Phạt xe không chính chủ: Ngày đầu... nhắc nhở
Phóng to |
Phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận ngày đầu tiên lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) áp dụng mức xử phạt mới về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo nghị định (NĐ) 71 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 34) tại Hà Nội và TP.HCM.
Phải cẩn thận hơn
Tại giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình, TP.HCM), hai CSGT ra hiệu cho xe máy do anh T.A.T. đang chạy vào làn đường dành cho ôtô tấp vào lề để kiểm tra hành chính. Sau khi anh T. trình các giấy tờ liên quan, CSGT lấy trong cốp xe ra cuốn sách về NĐ 71. Đối chiếu theo lỗi vi phạm, anh T. bị phạt 600.000 đồng về hành vi lấn tuyến (theo NĐ 34 mức phạt là 150.000 đồng). Cầm biên bản xử phạt, anh T. cho rằng mức phạt này quá cao so với hành vi vi phạm của mình. Một số người dân chứng kiến cũng tỏ ra bất ngờ vì không nghĩ mức phạt mới lại cao như thế.
Ông Trần Viết Hòe, chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Đà Nẵng, cho rằng: “Nếu Nhà nước muốn thu được tiền phí từ việc sang tên đổi chủ và để giải quyết tốt các vấn đề khác thì phải hạ mức phí sang tên đổi chủ xuống”. Còn một đại diện đội xe thồ tự quản ở bến xe TP Đà Nẵng cho biết nếu áp dụng mức phạt như trên thì họ càng khó khăn hơn trong thời buổi mưu sinh khó khăn này. Vị đại diện này nói thêm: “Anh em xe thồ nhiều người mua được chiếc xe máy 2 triệu đồng để đi thồ. Lâu nay chả ai màng đến việc sang tên đổi chủ gì. Giờ nếu ra đường bị công an thổi, nếu biết xe chưa sang tên rồi phạt 1 triệu đồng chắc anh em bỏ xe luôn”. |
Tại thủ đô, theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, tính đến 16g ngày 10-11 các lực lượng làm nhiệm vụ đã xử phạt 350 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó các lỗi chủ yếu là chạy quá tốc độ, sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ sai phép...
Băn khoăn xe không sang tên đổi chủ
Điều mà nhiều người dân quan tâm nhất ở NĐ 71 là lỗi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Cụ thể, mức xử phạt đối với chủ ôtô “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” từ 6-10 triệu đồng, chủ xe máy vi phạm có thể bị xử phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng.
Ông Xuân Danh (trú tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ băn khoăn: “Nếu tôi mượn xe của một người bạn hoặc cho người khác mượn xe của mình thì khi lưu thông bị kiểm tra dù đầy đủ giấy tờ nhưng để chứng minh được đó là xe mượn sẽ mất rất nhiều thời gian, phiền phức cho người điều khiển phương tiện”.
Trong lúc đó, anh Nguyễn Anh Tú (Q.Đống Đa) thắc mắc: “Xe do tôi đăng ký chính chủ, nếu theo quy định thì chẳng lẽ khi vợ tôi điều khiển phải mang theo giấy đăng ký kết hôn để chứng minh đó là xe của chồng mình nhằm tránh bị xử phạt”.
Còn anh Nguyễn Bảo Nam (Q.Thanh Xuân) lo lắng cho biết chiếc xe máy của anh mua lại đã qua nhiều đời chủ, giờ không biết làm cách nào tìm lại chủ cũ để làm thủ tục sang tên đổi chủ. “Nếu áp dụng cứng nhắc chắc chắn tôi sẽ bị xử phạt nhiều lần” - anh Nam bày tỏ.
Theo anh Nam, tình trạng mua bán phương tiện qua tay hiện nay rất phổ biến, chủ yếu ở những người thu nhập thấp, do vậy nếu áp dụng xử phạt sẽ khiến những người có hoàn cảnh khó khăn gặp khó hơn.
Phóng to |
Xử phạt hành vi lấn tuyến trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM). Mức xử phạt mới là 600.000 đồng trong khi mức cũ chỉ 150.000 đồng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Nhắc nhở, chưa xử phạt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội - cho biết với những trường hợp mượn xe, điều khiển xe không chính chủ vi phạm Luật giao thông đường bộ ở mức nhẹ (mức phạt dưới 200.000 đồng), có giấy tờ (giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe...) đầy đủ, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ lập biên bản xử phạt tại chỗ và nhắc nhở, không tiến hành kiểm tra, xác minh chủ phương tiện.
“Như vậy vừa tránh mất thời gian của CSGT vừa tránh gây phiền hà cho người dân. Lực lượng làm nhiệm vụ chỉ xác minh nguồn gốc xe nếu phát hiện những dấu hiệu nghi vấn, dấu hiệu vi phạm hình sự” - ông Thắng cho hay.
Riêng những trường hợp tương tự nhưng vi phạm lỗi nặng hơn, gây tai nạn giao thông, tái phạm nhiều lần hoặc có biểu hiện coi thường lực lượng làm nhiệm vụ, không chấp hành trong lưu thông, hiệu lệnh của CSGT, cố tình càn quấy..., ông Thắng cho biết lực lượng làm nhiệm vụ sẽ tạm giữ giấy tờ, phương tiện, tiến hành kiểm tra, truy nguồn gốc xe và xử phạt nghiêm tất cả lỗi vi phạm, trong đó có cả lỗi vi phạm mua bán trao đổi phương tiện nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ.
Dân chưa thông...
Ông Thắng lưu ý người dân sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày nên đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu theo quy định.
Riêng những trường hợp khi cho người thân mượn xe, chủ phương tiện nên giao cả giấy đăng ký xe cho người mượn để thuận tiện trong trường hợp vi phạm bị lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý. “Nếu người tham gia giao thông có giấy tờ đầy đủ, chấp hành tốt chắc chắn không bao giờ bị kiểm tra, xử lý” - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, việc xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ rất cần thiết, nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế cho Nhà nước, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông... Thượng tá Trần Thanh Trà - phó Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM - cho biết: “Thường hành vi vi phạm này bị xử phạt tại nơi đăng ký chuyển quyền sở hữu phương tiện, phát hiện khi chủ phương tiện gây ra tai nạn giao thông hoặc nghi vấn những đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật để kiểm tra đột xuất chứ không thường xuyên kiểm tra xử phạt người đi đường, bởi việc chứng minh xử lý sai phạm trải qua nhiều khâu đoạn và cần có thời gian”.
Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Thắng - phó Phòng công chứng số 7 TP.HCM - cho rằng thực tế số người đi đường sử dụng xe máy, ôtô không phải do mình sở hữu rất nhiều: các công ty giao xe của mình cho nhân viên đi, hãng taxi giao xe cho tài xế lái, cha mẹ đưa xe máy cho con cái đi học... Nếu xử phạt người đi xe do người khác sở hữu thì chẳng lẽ anh chị em không được mượn xe của nhau để đi? Vợ đi xe do chồng đứng tên thì ra đường phải thủ sẵn cả giấy đăng ký kết hôn để lỡ CSGT có hỏi thì xuất trình...?
Cũng theo ông Hoàng Mạnh Thắng, hiện nay có tình trạng người mua, bán xe không muốn làm thủ tục sang tên xe bởi nhiều khi chiếc xe máy có giá trị không lớn nên cả người mua và người bán không muốn tốn thời gian cho thủ tục sang tên xe. Luật cũng không quy định về trường hợp xử phạt người chậm chuyển quyền sở hữu. Nếu chủ sở hữu đã ký hợp đồng mua bán xe nhưng quá sáu tháng không đi làm thủ tục nộp thuế trước bạ để sang tên thì đã có quy định về xử phạt chậm nộp thuế rồi. NĐ 71 quy định xử phạt chủ xe không chuyển quyền sở hữu là không có cơ sở về pháp lý.
Mức phạt tăng gấp nhiều lần Theo quy định mới, người điều khiển ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 5-10km/giờ sẽ bị phạt 600.000-800.000 đồng (mức cũ 300.000-500.000 đồng). Nếu chạy quá tốc độ quy định từ 10-20km/giờ sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng (mức cũ 800.000-1,2 triệu đồng). Nếu chạy quá trên 35km/giờ so với tốc độ cho phép, người vi phạm sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng (mức cũ 4-6 triệu đồng) và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày. Người đi xe máy chạy quá tốc độ cũng có thể bị phạt tối đa tới 3 triệu đồng (mức cũ 1 triệu đồng). Mức xử phạt đối với người cổ vũ đua xe cũng tăng gấp đôi. Theo NĐ 34, người cổ vũ đua xe (tụ tập, đứng hai bên đường cổ vũ đua) chỉ bị phạt 500.000-1 triệu đồng nhưng quy định mới từ 1-2 triệu đồng. Nếu tụ tập cổ vũ đua xe bị phát hiện còn chống đối người thi hành công vụ thì mức phạt nâng lên từ 4-6 triệu đồng. NĐ cũng quy định mức phạt tăng nặng với các hành vi vi phạm an toàn giao thông (áp dụng riêng trong khu vực nội thành) tại các TP thuộc trung ương. Lỗi đỗ ôtô không sát lề đường, đỗ tại nơi có biển cấm dừng đỗ, để xe trên hè phố trái quy định, đỗ bên trái đường một chiều sẽ bị phạt 1-1,4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày. Cố tình lái ôtô vào đường cấm, dừng đỗ, quay đầu xe trái quy định gây tai nạn hoặc ùn tắc giao thông, chạy xe dưới tốc độ quy định, đi không đúng làn đường hoặc phần đường... sẽ bị phạt 1,4-2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày. Quy định tại NĐ 71 cũng tăng nặng mức xử phạt đối với người điều khiển ôtô có uống bia rượu. Nếu người lái xe có nồng độ cồn từ 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 8-10 triệu đồng (NĐ 34 là 2-3 triệu đồng). Nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì mức xử phạt có thể từ 10-15 triệu đồng (mức cũ chỉ từ 4-6 triệu đồng). Ngoài bị phạt, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận