01/11/2012 08:03 GMT+7

Căng kéo "miếng bánh" ngân sách

L.KIÊN - Q.THANH - V.V.THÀNH
L.KIÊN - Q.THANH - V.V.THÀNH

TT - Nước mắt đại biểu đã chảy trong chiều 31-10. Nhiều đại biểu Quốc Hội băn khoăn khi Bộ trưởng Bộ TC Vương Đình Huệ nói để tăng lương phải cắt vào nguồn đầu tư phát triển vốn đã rất eo hẹp 10.000 tỉ đồng.

1sDvN4pq.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (trái) trao đổi cùng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Ảnh: V.DŨNG

Là người ấn nút phát biểu sau cùng, đại biểu Võ Thị Dung - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM - không cầm được nước mắt khi dẫn chuyện: “Tôi đi thăm một trại phong, thấy mỗi bệnh nhân ở đó chỉ được chi 8.000 đồng/ngày, không đủ ba bữa ăn nên chỉ ăn hai bữa”. Bà Dung nói rằng trong hoàn cảnh khó khăn nhưng rất băn khoăn khi thấy bố trí chi thường xuyên vẫn tăng 50.000 tỉ đồng.

Sau khi bà Dung phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đứng bật dậy: “Tôi chỉ có một ý kiến, là dù có khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải dành những khoản tiết kiệm để tăng mức chi lên một chút cho các đối tượng hưởng các khoản trợ cấp rất thấp và các cụ hưu trí hưởng lương thấp, có nhiều cụ rất già rồi”.

Hiến kế

Theo ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Bùi Đức Thụ, dù Chính phủ đã trình mức bội chi ngân sách năm 2013 là 162.000 tỉ đồng (4,8% GDP) nhưng còn nhiều nhiệm vụ chi chưa có nguồn. “Trong điều kiện khó khăn như vậy, tôi đề nghị chỉ tập trung điều chỉnh lương đối với người về hưu, người thuộc đối tượng chính sách và người có thu nhập thấp” - ông Thụ nói. Tuy nhiên, ông cũng lập tức bày tỏ băn khoăn: “Chúng ta chỉ bố trí chi đầu tư phát triển 180.000 tỉ đồng, tức là tỉ lệ thấp nhất trong những năm gần đây. Nhưng bộ trưởng Bộ Tài chính vừa nói rằng phải cắt 10.000 tỉ đồng trong đó để chi cho tăng lương thì rất bất cập”.

Chưa nên thu phí sử dụng đường bộ năm 2013

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đề nghị Chính phủ cân nhắc, chưa nên thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 1-1-2013. “Tôi đọc lại luật thì thấy rằng phí này là phí bảo trì đường bộ để hình thành quỹ bảo trì đường bộ cùng với ngân sách nhà nước, nhưng nghị định thì nói sẽ thu phí sử dụng đường bộ bổ theo đầu xe hằng năm khiến người ta hiểu nhầm đây là thuế” - ông Phúc nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Chính phủ tính toán xem doanh nghiệp vận tải, người sử dụng phương tiện đang phải đóng bao nhiêu loại thuế và phí, mức phí đưa ra như vậy là cao hay thấp.

Hiến kế để có tiền chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là chi phục vụ các công trình, dự án có tính cấp bách, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng có thể phát hành thêm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu công trình. “Tôi cho rằng trong điều kiện khó khăn của năm 2013 thì chúng ta phải đi theo hướng tăng chi để có thu. Tôi ủng hộ quyết định tăng lương một phần theo lộ trình, vì tăng lương cũng thúc đẩy tiêu dùng. Cũng cần tập trung đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bệnh viện tuyến trung ương và địa phương. Các chuyên gia nói rằng trong lúc đầu tư tư nhân giảm thì phải tăng đầu tư công để duy trì mức ổn định” - ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng gợi ý lối ra cho thị trường xây dựng bất động sản đang đóng băng: “Nhà xây dựng đang tồn tại hàng trăm ngàn căn hộ, trong khi thiếu trường học, bệnh viện, nhà ở công nhân. Nghịch lý này giải quyết thế nào? Tôi nghĩ có thể phát hành trái phiếu để mua lại làm bệnh viện được không?”. Cũng lo lắng về tỉ lệ chi đầu tư phát triển thấp, nhưng đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị cân nhắc trước ý kiến đề xuất phát hành thêm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu công trình.

“Nhìn vào Vinashin, Vinalines càng băn khoăn”

Sốt ruột trước tình trạng lãng phí, thất thoát, chi vô nguyên tắc, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề nghị: “Phải có thái độ nghiêm khắc đối với các trường hợp chi vượt dự toán. Buộc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kết luận của các cơ quan kiểm toán, thanh tra”. Ông cũng nhận định tình trạng lãng phí còn xảy ra phổ biến ở rất nhiều nơi. “Đầu tư xây dựng cảng Vân Phong là một trong những ví dụ điển hình về lãng phí chiến lược” - ông Hùng cho ví dụ.

Ông Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét kỷ luật chi đối với các địa phương đang nợ đầu tư xây dựng cơ bản rất lớn. “Tôi nói ra chắc các đồng chí ở Hà Giang không bằng lòng, dù Hà Giang từng bị kỷ luật vì nợ đầu tư xây dựng cơ bản 1.100 tỉ đồng, nhưng đến nay số nợ của Hà Giang gấp 10 lần số thu ngân sách địa phương” - ông Kiên cho biết.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần chi cho những đối tượng là khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Có những nhu cầu bình thường, thiết yếu mà người dân mong ngóng hàng chục năm nay không được đầu tư. “Đơn cử như để xây dựng công trình thủy điện Thác Bà, đã hơn 40 năm nay, người dân phải di dời, nhưng đến nay vẫn còn hơn 2.000 dân chưa có điện, phải dùng đèn dầu. Người dân tự hỏi nhau và hỏi đại biểu đến bao giờ? Từ chỗ này nhìn vào Vinashin, Vinalines càng thấy băn khoăn hơn” - ông Bình nói.

Tiết kiệm để tăng lương

Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 31-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết qua nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng đã chỉ đạo báo cáo và dự kiến trình Quốc hội xem xét phương án tăng lương ngay trong phiên quyết định dự toán ngân sách năm 2013 tại kỳ họp này.

Theo đó, phương án khái quát là tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người) ở mức 100.000 đồng/người/tháng (tức từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng), trong sáu tháng, bắt đầu từ ngày 1-7-2013. Tổng số kinh phí cần là trên 20.700 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD), trong đó ngân sách trung ương phải lo 18.400 tỉ đồng và ngân sách địa phương phải lo 3.300 tỉ đồng.

Ông Huệ cho biết các cơ quan chức năng đã thống nhất để có nguồn tăng lương, bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước và triệt để tiết kiệm các khoản chi tiêu thường xuyên.

Đề nghị giám sát giá xăng dầu

Liên quan giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xem xét, sửa đổi, bổ sung nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. “Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu giao cho các cơ quan của Quốc hội tiến hành một cuộc giám sát chuyên đề toàn diện về lĩnh vực quản lý giá, nhất là đối với giá xăng dầu ngay trong năm 2013” - ông Huệ nói.

Ông Nguyễn Bá Thanh (bí thư Thành ủy Đà Nẵng) đề nghị ba vấn đề: “Một, siết chặt khâu tạm nhập, tái xuất về xăng dầu. Hai, chia nhỏ thị phần của một số doanh nghiệp chiếm thị phần quá lớn, trên 60%. Ba, giảm thời gian dự trữ lưu thông 30 ngày còn 15 ngày. Đây là một kẽ hở vì dù Bộ Tài chính có quân hùng, tướng mạnh cũng không tài nào giám sát được vấn đề này”.

Liên quan đến nợ xấu, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tập trung phân tích, bóc tách cho được khoản này. Ngoài việc do thị trường bất động sản đóng băng, tụt giá, còn một vấn đề cực kỳ phức tạp đó là người ta nâng khống giá trị tài sản để cho vay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã dành phần lớn thời gian để nói về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ông Dũng thừa nhận “thị trường đang bị đóng băng, rất ít giao dịch”, đồng thời cho biết tính đến ngày 31-8-2012 “dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ nợ xấu 6,6% theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, trong đó gồm cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức hơn 1 triệu tỉ đồng”.

Tại phiên thảo luận sáng 31-10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng có báo cáo về dự án thủy điện Sông Tranh 2. Ông cho biết bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du là mục tiêu số 1, nên đã quyết định chưa tích nước hồ chứa và theo dõi đánh giá đập suốt thời gian mùa lũ năm nay. Thủ tướng cũng chỉ đạo xây dựng phương án phòng chống lụt bão cũng như đang triển khai xây dựng phương án phòng chống vỡ đập. Về công tác đền bù, Chính phủ đã giao chủ đầu tư cũng như các bộ cùng UBND địa phương thống kê hơn 1.000 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng, bị tác động bị nứt, sẽ có các giải pháp đền bù, hỗ trợ người dân thời gian tới.

Phải sắp xếp lại bộ máy nhà nước

Trả lời Tuổi Trẻ về các đề nghị liên quan đến việc tăng lương, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội TRƯƠNG THỊ MAI nhấn mạnh:

- Mục tiêu của lộ trình cải cách tiền lương đến năm 2015 là khu vực doanh nghiệp sẽ đi trước. Dù có đi trước thì khu vực này cũng chỉ mới đạt mức lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu. Còn riêng khu vực Nhà nước sẽ đi chậm hơn. Rõ ràng ở khu vực này, lương tối thiểu đang thấp hơn lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp. Đây là một thách thức rất lớn.

Còn như đề xuất và bố trí tăng 100.000 đồng cho những người hưởng lương từ khu vực ngân sách của Chính phủ, cá nhân tôi thấy chấp nhận được và có cân nhắc ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

* Như vậy, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định việc tăng lương?

- Qua giải trình của bộ trưởng Bộ Tài chính thì Chính phủ sẽ trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận, trong đó có phương án tăng lương từ ngày 1-7-2013.

* Trong điều kiện bộ máy tổ chức quá cồng kềnh như hiện nay, làm thế nào để giải bài toán lương một cách căn cơ?

- Tôi cho rằng không thể sử dụng một tỉ lệ quá cao ngân sách chi cho lương được, chỉ có thể sử dụng một phần hợp lý. Phần ngân sách còn lại phải dành cho an sinh xã hội, đầu tư công. Người dân không thể chấp nhận một bộ máy nhà nước quá đông và dùng tiền ngân sách quá lớn để trả lương được. Do vậy, việc này có thể xử lý bằng cách sắp xếp lại bộ máy, đồng thời sắp xếp lại tiền lương cho các khu vực. Sắp tới, cần tập trung cho khu vực hành chính, còn khu vực dịch vụ công thì có thu và sử dụng nguồn đó để chi trả lương, đầu tư... Tuy nhiên phải có lộ trình, không nên làm bất ngờ.

Theo tôi, khu vực hành chính là khu vực trọng điểm, Nhà nước cần tập trung, còn khu vực dịch vụ công sẽ tạo cơ chế. Còn hiện nay ngân sách phải trả lương cho một bộ máy như thế này, cả khu vực hành chính lẫn dịch vụ công thì sẽ không có bài toán giải quyết thỏa đáng.

L.KIÊN - Q.THANH - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên