09/11/2012 07:31 GMT+7

Đề xuất lập cơ quan điều tra đặc biệt chống tham nhũng

L.KÊN
L.KÊN

TT - Hôm nay (9-11), Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp tại các cuộc thảo luận ở tổ cho thấy có tới 22 ý kiến đề xuất thành lập đơn vị độc lập không thuộc cơ quan hành pháp, có chức năng đặc biệt để điều tra, chống tham nhũng.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với thiếu tướng TRẦN ĐÌNH NHÃ - phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, một trong những người đề xuất lập cơ quan điều tra đặc biệt chống tham nhũng.

* Căn cứ để ông đề nghị Quốc hội thành lập cơ quan độc lập điều tra chống tham nhũng?

- Để một người có chức quyền không tham nhũng, thế giới đã tổng kết phải hội đủ bốn điều kiện: thứ nhất là cơ chế và pháp luật phải làm sao để họ không muốn tham nhũng, thứ hai là không thể tham nhũng, thứ ba là không cần phải tham nhũng và thứ tư là không dám tham nhũng. Tôi cho rằng Luật phòng chống tham nhũng và hàng loạt cơ chế, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước ta đang tập trung giải quyết để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không muốn, không thể và không cần tham nhũng. Nhưng thực tế những kẻ tham nhũng vẫn dám, vẫn sẵn sàng tham nhũng, không hề tỏ ra sợ sệt. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa phát hiện, chưa điều tra và trừng trị thích đáng tham nhũng.

Tôi nghĩ đây là giai đoạn có tính bước ngoặt, khi Đảng và Nhà nước đang hạ quyết tâm cao nhất ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Vì vậy, giải pháp đưa ra phải đồng bộ, lực lượng phải tập trung và rất cần phải có những mũi đột kích, những trận đánh điểm. Tôi đề xuất thành lập một loại cơ quan điều tra đặc biệt, tinh nhuệ để điều tra các vụ tham nhũng lớn, đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm các vụ việc nghiêm trọng để làm gương, răn đe những kẻ đã và đang có ý định tham nhũng.

Đề xuất trên đây của tôi không có gì mới, vì hàng chục quốc gia trên thế giới đã tổ chức thực hiện lực lượng điều tra độc lập này khi họ đứng trước nạn tham nhũng lộng hành, thách thức nhà nước và nhân dân. Tôi nghĩ Quốc hội nên thành lập và Quốc hội cũng đủ thẩm quyền để thành lập cơ quan điều tra tham nhũng độc lập, một định chế độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như Kiểm toán Nhà nước. Tôi xin nhấn mạnh cơ quan điều tra độc lập này phải do Quốc hội lập ra, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong điều tra, khám phá các vụ án tham nhũng, được đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu.

* Theo ông, cơ quan này nên được tổ chức như thế nào để hoạt động có hiệu quả?

- Tôi thấy với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền như ở ta, do Đảng lãnh đạo nên khi Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu đã nắm trọng trách chỉ đạo thì cơ quan điều tra tham nhũng độc lập với tư cách là lực lượng xung kích, mũi nhọn nên để Quốc hội lập ra và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng là hợp lý hơn cả.

* Hiện nay trong bộ máy Nhà nước, chúng ta có nhiều cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng và giám sát công tác phòng chống tham nhũng. Vậy việc thành lập một cơ quan điều tra đặc biệt như đề xuất của ông có chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các cơ quan hiện có hay không?

- Cơ quan mà tôi đề xuất là lực lượng tinh nhuệ, đặc biệt như trên đã nói. Nên việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát hoạt động phòng chống tham nhũng của các cơ quan hiện có vẫn theo quy định của pháp luật hiện hành mà làm. Cơ quan này sẽ do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu trực tiếp chỉ đạo, không nên giao cho nhiều nơi chỉ đạo thì mới độc lập được.

L.KÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chống tham nhũng