27/10/2012 08:07 GMT+7

Hiếp dâm trẻ trai: thiếu luật hay thiếu quan tâm?

C.MAI
C.MAI

TT - Cùng một hành vi hiếp dâm trẻ em, nếu nạn nhân là trẻ em gái, kẻ phạm tội sẽ đối mặt với khung hình phạt nặng: từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; nhưng khi nạn nhân là trẻ em trai, đối tượng sẽ “thoát”, cùng lắm chỉ bị kết tội dâm ô.

Tình trạng ngược đời này là do luật pháp chưa lường tới hay do không biết cách vận dụng luật? (xem thêm các bài Dụ dỗ bé trai “đi khách”, Trẻ bị lạm dụng, hậu quả nặng nề - Tuổi Trẻ ngày 22 và 23-10).

jLdWCuHv.jpgPhóng to

Thuận (trái) - một kẻ phạm tội tình dục với trẻ em trai - rao giá “đi khách” của bé trai ngồi bên cạnh là 2 triệu đồng vào chiều 8-10 tại một quán cà phê trên hương lộ 80B (P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) - Ảnh: N.Khải

Luật VN: không thể xử tội “hiếp dâm”?

Theo quy định của Bộ luật hình sự, mọi hành vi quan hệ tình dục với trẻ nữ dưới 13 tuổi (dù trẻ bị cưỡng bức hay đồng ý) đều cấu thành và bị xử lý về tội “hiếp dâm trẻ em”. Việc quy định trên nhằm bảo vệ sự phát triển bình thường của trẻ vì ở tuổi dưới 13, tâm sinh lý và nhân cách của trẻ em chưa phát triển đầy đủ.

Tuy nhiên, đối với trẻ nam bị lạm dụng, cưỡng ép quan hệ tình dục, như trong bài Dụ dỗ bé trai “đi khách”, cơ quan tố tụng lại không xử lý về tội danh hiếp dâm mà chuyển sang tội “dâm ô với trẻ em”, có khung hình phạt nhẹ hơn.

Vướng quy định

Theo một kiểm sát viên cao cấp (viện kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện KSND tối cao), trong quy định về tội “hiếp dâm” thì khách thể bị xâm hại của tội danh này là quyền bất khả xâm phạm về tình dục, danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người phụ nữ. Vì thế, chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là nam giới. Một số trường hợp nữ giới cũng có thể bị xử lý về tội này nhưng chỉ với vai trò đồng phạm giúp sức người nam thực hiện hành vi phạm tội. Thế nên, tội “hiếp dâm trẻ em” cũng là tội xử lý hành vi xâm phạm tình dục đối với trẻ nữ.

Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, tòa hình sự TAND TP.HCM, cho biết từ trước đến nay tại TP.HCM chưa từng xét xử vụ “hiếp dâm trẻ em” nào mà nạn nhân là trẻ nam. Bộ luật hình sự tuy không quy định rõ “trẻ em” là trẻ nữ hay nam nhưng trong phần tội hiếp dâm có ghi “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ...”. Trong từ điển tiếng Việt, “giao cấu” được hiểu là sự giao tiếp của bộ phận sinh dục của giống đực với bộ phận sinh dục của giống cái, ở động vật, để thụ tinh. Khi ban hành Bộ luật hình sự, các nhà làm luật xây dựng điều luật xử hình sự những hành vi cưỡng ép giao cấu trái ý muốn. Mà phụ nữ, trẻ nữ thì mới có thể là đối tượng bị cưỡng ép.

Cần có văn bản hướng dẫn

Theo thẩm phán Nghĩa, cách quy định cụ thể dấu hiệu “giao cấu” trong Bộ luật hình sự đối chiếu với thực tế hiện nay đã có nhiều tình huống không phù hợp. Hiện nay, quan điểm về tình dục đã có nhiều thay đổi mà điều luật chưa lường hết, có những hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục không phải chỉ với cách tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục khác giới như cách hiểu về “giao cấu” trong từ điển tiếng Việt.

Để thống nhất trong xử lý hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, cần phải có văn bản hướng dẫn rõ cách hiểu về dấu hiệu “giao cấu” bao hàm cả những hành vi tình dục đồng giới không?

Bên cạnh đó, theo thẩm phán Nghĩa, cũng cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý hành vi liên quan việc tổ chức môi giới, chứa mại dâm nam. Từ trước đến nay cơ quan tố tụng chỉ mới xử lý các hành vi liên quan việc môi giới, chứa chấp việc mua bán dâm đối với mại dâm nữ. Thực tế có cả những đường dây mại dâm nam nhưng không thể vận dụng các điều luật về các tội môi giới mại dâm, chứa mại dâm để xét xử những người có liên quan cũng vì cách hiểu người làm mại dâm chỉ có thể là nữ giới.

Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đường lối xử lý đối với hành vi lạm dụng tình dục đồng giới đối với trẻ nam mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn có các điều kiện và căn cứ pháp lý để có thể áp dụng xử lý được hành vi nói trên theo tội hiếp dâm trẻ em.

Về mặt thực tiễn xét xử, có những vụ án hình sự mà người vợ đã bị truy tố và xét xử về tội hiếp dâm trẻ em với vai trò đồng phạm với chồng, khi giúp sức cho người chồng thực hiện hành vi hiếp dâm một bé gái. Về mặt pháp luật thực định, bản thân nội dung câu chữ điều luật và mô tả hành vi khách quan trong các tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em (theo các điều 111 và 112 Bộ luật hình sự) đều sử dụng cụm từ “người nào dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ...”. Theo nội dung trên, không có câu chữ nào khẳng định “người nào” chỉ là nam giới và “nạn nhân” chỉ là nữ giới, đồng thời hành vi “giao cấu trái với ý muốn của họ” không xác định rõ là hành vi giao cấu một chiều từ phía nam giới đối với nữ giới. Đáng lưu ý, trong toàn bộ các tình tiết định khung tại các khoản 2, 3 và 4, chỉ có một tình tiết là điểm (g) khoản 2 điều 111 và điểm (b) điều 112 ghi rõ “làm nạn nhân có thai” thật sự chỉ định chính xác nạn nhân là nữ giới.

Do vậy, theo thiển ý của tôi, trước thực trạng các hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ em nam diễn ra rất nghiêm trọng nêu trên, trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật hình sự liên quan loại khách thể quan trọng này, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp trước mắt cần nghiên cứu ban hành thông tư liên tịch để hướng dẫn, giải thích thêm, để kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em nam.

Theo định nghĩa của Trung tâm quốc gia Mỹ về trẻ bị lạm dụng và bị lãng quên, ấu dâm là “sự động chạm hay giao phối giữa một trẻ nhỏ (không phân biệt trẻ nữ, trẻ nam) và một người trưởng thành, và trẻ nhỏ bị dùng như phương tiện kích thích tình dục dưới sự kiểm soát của người trưởng thành. Gần đây, khái niệm được mở rộng sang cả hành vi khiến trẻ em xem những hành động tình dục, phim ảnh khiêu dâm, hay để lộ những bộ phận kín của mình cho trẻ em thấy.

Tại Mỹ, theo National Alert Registry (cơ quan dữ liệu về khoảng 500.000 kẻ phạm tội tình dục), cứ ba hoặc bốn bé gái thì có một bé bị quấy rối tình dục trước tuổi 18. Tỉ lệ này ở bé trai là 6/1. Luật trừng phạt những hành vi này cũng khác nhau tùy từng bang. Những năm 1970 bắt đầu có một số điều luật được đưa ra nhằm giải quyết và hạn chế nạn ấu dâm, trong số đó có luật chăm sóc và chống lạm dụng trẻ em. Năm 1996, tổng thống Bill Clinton ký luật Megan, buộc tất cả các bang phải thông báo về những cá nhân bị buộc tội tình dục với trẻ em và công khai tất cả thông tin này cho cộng đồng được biết.

Ngoài ra, luật bảo vệ trẻ em và an toàn cho trẻ em Adam Walsh thông qua năm 2007 cho phép lập ra một cơ quan quốc gia ghi nhận những kẻ phạm tội tình dục, thông tin về tội ấu dâm ở các bang, đưa thêm tội danh mới vào danh sách. Những tội phạm không chỉ nằm trong danh sách vi phạm tình dục của bang mà còn ở mức quốc gia.

Ở New York, thời gian có tên trong danh sách có thể kéo dài tới 20 năm hoặc cả đời. Một khi bị vào sổ đen, người vi phạm buộc phải cung cấp hình ảnh hiện tại cho cơ quan hữu quan địa phương, nếu đi khỏi nơi cư trú trong 10 ngày phải thông báo, phải đến xác nhận lại nơi cư trú 90 ngày một lần, phải cung cấp cho nhà chức trách tất cả địa chỉ email, tên dùng trên mạng, mật khẩu, nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, Eric Justin Toth, 30 tuổi, đã trở thành kẻ đứng đầu danh sách 10 tội phạm bị truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ vì tội sở hữu và sản xuất sản phẩm mang tính khiêu dâm trẻ em. Từng học ĐH Cornell, ĐH Purdue và có bằng về giáo dục, Toth dễ dàng tìm được những công việc dễ kết nối với trẻ nhỏ như dạy học lớp 3 ở Trường tiểu học Beauvoir tại Washington. Năm 2008, người ta tìm thấy hình ảnh khiêu dâm trong một máy quay camera ở trường. Máy này do Toth nhờ học sinh gài vào nhà vệ sinh nam. Toth biến mất, nhưng sau đó bị truy tố ở Washington và Maryland vì sở hữu và sản xuất phim ảnh khiêu dâm trẻ em. Nhà chức trách nói có bằng chứng cho thấy hắn đã quấy rối tình dục ít nhất một em nhỏ. Những ai thông tin bắt giữ được Toth sẽ được thưởng tới 100.000 USD. Nếu bị xử, Toth có thể lãnh án 15-30 năm tù.

Ở Ấn Độ, luật bảo vệ trẻ em khỏi các tội phạm tình dục được thông qua ngày 22-5-2012. Trước đó, luật chỉ nói chung chung, không phân biệt phạm tội tình dục với trẻ em hay người lớn. Theo luật mới, trẻ em là người dưới 18 tuổi được bảo vệ khỏi các hành vi xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, khiêu dâm đồi trụy. Hình phạt dành cho kẻ phạm tội đa dạng, từ nhẹ cho tới những án tù nhiều năm, chung thân, đồng thời là mức phạt tiền.

Ấn Độ cũng áp dụng các biện pháp giúp quá trình thông tin về các vụ ấu dâm hay lạm dụng tình dục trẻ em dễ dàng hơn, ví dụ: lấy lời khai ở nhà của nạn nhân hay địa điểm nạn nhân chọn, không giam giữ trẻ em ở đồn cảnh sát qua đêm vì bất kỳ lý do gì; nhân viên điều tra không mặc đồng phục; kiểm tra y tế trẻ em trước sự có mặt của cha mẹ hay người mà nạn nhân tin tưởng; không được gọi lấy lời khai liên tục; không được có câu hỏi mang tính gây hấn; mở phiên tòa kín.

Nữ giáo viên bị kết tội ấu dâm

Một vụ việc khác cũng gây sự chú ý không kém là vụ nữ giáo viên Debra Lafave (22 tuổi) quan hệ tình dục với học sinh nam 14 tuổi hồi năm 2004 ở bang Florida. Dù thoát được án 30 năm tù, Lafave không được phép tiếp xúc với trẻ em mà không có sự theo dõi của người lớn, phải trải qua điều trị liệu pháp tâm lý, hoàn thành thời gian thử thách (3 năm chịu sự quản lý của cộng đồng và 7 năm thử thách). Năm 2009, một thẩm phán (hiện đã về hưu) cho phép cô ta thôi thời hạn thử thách do đã hoàn thành thời gian điều trị, lại có hai con và đã đính hôn. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm vừa tuyên bố sẽ buộc cô ta hoàn thành nốt bốn năm thử thách, vì thả sớm như vậy là “quá nhẹ” và là dấu hiệu thẩm phán trước đã “lạm dụng quyền tư pháp, khiến công lý bị hiểu sai“.

C.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên