Tin được tới đâu?Sông Tranh: “Không động đất vẫn có nguy cơ trôi đập”
Phóng to |
Qua giải thích vụ việc ở đập thủy điện Sông Tranh 2, người dân chưa biết tin ai - Ảnh: Tấn Vũ |
Nghiên cứu mới đây về thủy điện Sông Tranh 2 của một nhóm các nhà khoa học thực hiện theo đặt hàng của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã đưa ra những thông tin cho rằng động đất cực đại tại khu vực xây đập thủy điện có thể đạt 6,1 độ Richter, mạnh hơn mức đã dự báo; đập nằm trong một đứt gãy địa chất và được xây dựng trên khu vực có nền đá granit dễ bị phong hóa.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tài Sơn (tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1) khẳng định thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn.
* Thưa ông, một số ý kiến cho rằng Sông Tranh 2 xây trên nền đá granit là sai lầm vì đá này cứng nhưng gặp nước dễ phong hóa, vỡ vụn?
- Tôi công nhận cách nói đá granit dễ bị phong hóa là đúng, nhưng đó chỉ đúng với ngôn ngữ kiến tạo. Chứ đá granit phân hóa cần cả ngàn năm trong khi công trình chỉ cỡ trăm năm, nên không có ý nghĩa gì với địa chất công trình. Nếu nói đá granit có thể nhanh chóng biến thành bột thì đó là cách nói không có căn cứ khoa học.
Hơn nữa, đá granit chỗ chúng ta đặt thủy điện Sông Tranh 2 là đá granit tươi, tức đã bóc lớp đất đá yếu hết rồi. Mà đá granit tươi có cường độ chịu lực lên tới 900-1200kg/cm2, trong khi bêtông khả năng chịu lực chỉ có 200kg/cm2. Chúng tôi chọn được đá granit này để đặt công trình lên là rất quý.
* Có nhà khoa học nghi vấn ở ngay hai vai đập thủy điện Sông Tranh 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải làm rọ đá để khắc phục việc do đá granit bị phong hóa, sạt xuống?
- Không phải. Giờ hỏi tất cả ai có nghề đều biết đó không phải đá granit. Đó chỉ là đá thải loại, khi làm họ đắp lên. Khi mưa xuống nó sạt thì phải cho rọ đá đắp lên, chứ do đá granit phong hóa thì đập trôi lâu rồi. Vì thế tôi có thể khẳng định tất cả động đất đều không suy chuyển kết cấu, nền móng của thủy điện Sông Tranh 2.
Chúng tôi làm bằng con số, phân tích cũng bằng con số và đến nay tất cả nghiên cứu, các con số đều chứng minh đập an toàn. Đây là điều may mắn. Chúng tôi cũng phải cẩn trọng bởi nếu có lỗi thiết kế thì chính chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải ai khác. Nói an toàn hay không an toàn không thể cảm tính được.
* Nhưng các chuyên gia cho rằng do nền đá granit bị phong hóa, suy chuyển nên khe nhiệt mới bị giãn ra khiến rò nước?
- Trước kia có chuyên gia còn cho rằng hiện tượng rò nước do đập nứt, họ còn không biết có khe nhiệt. Nói nền chuyển động gây vết nứt phải có con số đo. Chúng tôi đã đo, tải trọng bên ngoài tác động vào không có chuyện nền bị nứt, trôi. Kết quả các số đo cho thấy những dịch chuyển vẫn trong giới hạn thiết kế. Nên đến giờ tôi vẫn luôn khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn.
Sông Tranh 2 không chịu được động đất 6,1 độ Richter Đánh giá động đất cực đại đạt 5,5 độ Richter ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã được hội đồng khoa học của Viện Vật lý địa cầu thông qua, được nghiệm thu đưa vào áp dụng trong thực tế. Mặc dù được ra đời năm 2003 nhưng đây vẫn là báo cáo chính thức của Viện Vật lý địa cầu được nghiệm thu đến thời điểm hiện tại. Đến nay, động đất lớn nhất xảy ra trên toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam là động đất 6,1 độ Richter xảy ra năm 1923 tại khu vực đảo Hòn Tro, sau khi núi lửa ở đây hoạt động. Ngoài ra chưa có một cứ liệu nào ghi nhận động đất ở miền Trung, miền Nam vượt quá động đất 6,1 độ Richter. Số liệu động đất cực đại 6,1 độ Richter đưa ra tại Bắc Trà My không có cơ sở để khẳng định vì không nói rõ dùng phương pháp gì để nghiên cứu thì coi như đó là một dự đoán bằng phương pháp xác suất hay một phương pháp nào đó mà tôi không được biết. Động đất 6,1 độ Richter là lớn. Để khẳng định và phát biểu cần đầy đủ bằng chứng và số liệu quan trắc. Nếu không có số liệu quan trắc thì tất cả giá trị ấy ai cũng có thể nói được. Nếu động đất 6,1 độ Richter thì Sông Tranh 2 không chịu được. Tuy nhiên, động đất cường độ đó xảy ra ở độ sâu lớn trong khi khu vực này đứt gãy không đến mức có độ sâu để phát sinh động đất lớn như vậy. Đây là quan điểm cá nhân của tôi. PGS.TS Nguyễn Hồng Phương (Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu) |
Đá granit cứng nhưng dễ vỡ khi gặp nước
Quan điểm nói cần cả ngàn năm đá granit mới phong hóa là sai vì chúng ta có thể thấy khi làm các con đường, đá granit, chỉ một vài năm đã có thể phong hóa, có mương máng thủy lợi làm một năm sau đã hỏng rồi. Tôi khẳng định đá granit bình thường đúng là rất cứng, chịu lực rất tốt, nhưng khi tiếp xúc với nước thì có thể bị phong hóa, vỡ rất nhanh.
Điều chưa được thừa nhận là thung lũng khu vực Sông Tranh 2 đã bị bào mòn rất dữ dội. Nói nền xây đập Sông Tranh 2 đã được nạo hết đá yếu là không trung thực, bởi thực tế họ đã phải phun ximăng trước khi đắp đập. Nhưng phun ximăng không có tác dụng vì đới đứt gãy ăn sâu, chạy dài trong lòng đất. Động đất kích thích chứng tỏ nước đã ngấm xuống dưới rồi.
Còn nói trên vai đập không phải đá granit mà chỉ là đá thải loại, tôi cho rằng cần trung thực, minh bạch. Bản thân tôi đã làm ở đó 30 năm, có nhiều công trình ở đó.
PGS.TSKH Phan Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Không thể khẳng định Sông Tranh 2 an toàn
Điều chắc chắn là đập Sông Tranh 2 được xây trên khu vực có đứt gãy địa chất đang hoạt động. Thực tế đã có nước nóng từ lòng đất đi lên do tiếp xúc với nham thạch, nên có thể nóng đến 70-80 độ C. Thực tế nữa là đã có khoảng 300 điểm sạt lở ở khu vực Sông Tranh 2.
Về nguyên tắc, không ai xây đập trên khu vực có đứt gãy đang hoạt động, nên tôi mới nói chọn địa điểm xây Sông Tranh 2 là sai lầm. Chúng ta còn nhiều địa điểm có thể xây, sao lại chọn chỗ có dự báo động đất có thể lên đến cấp 5-6? Đến nay đập đã xây rồi thì có người phải bảo vệ nó là đúng. Nhưng về đạo đức nghề nghiệp, nếu tôi là người quyết định, tôi sẽ không dám cho xây.
Về việc khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn, tôi cho rằng đến nay không ai có thể khẳng định chắc chắn điều này. Bởi lẽ đập được xây với thiết kế chống chịu động đất cấp 5,5 độ Richter. Nhưng công trình nghiên cứu của Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý vừa công bố lại khẳng định khả năng động đất ở đây có thể lên đến 6,1 độ Richter. Thiết kế chịu cấp 5,5 độ Richter mà thực tế có thể xảy ra động đất 6,1 độ Richter mà vẫn nói sẽ an toàn thì sao được?
GS.TS Nguyễn Trường Tiến (chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận