13/11/2012 08:43 GMT+7

Chỉ xử phạt xe không chuyển quyền sở hữu

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) - khẳng định đã chỉ đạo chưa xử phạt người điều khiển xe mang tên người khác (xe không chính chủ).

Không phạt người đi xe mượnQuy định không rõ, dân hoang mangXe đi mượn, xe thuê không bị xử phạt

DbwSxg7I.jpgPhóng to
Cảnh sát giao thông xử phạt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM ngày 12-11. Trong hơn một giờ xử phạt, khi kiểm tra giấy tờ xe có gần một nửa số người vi phạm điều khiển xe không chính chủ - Ảnh: Thuận Thắng

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho biết:

- Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội đã có công điện 141 ngày 11-11 gửi giám đốc công an các địa phương chỉ đạo lực lượng CSGT khi xác định rõ trường hợp có hành vi chuyển nhượng phương tiện mà quá 30 ngày không làm thủ tục sang tên mới bị xử phạt. Trường hợp đã mua bán nhưng chưa sang tên trong thời hạn 30 ngày chỉ nhắc nhở thực hiện sang tên.

Công điện cũng nêu rõ: Trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu thấy người điều khiển phương tiện có đăng ký xe có tên khác với tên trên giấy phép lái xe của người điều khiển (sử dụng xe không chính chủ) và người dân trình bày đây là xe gia đình, xe đi mượn, thuê thì chưa xử phạt với hành vi này.

Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi trong việc xử lý, Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn trong đó quy định khi người bị xử phạt hành chính rơi vào trường hợp giữa đăng ký xe và giấy phép lái xe không khớp nhau thì yêu cầu xuất trình chứng cứ sử dụng xe mượn, thuê, xe gia đình, chứ không có chuyện bắt người dân mang theo hộ khẩu, lý lịch khi ra đường.

Về việc người dân băn khoăn thủ tục mua bán sang tên khó khăn, trong thông tư 36 của Bộ Công an khoản 3, điều 20 nói rõ trong trường hợp xe chuyển qua nhiều chủ, không xác định được chủ xe trước đó thì người chủ cuối cùng (người bán) đứng ra làm thủ tục sang tên, nộp lệ phí trước bạ thì được giải quyết.

Về ý kiến lệ phí trước bạ cao nên người dân ngại chuyển đổi, Bộ Công an đã kiến nghị và Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đang chủ trì nghiên cứu.

ohsjnRoM.jpgPhóng to
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Ảnh: Tuấn Phùng
* Tiền Phong: Nhiều CSGT ở Hà Nội lúng túng và có phần gây khó dễ cho người dân khi thực thi xử phạt xe không chính chủ, Bộ Công an xử lý việc này thế nào?

- Chúng tôi ghi nhận ý kiến này. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội đã có công điện chỉ đạo. Trường hợp nào làm sai quy định sẽ xử lý tùy theo mức độ. Còn trường hợp cụ thể mà phóng viên nói thì đến giờ phút này báo cáo từ các địa phương chưa có trường hợp nào xử lý sai quy định. Báo cáo của Hà Nội là ngày 11-11 xử lý 58 trường hợp thì toàn sai tốc độ, vi phạm làn đường chứ chưa xử lý trường hợp nào chưa sang tên, đổi chủ.

* Tuổi Trẻ: Nếu hai bên mua bán xe không làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu, cơ quan quản lý đăng ký xe cũng không thể giám sát được, Bộ Công an sẽ kiểm tra đồng loạt hay thông qua vi phạm để xác định và yêu cầu chuyển chủ sở hữu phương tiện?

- Việc xử lý hành vi trên sẽ thông qua tuần tra kiểm soát, đăng ký xe, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, điều tra các vụ việc khác liên quan đến phương tiện để xử lý. Câu hỏi rất hay là luật đã quy định mà người ta không đến chuyển đổi quyền sở hữu thì cơ quan quản lý nhà nước làm thế nào? Hiện Bộ Công an vừa phê duyệt dự án về chương trình đăng ký cấp biển số phương tiện và C67 đã tập huấn cho các địa phương. Khi đã thực hiện chương trình này sẽ có cơ sở dữ liệu về đăng ký xe nên việc theo dõi xe nào đã thực hiện sang tên dễ dàng hơn.

* Tuổi Trẻ: CSGT một số địa phương như Hà Nội đã hiểu nhầm nghị định 71 và tuyên bố xử phạt người điều khiển, sử dụng xe không chính chủ làm dư luận hoang mang. Tại sao Bộ Công an không có hướng dẫn sớm cho CSGT các địa phương thực hiện thống nhất?

- Đã là văn bản pháp quy có nội dung rõ ràng thì không cần thiết phải có văn bản khác để hướng dẫn, giải thích. Còn trong quá trình thực hiện có phát sinh Bộ Công an sẽ có hướng dẫn, cụ thể là có thông tư. Trong công điện 141 chúng tôi đã đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc, đồng thời tổng hợp những khó khăn vướng mắc, trên cơ sở đó C67 mới đề xuất với bộ để có hướng dẫn, giải quyết thống nhất.

Ngày 10-11 triển khai, tôi xem trên mạng thấy dư luận nhân dân có nhiều ý kiến, tôi đã kiểm tra lại và trưởng Phòng CSGT Hà Nội trả lời trước đó đã tuyên truyền, hướng dẫn các đội CSGT quán triệt chỉ phạt những trường hợp mua xe mà quá thời hạn chưa sang tên.

* An Ninh Thủ Đô: Thiếu tướng nói hiện nay xe không chính chủ chiếm 30-40% trong tổng số xe đăng ký và mức phí trước bạ cao đang nghiên cứu hạ xuống, trong khi đó địa phương lúng túng. Vậy có nên lùi thời hạn xử phạt hành vi chưa sang tên đổi chủ để người dân có thời gian đăng ký chính chủ?

- Đã là văn bản pháp quy của Nhà nước thì hiệu lực thi hành phải đúng như văn bản quy định. Dừng thì phải có nghị định tương thích để dừng chứ không thể bảo ra lệnh ngừng được.

* Sài Gòn Tiếp Thị: Có những nghị định của Chính phủ cũng từng lùi thời gian thực hiện chứ không phải không thể lùi. Như vậy có thể lùi thời gian xử phạt xe không chính chủ hay không?

- Quan điểm của tôi là không lùi lại thời điểm thực thi. Nếu thấy cần bổ sung sửa đổi thì chúng tôi sẽ kiến nghị.

* Người Lao Động: Quy định xe phải chính chủ có từ năm 1995 nhưng đến nay dư luận sốc vì nhiều người tưởng lần đầu tiên có và mức phạt cao. Nhiều người cho rằng công tác tuyên truyền chưa tốt, việc xử phạt trước đây rất hạn chế. Vậy thời gian qua có xử lỗi xe không chính chủ được nhiều không?

- Ý này có phần đúng. Về xử thì có xử nhưng quyết liệt thì chưa. Vì vậy sắp tới phải xử phạt quyết liệt. Còn tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động nhân dân chấp hành cũng có trách nhiệm của các cơ quan báo chí cùng với chúng tôi.

* Người Lao Động: Hướng dẫn của công điện 141 có khuyến khích người dân nói dối khi họ sử dụng xe không chính chủ nhưng nói đây là xe tôi đi mượn?

- Xác định được phương tiện mua bán có sang tên hay không rất khó khăn. Nếu quy định phải thực hiện xác minh ngoài đường thì cũng được nhưng sẽ khó cho dân và không tạo sự đồng thuận. Vì vậy trước mắt chúng tôi quy định ngoài đường thì chấp nhận trình bày vậy. Nhưng sắp tới người vi phạm sẽ phải xuất trình giấy tờ để đối chiếu. Nhưng để thực hiện được phải có quy định của Bộ Công an.

* Người Lao Động: Với trường hợp chưa chuyển đổi chủ sở hữu mà quá hạn theo quy định thì khi đến đăng ký có bị phạt không?

- Quá thời hạn thì theo quy định bị xử phạt. Vi phạm hành chính thì phải xử lý hành chính.

____________________

Ý kiến đại biểu quốc hội:

Quy định thiếu thực tế

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng quy định xử phạt người sử dụng xe chưa sang tên đổi chủ tại nghị định 71 là quá vội vàng, không tính đến các yếu tố thực tiễn và giao cho lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt là không đúng chức năng.

Trao đổi với báo chí ngày 12-11, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo ủng hộ quan điểm bắt buộc người sử dụng phương tiện giao thông phải sang tên, đổi chủ khi mua bán, khi lưu hành phải có giấy tờ hợp lệ. “Phương tiện chính chủ trước hết là để Nhà nước bảo hộ quyền tài sản của công dân, thứ hai là để áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý các phương tiện giao thông, thứ ba là mua bán chuyển nhượng thì phải đóng thuế” - ông Thảo nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng quy định trong nghị định 71 là vội vàng, thiếu thực tế. “Tôi nghĩ quy định này là đánh vào hành vi chuyển nhượng xe nhưng trốn thuế, không chịu sang tên đổi chủ, chứ không phải nhằm vào người tham gia giao thông. Kiểm tra hành vi trốn thuế thì không nên kiểm soát người đi trên đường, mà phải bằng biện pháp khác để kiểm soát trên đầu phương tiện như thông qua đăng ký, đăng kiểm, rà soát hành chính đối với phương tiện thì mới phát hiện được vi phạm. Có nghĩa trách nhiệm xử lý vi phạm này không phải của cảnh sát giao thông” - ông Thảo phân tích.

Ông Thảo đề nghị nên dừng việc thực thi sáu tháng hoặc một năm, tuyên truyền để người dân thực hiện thủ tục sang tên, đổi chủ cho hợp lệ. Sau thời gian này mới tiến hành xử phạt. Hơn nữa, cần cải cách chính sách thuế, phí đăng ký, trước bạ giúp người dân thấy thủ tục đơn giản, mức nộp nhẹ nhàng thì họ sẽ tự nguyện, chủ động đi làm giấy tờ, bởi sở hữu phương tiện chính chủ cũng là nhu cầu của mỗi người.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cũng cho rằng trước khi văn bản ban hành phải có thời kỳ tuyên truyền để người dân chuẩn bị: “Quy định chưa lường hết được các tình huống xảy ra, thiếu thực tế. Tôi nghĩ rằng số lượng xe không chính chủ hiện nay rất nhiều, không thể ngay lập tức buộc người ta đi đăng ký lại trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, phải có quy định mở, bởi có những trường hợp người ta mua bán một phương tiện nhưng không sang tên đổi chủ qua tay nhiều người thì bây giờ tìm người đứng tên giấy tờ ban đầu để sang tên đổi chủ là rất phức tạp”.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên