Phóng to |
Ông Trần Thanh Hải - Ảnh: Q.Thanh |
Trao đổi với chúng tôi tại kỳ họp Quốc hội, ông Hải nhấn mạnh:
- Nếu xét về nguồn thu thì đúng là ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng loạt vấn đề có thể điều chỉnh được để có thêm nguồn chi trả lương, chẳng hạn như quyết liệt và triệt để hơn trong cắt giảm các đầu tư công chưa cần thiết, kém hiệu quả.
* Ông có thể chỉ ra cụ thể những khoản chi ngân sách nào có thể hạn chế hoặc cắt giảm?
- Ví dụ như chi phí cho các đoàn đi ra nước ngoài. Theo tôi, chỉ nên xem xét chi cho những đoàn thật sự cần thiết như đi nước ngoài để xúc tiến đầu tư thương mại hay phục vụ ngoại giao, còn đi vì mục đích khác phải cắt giảm. Việc mua sắm ôtô, xây dựng các trụ sở nếu thấy chưa bức bách thì chậm lại.
Ngoài ra, cần rà soát chặt chẽ nguồn thu thuế, chống thất thu tốt hơn để ngân sách có thêm nguồn. Nguồn thu từ các doanh nghiệp trong nước vẫn tăng 15%, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn nhưng nguồn thu từ khối này chỉ tăng khoảng 19%. Do vậy, cần xem xét cẩn trọng hơn nữa việc thu thuế ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để chống thất thu, thu đúng và công bằng giữa các thành phần kinh tế.
* Lẽ ra những người làm việc trong khối hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu... có thể yên tâm từ ngày 1-5-2013 lương cơ bản sẽ tăng lên 1,3 triệu đồng/tháng và phụ cấp trách nhiệm tăng lên 30% (so với 25% như hiện nay). Nhưng hiện nay việc tăng lương theo lộ trình này vẫn chưa được quyết. Ông chia sẻ gì với những người chỉ sống bằng lương?
- Những người hưởng lương hưu với mức bình quân 2,1 triệu đồng/tháng và những người có mức lương “ba chấm” trở xuống (riêng TP.HCM có hơn 78.000 người) đang trông chờ điều chỉnh tiền lương. Hầu hết người đang làm việc nhận mức lương này là những người trẻ, làm việc chưa lâu trong bộ máy nhà nước. Nguồn lực này cần được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn, để tạo dựng một đội ngũ công chức cho những năm tới. Nhưng xét về thu nhập thì nhóm này thu nhập thấp, nên cần có điều chỉnh tiền lương kịp thời để cải thiện đời sống cho họ.
* Ông có thấy bất công không khi tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra phổ biến, trong khi tăng lương cho công chức chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng lại không thể tìm đâu ra nguồn để bố trí?
- Tham nhũng, lãng phí gây xót xa, bức xúc trong nhân dân. Chúng ta thấy đã có những quyết tâm chính trị trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng quyết tâm đó cần tạo sự chuyển động ngay từ năm 2012 này để xã hội nói chung và đội ngũ những người cán bộ, công chức có thêm niềm tin hơn.
* Đại biểu ĐẶNG NGỌC TÙNG (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN): Chính phủ tiết kiệm hơn sẽ đủ tiền tăng lương
Tôi thấy trong điều hành của Chính phủ và bộ máy các cơ quan nhà nước, việc thực hành tiết kiệm chưa được thực hiện triệt để. Rất nhiều cuộc họp, hội nghị, lễ hội... chưa cần thiết nhưng vẫn cứ diễn ra. Tiền tiết kiệm được từ những việc chi không cần thiết này, theo tôi, là đủ khả năng để tăng lương cho những người sống nhờ vào lương. Nói tóm lại, nếu Chính phủ cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tinh giản biên chế tốt hơn và tiết kiệm được nhiều hơn trong các chi tiêu, mua sắm công thì đủ khả năng để thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình. * Đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG (ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị): Cắt bỏ nguồn chi kém hiệu quả
Quá trình giám sát, tôi thấy các công trình thủy điện cần cắt giảm bớt. Những lúc khó khăn chưa nên thực hiện những đầu tư lớn, cần tập trung đầu tư, chi cho những nhu cầu có thể phát huy hiệu quả ngay, cấp bách. Việc đầu tư cho các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng phải tiếp tục rà soát, tập trung đầu tư hoàn thiện để phát huy nguồn vốn đầu tư, thu hút lao động. Nếu không làm quyết liệt lĩnh vực này sẽ tiếp tục kém hiệu quả, gây lãng phí. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận