25/10/2012 08:08 GMT+7

Cắt khối u nợ xấu

Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (TP.HCM)
Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (TP.HCM)

TT - Sáng 24-10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng nợ xấu đang là vấn đề cần phải được làm rõ và sớm giải quyết dứt điểm.

Ngân hàng Nhà nước cần thông tin rõ nợ xấuLo ngại kinh tế trì trệ kéo dài

CTue6DOl.jpgPhóng to
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần cắt khối u nợ xấu ra khỏi nền kinh tế - Ảnh: HÙNG VIỆT

Nhìn nhận ý kiến của mình ở trạng thái “dung hòa”, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng báo cáo của Chính phủ “không tô hồng, không bôi đen”, nhưng thiếu những phân tích, làm rõ hơn tình hình.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng nói: “Lần nào báo cáo đều thấy Chính phủ nói là chỉ đạo quyết liệt, nhưng nhìn vào tình hình kinh tế - xã hội thì thấy việc chỉ đạo, điều hành vẫn bị động, theo kiểu cháy đâu chữa đó”.

Lo ngại kinh tế tiếp tục xấu đi

"Thủ tướng đã nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân. Tôi đồng ý các ý kiến đại biểu, vấn đề là làm như thế nào để sửa lỗi. Do vậy, trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, trong đó Thủ tướng là người đứng đầu, rất quan trọng. Tôi quan tâm đến giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp để thấy trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Một mình Thủ tướng cũng không sửa lỗi nổi"

Là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, đại biểu Nguyễn Văn Bình (chủ tịch Tập đoàn thép Việt - Nhật, Hải Phòng) cho biết nếu không bán được hàng thì tất cả doanh nghiệp không thể có tiền để đảo nợ cũ và vay khoản mới với lãi suất 15%. Cũng là một doanh nhân, đại biểu Thân Đức Nam (chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5) cho rằng ngân hàng đã nhiều lần giảm trần lãi suất nhưng nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn.

Từ đầu tháng 10 đến nay, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có dấu hiệu tăng trở lại, bất chấp trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Nhìn trong mấy năm gần đây thì thấy chính sách tiền tệ, tài khóa thay đổi liên tục, lúc thì nới lỏng, khi lại thắt chặt, làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn.

Phát biểu thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng một trong những điểm đáng lưu ý là trong năm 2012 kiềm chế được lạm phát. Dự kiến lạm phát cả năm ở mức một con số, khoảng 8%. Tuy nhiên, ông Thông cho rằng hiện nay có hai “cục máu đông” trong nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho.

Đề cập việc lạm phát được kéo giảm xuống còn khoảng 8%, đại biểu Trần Hoàng Ngân (phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM) hỏi: “Thành công đó có phải do đã làm tốt?”, rồi ông tự trả lời: “Không phải như vậy, mà do sức cầu trong nước suy giảm, suy kiệt”. Nói về dự báo năm 2013, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ: “Nếu như chúng ta vẫn làm như vừa qua thì tình hình năm tới sẽ rất đáng lo ngại, thậm chí nguy cơ đến nền kinh tế”.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị Quốc hội dành nhiều thời gian để phân tích các kế hoạch, giải pháp cụ thể, phân tích kỹ đâu là điểm yếu, thế mạnh của từng lĩnh vực. “Tôi từng hỏi ý kiến bộ trưởng, thứ trưởng các bộ liên quan đến kinh tế, thì các đồng chí nói là tình hình khó khăn lắm, không biết sắp tới sẽ đi đến đâu” - ông Bảo cho hay.

Aloc2G2k.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: Việc chỉ đạo, điều hành vẫn bị động, theo kiểu cháy đâu chữa đó - Ảnh: ĐĂNG ĐẠT

Không dùng kích cầu lúc này

Trước việc nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc Chính phủ phải có gói kích cầu để gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết: “Chính phủ bàn rất kỹ và có thể nói 100% thành viên Chính phủ đều thống nhất không thể dùng kích cầu, nếu kích cầu bây giờ thì có thể đỡ khó khăn một phần nhưng sẽ quay lại lạm phát vào sang năm”.

Ông Thăng cũng nêu kiến nghị Quốc hội về một “gói” trái phiếu, tài chính để giải quyết được những công trình tồn đọng, dang dở, theo hướng sử dụng vật liệu trong nước.

Hiến kế xử lý nợ xấu, ông Trần Hoàng Ngân nói: “Tôi mong Chính phủ cần tập trung và xem đây là vấn đề lớn. Cần cắt khối u này ra khỏi nền kinh tế để tách bạch xấu - tốt, ngân hàng nào tốt, ngân hàng nào xấu, có cái nhìn đúng hơn thực trạng, người cho vay và người vay tin tưởng lẫn nhau hơn. Có như vậy nền kinh tế mới phát triển được”.

Ông Trần Du Lịch cũng đề nghị các ngân hàng phải có trách nhiệm với xã hội. Ngân hàng Nhà nước phải thông tin rõ ràng nợ xấu hiện nay là bao nhiêu (tính theo tiêu chuẩn ngân hàng VN), không thể có chuyện ngân hàng thương mại nói 4% trong khi Ngân hàng Nhà nước nói 8%. Ông Lịch còn đề nghị Quốc hội chất vấn, làm rõ vấn đề này. Về lâu dài hơn, ông Lịch thiết tha đề nghị lập một ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu. Ủy ban này phải đứng ra tái cơ cấu cả ngân hàng, giải quyết nợ xấu, doanh nghiệp nhà nước...

Ông Trần Du Lịch cho rằng kinh tế vẫn còn trì trệ, song sẽ nhích lên, không tệ hơn năm 2012. Trong ngắn hạn, ông Lịch kiến nghị cần có biện pháp mạnh để hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Tuy không thể có gói kích cầu như năm 2009, nhưng đừng quá lo tái lạm phát mà siết lại, cần hỗ trợ mạnh hơn. Đừng để doanh nghiệp nào vì thiếu vốn lưu động mà ngưng hoạt động.

Buồn vì không được tăng lương

Phát biểu tại thảo luận tổ, đại biểu Trần Thanh Hải - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM - đề nghị Chính phủ sớm công bố điều chỉnh tiền lương vào ngày 1-1-2013 dành cho công nhân. Ông cho biết TP.HCM đã đề xuất chọn mức cao nhất (2,7 triệu đồng/tháng) đối với khu vực 1. Việc sớm công bố có lợi cho doanh nghiệp, chủ động được nguồn quỹ tiền lương, còn người lao động thì yên tâm. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương này rồi.

“Khi nghe Chính phủ phân tích khả năng từ ngày 1-5-2013 không tăng lương được cho khối hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, hưu trí... thật sự tôi rất buồn” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, dù kiềm chế được tăng giá nhưng thu nhập thực tế của những người hưởng lương từ ngân sách vẫn đang giảm. Lương hưu đã thấp, nay tiếp tục bị giảm do giá tăng. Chính phủ nêu dự kiến sang năm 2013 lạm phát khoảng 8%, nếu không điều chỉnh lương thì lương thực tế của họ tiếp tục bị giảm 8%.

idKr6eyS.jpgPhóng to
Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai - Ảnh: VIỆT DŨNG

Không dự trữ quốc gia bằng tiền

Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật dự trữ quốc gia. Theo dự thảo luật, mục tiêu của dự trữ quốc gia là để đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đề nghị quy định thêm việc tham gia bình ổn thị trường, bởi trong thực tế có những lúc giá cả lên xuống thất thường, phải bung hàng dự trữ ra để tránh gây xáo trộn xã hội.

Có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định phương thức dự trữ bằng tiền và bằng hàng như quy định của pháp lệnh hiện hành để phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù trong pháp lệnh dự trữ quốc gia có quy định về phương thức dự trữ bao gồm tiền và hàng hóa nhưng thực tiễn những năm qua chưa thực hiện dự trữ bằng tiền.

Thực tế cho thấy khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp thì dự trữ quốc gia bằng tiền không mang nhiều ý nghĩa. Đó là chưa kể ngân sách nhà nước đã có quỹ dự trữ tài chính được trích lập hằng năm để tạm ứng cho các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước khi nguồn thu chưa kịp tập trung. Do đó, đề nghị không dự trữ bằng tiền.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị không nên giao thẩm quyền cho Thủ tướng quyết định chiến lược dự trữ quốc gia mà thẩm quyền này phải thuộc Quốc hội, bởi nguồn dự trữ quốc gia được hình thành chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Chưa có tiền nhưng thích hoành tráng

Lý giải vì sao suất đầu tư các công trình giao thông ở VN cao hơn so với nhiều nước khác trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân, từ chủ trương đầu tư đến thiết kế, giải phóng mặt bằng, có nhiều lý do lắm”.

Ông Thăng nêu ví dụ về đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hơn 100km có 10 nút giao, mỗi nút giao cần đầu tư khoảng 1.200 - 1.500 tỉ đồng, như vậy tiền làm nút giao đã là 12.000-15.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể hầm chui dân sinh, dẫn đến suất đầu tư lớn, riêng nút giao và hầm chui khoảng 20.000 tỉ đồng.

“Trên thế giới không ở đâu mà đường cao tốc cứ 10km lại có một nút giao, ở ta nếu Bộ GTVT không đồng ý thì địa phương không thỏa thuận về dự án và dự án không phê duyệt được” - ông Thăng nói.

Ông Thăng nêu một nguyên nhân khác: “Mình thích hoành tráng, thích đẹp. Có những cây cầu không cần dây văng, chả cần khẩu độ lớn nhất thế giới, nhất Đông Nam Á làm gì cả. Tiền chưa có nhưng mình thì phải dây văng, khẩu độ lớn. Vừa rồi Bộ GTVT rà soát lại cầu dây văng, người dân cần có cây cầu đi, vững chắc và đẹp mức độ vừa phải, giảm từ dây văng đến không văng đã là 600 tỉ đồng”.

Đại biểu VÕ THỊ DUNG (TP.HCM): Cần xử lý trách nhiệm đến nơi đến chốn

Chính phủ phải chỉ rõ trách nhiệm cụ thể trong từng lĩnh vực. Ngoài việc chịu trách nhiệm chung thì phải có trách nhiệm cụ thể đối với tình trạng vừa qua. Cử tri đang mong đợi phải xử lý đến nơi đến chốn đối với những người có trách nhiệm trực tiếp.

Tôi thấy có trách nhiệm của các cơ quan thừa hành, song vẫn phải là trách nhiệm của người đứng đầu. Có những việc đúng là trải qua một quá trình dài, nhưng có việc phải làm rõ những phân khúc trách nhiệm vào từng thời điểm. Chẳng hạn như doanh nghiệp đầu tư lỗ lãi thì phải có ý kiến của Thủ tướng (hoặc phó thủ tướng), phải có chủ trương cho doanh nghiệp làm. Cái này phải được làm rõ. Thủ tướng hay phó thủ tướng được phân công điều hành phải có trách nhiệm chứ.

Mấy ngày nay cử tri liên lạc với tôi có bày tỏ sự hài lòng, cho rằng Thủ tướng nhận trách nhiệm với dân như thế là thỏa đáng. Tâm trạng của cử tri, nhân dân rất khoan dung mặc dù còn không ít bức xúc. Nhưng điều còn lại là không dừng lại ở chỗ trách nhiệm chung, đối với một số vụ việc như trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, quản lý đất đai... phải làm quyết liệt hơn.

Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên