12/11/2012 08:30 GMT+7

Quy định không rõ, dân hoang mang

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - Dư luận đang bức xúc đối với việc xử phạt các trường hợp không chuyển quyền sử dụng các phương tiện được quy định trong nghị định mới - nghị định 71 - về xử phạt hành chính vi phạm giao thông. Thực tế cho thấy cách hiểu của người dân đối với quy định này rất khác với những gì mà nhà chức trách giải thích.

Thật ra, quy định xử phạt các trường hợp không chuyển quyền sử dụng phương tiện giao thông vốn có từ lâu. Nhưng mức phạt không đáng kể, cảnh sát giao thông cũng ít để ý, việc truy tìm chính chủ chỉ thực hiện khi có lỗi vi phạm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu phạm tội hình sự, cho nên vấn đề này bị rơi vào quên lãng. Nay bỗng dưng chuyện “xe chính chủ” bùng lên bởi mức xử phạt của nghị định mới ban hành là khá cao, khiến cả cảnh sát giao thông lẫn người dân đều quan tâm.

Theo nghị định xử phạt giao thông mới có hiệu lực, điều khoản liên quan đến quy định xử phạt các trường hợp không chuyển quyền sở hữu phương tiện chỉ vỏn vẹn khoảng chục từ. Quá ngắn ngủi, không thể hiện đầy đủ những ý tứ cụ thể của điều khoản, dẫn đến tình trạng hiểu khác nhau là điều không tránh khỏi.

Phân tích về điều khoản này, nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình, thậm chí phản ứng gay gắt, cho rằng với điều luật như vậy thì khi đi xe của người thân trong gia đình, đi xe mượn của bạn bè, lái xe cho chủ doanh nghiệp... đều bị coi là vi phạm, có thể bị phạt tiền triệu. Cũng có ý kiến nêu rõ nghị định về xử phạt giao thông không liên quan gì đến quyền sở hữu tài sản, quy định trong vòng 30 ngày sau mua bán phải làm giấy tờ chuyển nhượng xe không phải là căn cứ để xử phạt khi phạm lỗi giao thông. Đó là chưa kể còn có không ít ý kiến phân tích cho thấy quy định về xử phạt không chuyển quyền sử dụng phương tiện là rất mập mờ, thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn.

Giải thích về việc xử phạt các trường hợp đi xe không chính chủ, các nhà chức trách khẳng định không xử phạt một cách máy móc, chỉ xử phạt chủ hiện tại của chiếc xe nếu chứng minh được xe mua bán quá 30 ngày mà không sang tên đổi chủ. Còn xe mượn, xe của gia đình, xe thuê... thì người dân không cần phải băn khoăn, chỉ khi phạm lỗi nghiêm trọng thì mới bị “hỏi thăm” về chuyện xe có chính chủ hay không.

Một quy định mà làm nảy sinh nhiều hướng suy luận là không thể chấp nhận. Lỗi này không phải thuộc về dân. Người dân có quyền hiểu theo cách nghĩ của mình nếu như luật pháp không rõ ràng. Bài học ở đây là các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật phải làm sao để mọi người hiểu đúng, hiểu đầy đủ tinh thần của từng điều khoản quy định. Đồng thời cần có thông tin tuyên truyền pháp luật rộng rãi, giúp người dân không chỉ hiểu đúng và hiểu đầy đủ mà còn tránh được sự hoang mang do tự suy luận về điều luật.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên