02/11/2012 01:37 GMT+7

Tham nhũng thách thức nhân dân

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 1-11, Quốc hội họp phiên toàn thể để thảo luận về tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm. Trước tình trạng tham nhũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nhân dân đang “kêu ca, oán trách”.

yOnkPwyd.jpgPhóng to hCMQfESU.jpg

"Tôi đề nghị tại kỳ họp này, 498 đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ tuyên hứa trước đồng bào sẽ không tham nhũng và đấu tranh quyết liệt với tham nhũng"

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) - Ảnh: V.Dũng

"Tội phạm tham nhũng vì thế tha hồ yên tâm rỉ tai, động viên nhau làm tới, như kiểu một quảng cáo: không có gì phải lo vì trời mưa đã có ô, trời lạnh có áo và ốm đã có thuốc"

Bà Nguyễn Thị Khá (ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội) - Ảnh: V.Dũng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Trần Đình Nhã đề nghị phải “tuyên chiến thật sự”, trong khi phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân tâm sự lực lượng công an “đang đơn độc” trên trận tuyến đấu tranh này. Nhiều đại biểu cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng tội phạm vị thành niên đang nhức nhối trong xã hội.

Ông Trần Đình Nhã nhận xét chưa bao giờ từ “tham nhũng” lại có tần số xuất hiện nhiều như bây giờ. Tham nhũng đã thách thức Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nguy hiểm hơn, tham nhũng còn thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân, đánh vào tình cảm, niềm tin và danh dự của nhân dân.

“Cuộc chiến chưa xảy ra”

“Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Lâu nay nhiều người dùng từ “cuộc chiến chống tham nhũng” nhưng theo tôi, cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu đã xảy ra thì cũng chưa quyết liệt lắm” - ông Nhã nói.

“Khi tôi đi tiếp xúc cử tri thì cử tri lo lắng, hoài nghi, bức xúc, nhất là các chú cán bộ hưu trí nói trước đây Chính phủ, Nhà nước quản lý điều hành các tổng công ty, tập đoàn, còn hiện nay hình như ngược lại, họ đang điều hành lại Chính phủ, Nhà nước và việc phòng chống tham nhũng chủ yếu chỉ là hình thức” - đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho biết. Còn ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá bình luận: “Khi bị phát hiện, người tham nhũng có ba chạy: chạy án từ có tội thành không tội, chạy tội từ tội nặng thành tội nhẹ và chạy tù từ tù ngồi thành tù treo”. Còn đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) ví “trong tham nhũng mới chỉ bắt được con mèo ăn miếng mỡ chứ chưa bắt được con cọp ăn con heo”.

Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân cho biết: “Chúng tôi thấy rằng khi phát hiện vụ tham nhũng thì thường bị tác động từ các cấp lãnh đạo cũng như chỉ huy, làm cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra thấy khó xử lý trong quá trình điều tra. Tôi cảm nhận ở các địa phương trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm nguy hiểm, lực lượng công an đơn độc chỉ một mình chiến đấu, còn sự vào cuộc của các cấp, các ngành chỉ ở mức độ hạn chế”.

Không nên áp dụng án treo với tham nhũng

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng trong điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn nhưng tội phạm tham nhũng vẫn phức tạp, tinh vi, nhân dân kêu ca, oán trách. Trung ương cũng kết luận phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu”. Ông khẳng định công cuộc đấu tranh phải kiên trì, kiên quyết, liên tục, chứ không thể một sớm một chiều chấm dứt được. “Chính phủ sẽ quyết liệt hơn, tập trung đồng bộ hơn, kiên quyết hơn trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đề nghị mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cần quản lý, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tham nhũng đồng tiền, hạt gạo của nhân dân” - Phó thủ tướng hứa.

“Muốn thắng được tham nhũng, tôi đề nghị đã đến lúc phải thay đổi cách đánh và cả người đánh. Về cách đánh, phải như đánh tội xâm phạm an ninh quốc gia, đánh một tên gián điệp, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố. Đánh tham nhũng phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống, cấp trung ương sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, cấp tỉnh đánh xuống cấp huyện, huyện đánh xuống xã. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy cơ quan điều tra cấp tỉnh vất vả, thậm chí bất lực thế nào khi điều tra các tội tham nhũng của quan chức cấp tỉnh” - ông Trần Đình Nhã đề nghị.

Theo ông Nhã, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng. “Đây sẽ là một loại cơ quan độc lập do Quốc hội lập ra, báo cáo công tác trước Quốc hội. Cơ quan này tập trung vào việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác về tội phạm tham nhũng, khởi tố điều tra, truy tố ra tòa án những người phạm tội tham nhũng. Cơ quan này được điều động hoặc nhận biệt phái những điều tra viên, trinh sát viên xuất sắc có bản lĩnh nhất từ các cơ quan điều tra của cảnh sát, an ninh, quân đội, viện kiểm sát. Các trinh sát viên này cũng như cơ quan chống tham nhũng mà họ phục vụ phải có thực quyền và được độc lập trong điều tra tham nhũng” - ông Nhã mô tả.

Đồng thời, ông đề nghị: “Quốc hội nên yêu cầu tòa án không áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ đối với bất kỳ người nào phạm tội tham nhũng, yêu cầu Chủ tịch nước và các cơ quan thi hành án không tha tù trước thời hạn cho đối tượng phạm tội tham nhũng”.

Nhiều doanh nghiệp phải đưa hối lộ để thực hiện giao dịch

Ngày 1-11 tại Cần Thơ, Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng và Bộ Phát triển Anh (UKaid) đã tổ chức hội thảo trước Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11 khu vực phía Nam với chủ đề “Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương - thực trạng và giải pháp”. Trong bài tham luận mở đầu hội nghị, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị Ngân hàng Thế giới (WB), thông báo qua điều tra doanh nghiệp khắp cả nước của WB, có đến 45% doanh nghiệp phải đưa hối lộ để thực hiện các giao dịch với các cơ quan công quyền. Bà Lan Hương nói chính quyền địa phương cần tăng cường tính minh bạch trong việc công bố các tài liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin, từ đó giúp người dân tránh phải đưa hối lộ.

Nhiều ý kiến tại hội thảo nói người dân chưa tích cực tham gia tố cáo vì chưa tin vào việc xử lý của cơ quan chức năng hiện nay, thậm chí có đại biểu còn cho rằng người bị tố cáo tham nhũng chưa bị xử lý thì người tố cáo đã bị xử lý trước, hoặc bị mời tới mời lui làm việc đến mức hết làm ăn, buôn bán. Ông Nguyễn Quốc Khánh, phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh An Giang, nhận định cán bộ có chức vụ cao thì thân thiện với dân, còn cán bộ thừa hành lại quan liêu, gây khó cho dân, doanh nghiệp. Ông Khánh ví von lãnh đạo tỉnh trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư, còn cán bộ thừa hành thì gài chông dưới thảm.

* Đề xuất thăm dò tín nhiệm người đứng đầu ngành ngân hàng và công thương

Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội xung quanh đề xuất đưa một số bộ trưởng trong những lĩnh vực mà dân đang bức xúc ra lấy phiếu thăm dò tín nhiệm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói: “Những lĩnh vực mà cử tri và nhân dân bức xúc, Đảng và Nhà nước thấy cần phải chấn chỉnh thì trước hết phải chấn chỉnh người đứng đầu ở các bộ, ngành. Việc bỏ phiếu là hoạt động hết sức bình thường. Để thông qua đó anh chấn chỉnh được, hoạt động tốt hơn thì tiếp tục giữ cương vị. Cho nên tôi đã nói phấn đấu có được chức vụ quyền hạn đã khó, giữ được chức vụ quyền hạn còn khó hơn, nếu từ chức là anh hùng. Tôi đề xuất người đứng đầu hai lĩnh vực ngân hàng và công thương. Thứ nhất, lĩnh vực ngân hàng vì liên quan đến thị trường vàng, nợ xấu, rồi một số nhân viên ngân hàng lừa đảo, cố ý làm trái... Thứ hai là xăng dầu, thủy điện liên quan đến lĩnh vực của Bộ Công thương.

* Nên miễn trách nhiệm hình sự người đưa hối lộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-11, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nói: “Trong chống tham nhũng đã nói nhiều đến đưa và nhận hối lộ. Nhưng khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì phải có những giải pháp tương ứng, trong khi hiện nay chặn cả hai đầu, vừa xử lý cả người nhận hối lộ và người đưa hối lộ. Điều này dẫn đến việc người đưa hối lộ nếu tố cáo thì đồng thời cũng tố cáo chính mình vào vòng tố tụng. Tôi đã vài lần đề xuất trước Quốc hội trong tình hình hiện nay nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho những người đưa hối lộ mới xử lý được người nhận hối lộ. Tôi quan điểm thế này, anh là công chức, cán bộ có chức vụ quyền hạn thì phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nghiêm khắc hơn so với dân. Thử hỏi vì sao dân đưa hối lộ? Họ có nhũng nhiễu, gây khó dễ hay không?”.

* Tội phạm trẻ: nguy hiểm, dã man

GS.TS Hồ Trọng Ngũ, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, “xin dành chú ý đặc biệt cho một vấn đề đang rất nan giải hiện nay, đó là tình hình cuộc đấu tranh chống tội phạm vị thành niên”. Theo ông Ngũ, mỗi năm trung bình có đến 16.000-18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm 15-18% số tội phạm. Hơn 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí nóng hoặc hung khí, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người. Nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở mức độ như các tội ít nghiêm trọng.

Cử tri rất gay gắt cho rằng Nhà nước quá nương nhẹ, nhiều người đề nghị tăng nặng hình phạt đối với người chưa thành niên, thậm chí có ý kiến đề nghị áp dụng cả hình phạt tử hình đối với đối tượng chưa thành niên. Cũng theo ông Ngũ, không nên sửa Luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt vì trái với những cam kết quốc tế mà VN tham gia, có thể xử lý vấn đề bằng một cách khác, đó là xác định lại tuổi thành niên cho hợp lý. Thực tế nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16, nhiều nước quy định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự từ 12 tuổi và 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.

* Thuốc độc... trong tầm tay

Bức xúc trước tình trạng Luật thi hành án hình sự đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 nhưng đến nay hơn 500 người bị kết án tử hình vẫn phải chờ thuốc độc để thi hành án, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc trình các dự án luật chưa có đủ điều kiện thi hành. “Có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng, tình trạng này làm tăng thêm áp lực nặng nề lên cả hai phía là cơ quan giam giữ và phía tử tội. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét trong kỳ họp này ban hành nghị quyết quy định rõ trong khi chờ nguồn thuốc độc, cho phép tạm thời tiếp tục thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn” - ông Nghĩa đề nghị.

Theo trung tướng Trần Văn Độ, “không có quốc gia nào xuất khẩu thuốc để chúng ta thi hành án tử hình trong bối cảnh cả thế giới hiện nay có xu hướng hạn chế án tử hình. Cho nên tôi đề nghị Chính phủ tổ chức sản xuất những thuốc này, mà tôi nghĩ cái đó trong tầm tay của chúng ta”.

* Cảnh giác với người xấu từ Trung Quốc

Theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa): “Năm 1997, 1998 thương lái Trung Quốc sang mua bèo giá cao thì một số nơi hết bèo. Năm 2002, 2003 họ mua một móng trâu giá 1 triệu, khi giá trâu chỉ 5 triệu đồng/con, kết cục có nơi trâu chết hàng loạt, rồi thu mua ốc bươu vàng, đỉa, ghê rợn hơn còn thu gom chè bẩn, sản xuất bằng cách trộn phân lân, trộn bùn đất. Điều đáng bàn là những việc họ làm tưởng như là ngớ ngẩn, khôi hài, nhưng họ đều đạt được điều họ muốn, để lại hậu quả lâu dài cho người dân VN cả trong Nam và ngoài Bắc. Sự phá hoại của một số người xấu đến từ Trung Quốc, cùng với tình hình buôn lậu từ Trung Quốc tràn về VN đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng kinh tế của nước ta. Nhưng việc phá hoại đó dường như chưa hề được quan tâm để đấu tranh xử lý. Tôi kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới có giải pháp thật kiên quyết để trấn áp, trừng trị không nương tay đối với các đối tượng trên, dứt khoát không để tái diễn nhằm bảo vệ chủ quyền an ninh, kinh tế của đất nước”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên