Phóng to |
Ông Lê Nam - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: “Vào bệnh viện thấy tham nhũng, đến cơ quan công quyền cũng thấy tham nhũng...” - Ảnh: Lê Kiên |
Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 9-8. Tất cả đại biểu phát biểu đều nhất trí với kết luận của hội nghị trung ương 5 vừa qua là “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành...”, trong khi công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.
Tham nhũng ở nhiều lĩnh vực
"Bản kê khai tài sản không phải là bản liệt kê, mà phải là bản giải trình xem những tài sản đó do đâu mà có. Kê khai không chỉ tài sản của bản thân người cán bộ, công chức đó mà còn phải kê khai tài sản của vợ, chồng, con cái của họ" TS Nguyễn Ngọc Điện |
Ông Lân nêu ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tham nhũng: một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội... Trong khi đó, việc công khai, minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp trong quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước, trong công tác cán bộ... vẫn có nhiều hạn chế. Nhiều quy định của Luật phòng chống tham nhũng về công khai, minh bạch chưa được thực hiện đầy đủ như: quy hoạch sử dụng đất, dự phòng ngân sách, đầu tư, mua sắm công, công tác cán bộ, hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như trong các quyết định điều tra, truy tố, xét xử.
“Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, vi phạm quyền dân chủ của người dân vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Thiếu công khai, minh bạch và dân chủ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng tồn tại và phát triển” - ông Lân nhận định. Ông Trần Đức Lượng - phó tổng Thanh tra Chính phủ - phân tích thêm: “Thể chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa minh bạch, chưa xóa được cơ chế xin - cho, là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng...”.
Xử lý tài sản bất minh
Ông Lê Văn Lân cho rằng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức (lý do là chưa công khai kết quả kê khai, Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, việc kiểm tra, xác minh để đảm bảo tính trung thực của kê khai còn ít...). Trong khi đó, một số biện pháp được nhiều nước thực hiện mang lại hiệu quả thì chưa được áp dụng ở VN như: trách nhiệm giải trình, xử lý đơn tố cáo nặc danh, áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt, cách ly đối tượng có dấu hiệu tham nhũng để hạn chế khả năng đối phó, xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Ông Trần Đức Lượng kiến nghị: bổ sung quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý. Bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ chủ động xác minh bản kê khai tài sản đối với một số đối tượng nhất định, trước mắt tập trung vào những cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại nơi cư trú.
Bổ sung quy định cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn (50 triệu đồng hoặc 50 lần mức lương tối thiểu trở lên). Bổ sung quy định giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo khi chưa được phát hiện. Ông Lượng khẳng định các biện pháp trên được nhiều nước áp dụng và có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất hữu hiệu.
Phân tích về quy định việc kê khai tài sản, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo đảm ngăn chặn, hạn chế việc kê khai không đầy đủ, kê khai gian dối. Luật phòng chống tham nhũng hiện hành quy định việc xác minh tài sản như là biện pháp chủ yếu nhằm phát hiện các trường hợp kê khai gian dối, nhưng luật lại không làm rõ mối liên hệ giữa việc xác minh và việc quy kết tham nhũng. Kê khai gian dối thì tất nhiên bị kỷ luật, nhưng cần làm rõ người kê khai gian dối có bị coi là tham nhũng không”.
Trong khi đó, nhìn ở khía cạnh văn hóa, GS.TS Đinh Văn Mậu - nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - so sánh ở phương Tây chồng có tài khoản riêng, vợ, con có tài khoản riêng và chi tiêu đều qua tài khoản. Nhưng ở VN, chi tiêu tiền mặt, cả gia đình có một khối tài sản chung, vì vậy tài sản tham nhũng của một ông bố có địa vị có thể được chuyển sang cho bà mẹ, những đứa con trong gia đình mà con đường di chuyển của khối tài sản đó là rất khó kiểm soát. “Bản thân tôi chưa nghĩ ra cách gì hữu hiệu cho vấn đề này” - GS Mậu nói.
Nội dung tốt nhưng phải được thực thi Đến từ Ukraine, quốc gia được Tổ chức Minh bạch thế giới xếp hạng tham nhũng nghiêm trọng hơn VN, GS.TS Oleksandr Kopylenko - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Quốc hội Ukraine - chia sẻ: “Quốc hội hoàn toàn có thể thông qua những đạo luật có nội dung tốt nhất để chống tham nhũng. Nhưng những đạo luật như vậy sẽ không có tác dụng nếu nó không được thực thi trong cuộc sống”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận