27/10/2012 11:21 GMT+7

Không liên kết xuất bản sách chủ quyền quốc gia

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - “Những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng”.

Đó là một trong những nội dung của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng nay 27-10.

dXDRUImh.jpgPhóng to
Sách điện tử - một lĩnh vực còn mới mẻ với ngành xuất bản Việt Nam - Ảnh: TidBITS

“Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm. UBTVQH cho rằng, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn nhà xuất bản đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hóa, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm. Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình” - Ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng) nói.

Thiết kế “hành lang” riêng cho xuất bản điện tử

Cũng theo ông Đào Trọng Thi, dự thảo Luật lần này ngoài một số quy định chung đã xây dựng một chương riêng về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Các nội dung trong chương này về cơ bản đã bao quát các đối tượng, hình thức, điều kiện, trách nhiệm và quyền hạn tham gia thực hiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Ông Thi nói: “Xuất bản điện tử đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở nước ta. Đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, còn có nhiều thay đổi, khó dự báo trước. Trong xuất bản điện tử, xuất bản phẩm không cần phải in (nhân bản) mà có thể phát hành ngay trên mạng Internet hoặc việc in (nhân bản) diễn ra sau khâu phát hành. Vì kinh nghiệm của ta về vấn đề này còn hạn chế nên Luật Xuất bản (sửa đổi) mới quy định những nội dung có tính nguyên tắc, quy định về phương thức xuất bản điện tử và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh”.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên