện việc thăm khám, không phát hiện và xử lý kịp thời để xảy ra hậu quả nặng nề đối với bệnh nhân Nguyễn Nho Pháp.
Ông Võ Đôn - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam - cho biết bệnh viện này có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân các huyện Điện Bàn, Quế Sơn, Duy Xuyên và TP Hội An. Nhưng cả bệnh viện chỉ có 300 giường, trong khi số bệnh nhân nội trú luôn trên 400 người, khám bệnh có lúc lên đến hơn 900 người/ngày. “Việc quá tải nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, điều trị bệnh. Nếu một bác sĩ mỗi ngày khám cho 4-5 bệnh nhân thì sẽ tốt hơn là khám cho 40-50 người” - ông Đôn phân tích. Không chỉ thiếu bác sĩ, nhiều trang thiết bị cốt yếu cho một bệnh viện huyện cũng không có.
Ở Phú Yên, bốn năm trôi qua, chị Nguyễn Thị Mùa (40 tuổi, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) vẫn chưa quên “kỷ lục” ba tuần năm lần lên bàn mổ. Chiều 18-1-2008, chị Mùa sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa Sông Cầu. Ngay tối cùng ngày, chị Mùa bị mổ lần thứ hai tại bệnh viện này do chảy máu trong tử cung dữ dội, phải cắt bỏ tử cung bán phần với sự hỗ trợ của bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Sau lần mổ thứ hai, tình hình sức khỏe chị Mùa tiếp tục diễn biến xấu, nên chị được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Tại đây, chị Mùa bị mổ lần thứ ba và các bác sĩ phát hiện niệu quản của chị bị khâu gút khiến nước tiểu không thoát ra ngoài được, ứ đọng ở thận. Hậu quả của sai sót này là niệu quản chị Mùa bị hoại tử, dẫn đến một loạt tai biến khác, phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để được mổ tiếp hai lần nữa. Trong vụ này, cả Bệnh viện Đa khoa Sông Cầu và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đều đổ lỗi qua lại, Sở Y tế Phú Yên phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm.
Phóng to |
Từ một chàng trai khỏe mạnh, nhưng vì sự tắc trách của Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam khiến Nguyễn Nho Pháp bị mất đi chân phải của mình - Ảnh: Đoàn Cường |
Cơ sở vật chất yếu kém
Theo Trung tâm Y tế thị xã Gò Công (Tiền Giang), số lượng người bệnh đến trung tâm khám chữa bệnh ngày càng nhiều, bình quân mỗi ngày có gần 200 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh. Thế nhưng cơ sở vật chất và trang thiết bị của trung tâm hiện rất nghèo nàn, lạc hậu. Xét nghiệm sinh hóa hoạt động theo cơ chế bán tự động, thời gian chờ đợi phân tích rất lâu. Kỹ thuật viên Lê Minh Trí cho biết máy chụp X-quang được trang bị từ năm 2005 đến nay, thời gian phát tia của máy thường kéo dài gấp đôi so với lúc máy mới được trang bị, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bệnh nhân. Còn Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công chịu trách nhiệm khám chữa bệnh cho người dân ở 3-4 huyện lân cận vẫn chưa được trang bị phẫu thuật nội soi. Phần lớn các trường hợp viêm ruột thừa đều phải chuyển lên tuyến trên cách đó 50km rất tốn kém và mất thời gian, tiền bạc cho bệnh nhân.
Đầu tư không đúng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Lương Tài (Yên Bái) dù được đầu tư khá nhiều, nhưng theo giám đốc bệnh viện, những thiết bị cần thiết cho một bệnh viện như máy nội soi tai - mũi - họng, nội soi tiêu hóa, máy monitor có chức năng theo dõi quá trình chuyển dạ của sản phụ... lại thiếu, điều này dẫn đến việc thiếu bệnh nhân. Theo ông Phạm Văn Phan - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài, kể từ khi bệnh viện được thẩm định điều trị tiểu đường type 2 một năm trở lại đây, mỗi ngày phòng khám bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân với 400 lượt khám (cao hơn rất nhiều so với những năm trước). Theo tìm hiểu, hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện chỉ với mục đích khám bệnh định kỳ như tiểu đường, cao huyết áp, nhiều phòng nội trú vẫn đang trong tình trạng... trống bệnh nhân. |
Tương tự, tại huyện Phước Long, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện cho biết bệnh viện chỉ có 120 giường bệnh nội trú. Để “chữa cháy”, bệnh viện phải tận dụng hành lang để bố trí thêm 80 giường. Lãnh đạo Bệnh viện huyện Phước Long còn nói bệnh viện không có máy CT, còn máy X-quang, điện tim, máy thở... đều chỉ có một cái, không đáp ứng nhu cầu.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước (Cà Mau) thường xuyên có rất đông bệnh nhân ngồi chờ thăm khám, nhận thuốc. Bác sĩ Bùi Đức Văn - giám đốc bệnh viện - cho biết bệnh viện được thiết kế 350 giường, nhưng số giường bệnh thực kê là 440. Lúc cao điểm, số ca điều trị nội trú lên tới 580 người, nhiều trường hợp phải nằm giường đôi. Chỉ riêng số người đến khám, cấp thuốc hằng ngày khoảng 1.000 lượt, bình quân mỗi bác sĩ phải khám, điều trị 80-100 bệnh nhân/ngày.
Lãng phí
Cũng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tại tỉnh Kiên Giang đang có những bệnh viện còn bỏ trống nhiều giường bệnh. Sáng 6-11, tại Bệnh viện Đa khoa Hòn Đất, có rất nhiều giường không có bệnh nhân, có khoa còn trống hẳn nguyên cả phòng. Tại khoa nhi, bụi, mạng nhện bám đầy vách tường và cánh cửa, trong phòng không một giường bệnh. “Từ ngày khoa nhi chuyển lên đây đã hơn một năm, hai phòng này vẫn bỏ trống chưa sử dụng” - một điều dưỡng nói.
Bệnh viện Đa khoa thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) cũng mới được đưa vào sử dụng tháng 5-2011, cơ sở vật chất còn khá mới và khang trang, hiện khu vực phòng mổ của bệnh viện nhiều phòng vẫn chưa đụng đến. Ông Nguyễn Văn Trực - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hòn Đất - than: “Bệnh viện cần khoảng 50 bác sĩ nhưng hiện chỉ có 25 người. Do đó, dù giường bệnh không quá tải nhưng cường độ làm việc của bác sĩ thì quá tải. Thiếu bác sĩ nên bệnh viện chưa thể tổ chức được các chuyên khoa lẻ như răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng. Còn phòng mổ thì chưa được đầu tư, khi gặp ca ruột thừa, dạ dày... thì phải chuyển lên tuyến trên”.
Phòng khám đa khoa khu vực Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) nằm ngay trên tuyến đường 32 nối nội thành Hà Nội với thị xã Sơn Tây. Nhìn bên ngoài, ít ai tưởng tượng đây lại là một phòng khám khu vực của thủ đô với 24 cán bộ nhân viên. Theo thống kê sơ bộ, mười tháng đầu năm 2012 phòng khám có khoảng 400 người tới khám chữa bệnh, nếu chia trung bình có tháng một cán bộ ăn lương ở đây không có nổi một bệnh nhân để phục vụ. Cách Hà Nội khoảng 40km, Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Bình (Bắc Ninh) có 110 giường bệnh nhưng công suất hoạt động rất hạn chế. Nhiều dãy phòng nội trú trong tình trạng trống hoác, bụi bặm, thậm chí là “ba không”: không bác sĩ, không bệnh nhân, không trang thiết bị. Các bác sĩ cho biết hoạt động chủ yếu ở đây là khám sức khỏe, đỡ đẻ, còn những dịch vụ phức tạp hơn đều phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Tan hoang bệnh viện mẫu
Tại Quảng Ngãi, có lẽ Bệnh viện Đa khoa Mộ Đức là lâu đời nhất và vẫn đang sử dụng nguyên trạng. Từ quốc lộ 1 nhìn vào mặt tiền của bệnh viện là thấy ngay tường rào ngã đổ, đoạn có đoạn không, cửa ngõ tạm bợ. Theo ông Lê Huy - chánh văn phòng Sở Y tế, Bệnh viện Mộ Đức là một mô hình mẫu của thời bao cấp. Sáng 7-11, các sản phụ đi khám tại Bệnh viện Mộ Đức vẫn còn ám ảnh trường hợp chị Huỳnh Phan Thanh Tùng (33 tuổi, ở xã Đức Hòa) xảy ra hồi tháng 6 năm nay. Chị Tùng mang thai con so, được nữ hộ sinh khám và tiên lượng sinh thường. Sang ngày hôm sau thì sản phụ đột ngột co giật, tím tái, tụt huyết áp, ngừng thở, rồi tử vong. Nguyên nhân tử vong của sản phụ Tùng được cơ quan chuyên môn xác định là do thuyên tắc ối, chỉ có hai nữ hộ sinh bị xử lý. Theo ông Phạm Minh Đức - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộ Đức, khoa sản chỉ có hai bác sĩ trực chính, việc thiếu bác sĩ trong ca trực và giao cho nữ hộ sinh thay thế là chuyện không thể tránh khỏi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận