01/11/2012 11:29 GMT+7

"Chưa có thuốc độc nên xử bắn để giảm căng thẳng"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là đề nghị của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay (1-11) về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trước tình trạng hơn 500 người bị kết án tử hình đang chờ thuốc độc.

Read this on Tuoitrenews.vn

PKLI569z.jpgPhóng to
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tại phiên thảo luận của Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng

“Tâm lý căng thẳng”

Ông Nghĩa bày tỏ bức xúc trước tình trạng Luật thi hành án hình sự đã có hiệu lực thi hành từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để thi hành án tử hình. “Còn 508 người bị kết án tử hình nhưng không thi hành được, trong đó 3 người đã chết do bệnh, 3 người tự sát, có người đề nghị được thi hành ngay bởi tâm lý căng thẳng” - ông Nghĩa cho biết.

“Tôi đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm khi trình Quốc hội các dự án luật, phải có đủ điều kiện thực hiện thì mới trình. Đề nghị Quốc hội có nghị quyết để quyết định việc khi chưa có thuốc độc thì cho xử bắn, tránh tâm lý căng thẳng cho cả người bị kết án và người thi hành án” - ông Nghĩa đề nghị.

Trả lời câu hỏi của báo chí rằng tại sao đến nay vẫn chưa có nguồn thuốc độc để thi hành án tử hình, bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Việc nhập khẩu thuốc độc rất khó khăn do các nước châu Âu - nơi cung cấp nguồn thuốc độc - không đồng ý bán thuốc để thi hành án tử hình mà chỉ bán thuốc để chữa bệnh. Chúng ta phải tự nghiên cứu sản xuất thuốc độc phục vụ cho thi hành án tử hình”.

Ông Huỳnh Nghĩa cũng nêu một tình trạng bức xúc khác là hiện có 4.000 bị can đang bị đình chỉ điều tra, tức số phận của họ bị treo lơ lửng. “Việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người đó mà còn ảnh hưởng đến gia đình, người dân. Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2013, hoặc phải buộc tội, hoặc phải tuyên bố họ vô tội chứ không thể treo họ lơ lửng như vậy được” - ông nói.

Tội phạm trẻ và man rợ

Đại tá Phạm Trường Dân - phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước tình trạng trẻ hóa tội phạm. “Tội phạm không chỉ xảy ra ngoài xã hội mà xảy ra ngay trong gia đình: vợ chồng chém giết lẫn nhau, con giết cha, cháu giết ông bà để cướp tiền, anh em ruột thịt dùng dao búa với nhau…” - ông Dân nêu thực trạng.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng tội phạm trẻ gia tăng, ngoài những nguyên nhân từ tình trạng khó khăn của kinh tế - xã hội còn do chế tài xử lý chưa đủ mức răn đe. “Cần sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối với tội phạm là trẻ vị thành niên” - bà Thúy đề nghị.

sSvc1H9m.jpgPhóng to
Lê Văn Luyện - tội phạm trẻ trong vụ cướp tiệm vàng giết người tàn bạo ở Bắc Giang - trong một phiên tòa xử án - Ảnh: Hoàng Điệp

GS.TS, thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, nêu con số: trong các năm gần đây, mỗi năm trung bình có 16.000-18.000 trẻ em phạm tội, chiếm trên 15% tổng số tội phạm. Có 65% vụ phạm pháp của trẻ vị thành niên có sử dụng vũ khí nóng, hung khí. Nhiều vụ kẻ phạm tội dã man, mất hết tính người.

Ông Ngũ nhận định hậu quả của nhóm tội phạm vị thành niên gây ra rất nghiêm trọng, nhưng xử lý chưa tương xứng, có cử tri nói rằng hình phạt nhẹ là khuyến khích phạm tội. “Lương tri và trách nhiệm đang thách thức chúng ta” - ông Ngũ nói.

Ông đồng ý phải tăng nặng hình phạt. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì không thể sửa pháp luật về hình sự để tăng nặng các hình phạt lên, bởi nó đi ngược lại xu hướng thế giới cũng như các cam kết quốc tế mà VN tham gia.

“Giải pháp là chúng ta phải sửa đổi độ tuổi thành niên cho phù hợp. Hiện có nhiều nước đã đưa tuổi thành niên xuống 16, có nước quy định 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, 14 tuổi phải chịu trách nhiệm đầy đủ” - ông Ngũ kiến nghị.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên