22/08/2012 08:01 GMT+7

Nợ xấu chưa đến mức hốt hoảng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 21-8, trước nhiều chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định nợ xấu tuy đáng báo động nhưng chưa đến mức hốt hoảng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: nợ xấu chưa phải là bi kịchMột nền kinh tế nợ xấu?Sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản vay

6nP2h6Hd.jpgPhóng to

TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng các con số về lao động nước ngoài làm việc tại VN do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Công an đưa ra là “có vấn đề” - Ảnh: Việt Dũng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỉ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Còn theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.

Dẫn con số đánh giá của tổ chức quốc tế rằng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng VN là 13%, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh yêu cầu được giải thích về các con số. Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa dẫn thêm con số về tỉ lệ nợ xấu được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra là hơn 11% và “đề nghị thống đốc cho biết con số nào là chính xác?”.

Tin vào ai?

Diễn giải khá dài về lý thuyết và thực tiễn vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng sở dĩ có sự khác nhau là do cách đánh giá vừa định tính vừa định lượng của mỗi tổ chức. “Tôi làm trong Ngân hàng Nhà nước 30 năm, luôn có những số liệu: một là do các tổ chức tín dụng báo cáo, hai là con số do chính Ngân hàng Nhà nước đưa ra, ba là các tổ chức xếp hạng quốc tế đưa ra khi chúng ta hội nhập. Đôi khi vì mục đích lợi nhuận, các tổ chức tín dụng xếp các khoản nợ vào nhóm ít rủi ro” - ông Bình nói.

Thống đốc cũng cho biết khi Ngân hàng Nhà nước thanh tra trực tiếp, có những tổ chức tín dụng tỉ lệ nợ xấu lên đến 30%, có tổ chức tỉ lệ nợ xấu 60%, có tổ chức không có lãi... “Ngân hàng Nhà nước không thể tin hoàn toàn vào con số báo cáo của các tổ chức tín dụng. Từ đó tôi khẳng định số liệu nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước là có căn cứ khoa học nhất” - thống đốc nói.

Thống đốc khẳng định: “Với tỉ lệ nợ xấu của chúng ta hiện nay thì đúng là đáng báo động nhưng không đến mức hốt hoảng, không phải bi kịch”. Chứng minh lập luận này, ông Bình đã dẫn tỉ lệ nợ xấu của Thái Lan là 47%, Indonesia là 52% trong thời kỳ khủng hoảng tài chính nhưng họ vẫn vượt qua được. Trong khi đó, hiện nay các tổ chức tín dụng của VN đã trích lập được khoảng 70.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro. Các khoản nợ xấu cũng đều có tài sản đảm bảo. “Trong các nguyên nhân nợ xấu có nguyên nhân từ cơ chế chính sách và hoạt động thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước. Là thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, tôi xin nhận trách nhiệm về vấn đề này” - thống đốc nói.

Thừa ngân hàng yếu kém

Không hài lòng với trả lời của thống đốc

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: Quyết tâm chính trị của thống đốc đến cuối năm nay và đến 30-6-2013 thì nợ xấu có giảm không? Giảm xuống cỡ bao nhiêu?

- Thống đốc Nguyễn Văn Bình đáp: Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn là dưới 3%, đây là mục tiêu chúng ta hướng tới. Để giảm tỉ lệ nợ xấu hiện nay thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là môi trường kinh tế thế giới và trong nước. Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị có thể xoay chuyển được tình hình, và trong nhiệm kỳ này chúng ta có thể đưa về mức an toàn.

* Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng: Tôi không hài lòng với trả lời của thống đốc về câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch hỏi là cuối năm nay, giữa năm sau thì tỉ lệ nợ xấu giảm thế nào? Thống đốc lại trả lời đến cuối nhiệm kỳ thì cố gắng đưa về ngưỡng an toàn quốc tế. Trả lời như vậy thì cũng là để thống đốc hạ cánh an toàn thôi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) rằng những ngân hàng thương mại nhà nước nào đang có tỉ lệ nợ xấu cao nhất, tiêu chí nào để Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng kém thanh khoản như Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng Phương Nam vay tiền và lấy tiền đâu để thâu tóm Sacombank, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: nếu theo số liệu của các tổ chức tín dụng thì Vietinbank có tỉ lệ nợ xấu 2,45%, Agribank 6,45%, BIDV 2,52%... “Như vậy Agribank có tỉ lệ nợ xấu cao nhất, nhưng đấy là con số họ báo cáo, nếu đại biểu muốn có đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản” - ông Bình nói.

Ông Bình khẳng định có đầy đủ tiêu chí, quy trình, quy phạm để đảm bảo các khoản Ngân hàng Nhà nước cho vay. Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo, thậm chí tài sản gấp hai lần khoản cho vay. “Đại biểu hỏi lấy tiền đâu để thâu tóm Sacombank? Xin báo cáo là ai đi thâu tóm Sacombank thì họ không báo cáo với Ngân hàng Nhà nước là lấy tiền ở đâu. Chúng tôi đang tiến hành thanh tra Sacombank và kết quả thanh tra sẽ được công khai. Đại biểu hỏi VN có bao nhiêu ngân hàng là vừa? Tôi cho rằng chúng ta vừa thừa vừa thiếu. Chúng ta thừa ngân hàng yếu kém, thừa ngân hàng làm ăn không lành mạnh, nhưng chúng ta đang thiếu dịch vụ ngân hàng” - thống đốc giải thích.

Tại sao toàn lao động phổ thông Trung Quốc?

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, hiện cả nước có 77.087 lao động nước ngoài, trong đó số lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động là 49.983, chưa được cấp giấy phép lao động là 24.455, diện không được cấp giấy phép lao động là 2.649 người.

Nhìn nhận thực trạng lao động nước ngoài tại VN là “phức tạp”, trung tướng Tô Lâm - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng trước hết là do nhu cầu các dự án cần có lao động, nhất là các dự án do nước ngoài trúng thầu đã đưa lượng lao động rất lớn vào. Ngoài ra, lao động nước ngoài vào VN bằng con đường du lịch. Một số khác đi du lịch vào VN nhưng sau đó không có tiền, ở lại đi kiếm việc để sống, số này vi phạm về cư trú, visa... quản lý rất khó khăn, trục xuất cũng khó, nhất là lao động từ các nước châu Phi có những nước không có cơ quan đại diện ngoại giao. Ngành công an đã phân cấp rõ công tác quản lý lao động nước ngoài, cấp cơ sở nắm rất rõ tình hình lao động tại địa bàn.

TS Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - khẳng định “số liệu Bộ Công an cung cấp có 48% lao động nước ngoài có trình độ đại học trở lên, 43% có chứng chỉ kỹ thuật là không chính xác”. Theo ông Lợi, qua giám sát thì đại biểu Quốc hội phát hiện “nhiều nơi phần lớn là lao động phổ thông”.

Ông Lợi cũng cho rằng: “Nói rằng quản lý lao động nước ngoài thì cơ sở nắm hết, nhưng khi bác sĩ Trung Quốc vào VN lại nắm không rõ. Chuyện xảy ra ở phòng khám Maria khi phát hiện thì chuyên gia Trung Quốc đã về nước từ bao giờ”. Đối với các dự án bôxit, lao động không phép rất đông: dự án Nhân Cơ có 200/313 lao động không phép, Tân Rai thì 300/500 lao động không phép. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói: “Người VN chúng ta đâu có thiếu lao động phổ thông, nhưng tại sao các dự án bôxit trên Tây nguyên lại toàn lao động Trung Quốc?”.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, việc xử lý khó là do quy định của pháp luật VN còn nhiều kẽ hở. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nước ngoài nếu sử dụng trên 500 lao động phổ thông phải thông báo cho địa phương trước 60 ngày, dưới 500 lao động thì thông báo trước 30 ngày để tuyển lao động VN, nhưng nếu không tuyển được thì họ được quyền đưa lao động của họ vào. Thứ hai là quy định cho người đi du lịch vào được làm việc dưới ba tháng.

“Chúng tôi cho rằng cần phải xem lại các quy định trên. Dứt khoát phải hạn chế lao động phổ thông vào VN như ý kiến của đại biểu Quốc hội” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bày tỏ.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên