Phóng to |
Khác với bản đồ năm 1904, bản đồ Trung Quốc in năm 1925 lộ rõ tham vọng tiến về phương nam của Trung Quốc khi kéo biên giới cực nam xuống đến đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa, Việt Nam). Đảo Tri Tôn hiện đã được Trung Quốc đặt lại tên là đảo Trung Kiến - Ảnh tư liệu |
Phóng to |
Ông Đinh Kim Phúc - Ảnh: Quang Định |
* Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” có giá trị thế nào đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, thưa ông?
- Ông ĐINH KIM PHÚC: Tấm bản đồ được đưa ra trước công chúng đã phần nào làm cho nhiều công dân Việt Nam vững tâm hơn khi tận mắt chứng kiến, tận tay sờ được một bằng chứng lịch sử có thể đóng góp vào cuộc đấu tranh đòi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa - Nam Sa). Bởi đây là một bản đồ do chính Trung Quốc in ấn chứ không phải chúng ta, qua đó họ đã tự cho thấy việc họ tranh chấp chủ quyền với Việt Nam là phi lý.
Tính giá trị của bản đồ nằm ở chỗ đây là tấm bản đồ gốc do Trung Quốc ấn hành mà chúng ta có trong tay, giống như trước đây mọi bản đồ liên quan đến vấn đề này đều do chụp lại (trong thư viện hay các kho lưu trữ của nước ngoài) hoặc do nước ngoài cung cấp cho chúng ta qua Internet. Giá trị thực tiễn của tấm bản đồ là ở chỗ chúng ta đang nắm trực tiếp chứng cứ lịch sử thật sự của Trung Quốc khẳng định họ không có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là cơ sở vững chắc cho chúng ta trong việc bổ sung chứng cứ vào hồ sơ xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa nộp lên Liên Hiệp Quốc trong tương lai.
Từ lâu giới nghiên cứu biển Đông trong và ngoài nước đã biết đến rất nhiều bản đồ miêu tả Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam... qua các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây và các bản đồ do chính người Trung Hoa vẽ và ai cũng nhận thấy biên giới cực nam của Trung Quốc đều dừng lại ở huyện Nhai của đảo Hải Nam mà thôi. Với bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh), giới nghiên cứu một lần nữa xác quyết về vấn đề này.
* “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc sử dụng để đòi độc chiếm biển Đông đang dựa trên những chứng cứ do Trung Quốc ngụy tạo?
- Việc công bố tấm bản đồ này bên cạnh “chiếc lưỡi bò trên biển Đông” mà Trung Quốc đang đánh lừa dư luận quốc tế một lần nữa cho thấy tham vọng độc chiếm biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc đã có từ hơn 100 năm qua kể từ khi có cái gọi là “thu phục Tây Sa” của Lý Chuẩn năm 1909.
Nhân nói về “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cũng cần nhắc lại tấm bản đồ thế giới lần đầu tiên đặt Trung Quốc ở vị trí trung tâm do Matteo Ricci thực hiện cách đây hơn 400 năm và sau đó được Lý Chi Tảo vẽ lại cũng không có cái gọi là “Tây Sa - Nam Sa” (Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam) của Trung Quốc trên biển Đông. Điều đó có thể kết luận rằng “Tây Sa - Nam Sa” chỉ là câu chuyện hoang đường nhằm phục vụ cho tư tưởng bá quyền Đại Hán của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay.
Theo tôi, việc công bố hệ thống các bản đồ do chính Trung Quốc phát hành trước đây là một trong những cách phản biện lại những ngụy tạo chứng cứ mà nhà cầm quyền và các học giả Trung Quốc đang tiến hành.
* Thưa ông, quá trình Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa diễn ra từ khi nào?
- Thông qua các bản đồ này, dư luận thế giới sẽ thấy rõ tham vọng của Trung Quốc tiến về phương nam được nhích dần qua thời gian: “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” thì cho thấy biên giới cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Thế nhưng trong bản đồ Trung Quốc được in năm 1925 họ lại ghi chú: đặc lý đồn đảo vi ngã quốc cực nam chi địa, có nghĩa là: đảo Tri Tôn là đảo cực nam của Trung Quốc.
Và những bản đồ hiện nay thì với “đường lưỡi bò”, Trung Quốc muốn ôm trọn biển Đông. Đảo Tri Tôn hiện đã được Trung Quốc đặt lại tên là Trung Kiến đảo, tên của một trong bốn con tàu mà Trung Quốc cho rằng đã đến quần đảo Hoàng Sa vào tháng 11-1946.
* Trung Quốc sử dụng “đường lưỡi bò” trắng trợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam đã vi phạm Công ước về luật biển quốc tế?
- Ai cũng thấy rằng Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” ở biển Đông không hề căn cứ vào bất cứ dữ kiện xác đáng nào của lịch sử cũng như luật pháp quốc tế. Cứ như thế họ xem “đường lưỡi bò” là đường lãnh hải đương nhiên của họ ở biển Đông. Và họ ngang ngược cho rằng bất cứ quốc gia nào có các hoạt động trên biển trong khu vực đó đều là xâm phạm chủ quyền của họ, dù là các quốc gia đó đang có chủ quyền và quyền chủ quyền hợp pháp của mình trên biển Đông.
Bằng chứng này cho thấy Trung Quốc đã có dã tâm xâm chiếm chủ quyền ở biển Đông theo phương thức liếm từ từ. Đây cũng là chứng cứ lịch sử để chống lại sự bành trướng vô lý của Trung Quốc qua từng giai đoạn theo kiểu phủ nhận lịch sử mà phía Trung Quốc thường làm.
* Chúng ta cần hợp sức cả hai lực lượng chuyên gia sử học và chuyên gia công pháp quốc tế thành một mặt trận thống nhất đấu tranh cho chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trên trường quốc tế?
- Phải tập hợp thống nhất các lực lượng này mới có thể đối phó được việc Trung Quốc đang nói một đường và làm một nẻo. Có khả năng Trung Quốc đang dùng chiến lược ru ngủ các nước xung quanh bằng cách tung ra lực lượng các học giả để giả vờ tuyên truyền các luận điểm có lợi cho các nước trong khu vực biển Đông, để họ rảnh tay làm chuyện khác.
Tất cả những động thái đó đã cho chúng ta thấy rằng, cuối cùng đối với Trung Quốc, nói đi nói lại dù cho lời hay ý đẹp cũng là “Chủ quyền thuộc ngã” khi muốn ôm trọn biển Đông ở phương nam hay những hòn đảo, đá... ở biển Đông Trung Hoa như Senkaku, Okinotori (Nhật Bản) mang tính chiến lược nằm trong tham vọng bành trướng mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc vẫn ấp ủ từ lâu.
Vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku có nét tương đồng với chúng ta ở chỗ có những hiệp ước quốc tế thừa nhận chủ quyền Senkaku thuộc về Nhật Bản, chúng ta cũng có những hiệp ước quốc tế tương tự như tuyên cáo Cairo 1943, Tuyên ngôn Postdam 1945, San Francisco 1951 và Geneva năm 1954, tất cả đã chứng nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về chủ quyền của chúng ta.
Sách giáo khoa Trung Quốc không đề cập Hoàng Sa - Trường Sa * Chúng ta có thêm tư liệu lịch sử xác thực nào cho thấy Trung Quốc đã vô lý khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa không? - Về mặt luận chứng lịch sử, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã hoàn tất công trình nghiên cứu rất chi tiết chứng minh được từ xưa Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không xuất hiện trong địa đồ của họ. Thêm vào đó, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đang có trong tay những bộ chính sử gốc của Trung Quốc, trong đó có thể chứng thực Trung Quốc đang lộng ngôn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, hiện nay đã giải mã xong các bộ chính sử này. Các nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân và Hồ Bạch Thảo cũng đã chỉ rõ trong chính sử, phương chí và địa đồ Trung Hoa từ đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh ai ai cũng rõ Hải Nam là biên giới cực nam của Trung Quốc. Và điều này phù hợp với những điều ghi trong quyển Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư được biên soạn năm 1905, xuất bản năm 1906. Tại trang 241 ghi rõ “Phía nam Trung Quốc từ vĩ độ Bắc 18O13’, tận cùng là bờ biển Nhai Châu, đảo Hải Nam, phía bắc đến vĩ độ 53O50’, tận cùng là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông U-xu-ri; phía tây đến kinh tuyến 42O11’ tận cùng là núi Tùng Lĩnh. Nam Bắc gồm hơn 36 vĩ độ, rộng hơn 7.100 dặm. Đông Tây gồm hơn 61 độ, dài hơn 8.800 dặm. Diện tích 32.605.156 dặm vuông, chiếm 1/4 châu Á, 1/10 lục địa thế giới, lớn hơn cả châu Âu”. Như vậy, ngay cả sách giáo khoa địa lý của Trung Quốc cũng không hề đề cập đến quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận