11/07/2012 06:25 GMT+7

Dư luận chưa đồng tình trích tiền xử phạt cho CSGT

HỮU KHÁ - C.MAI
HỮU KHÁ - C.MAI

TT - Ngày 10-7, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã có cuộc làm việc với UBND TP Đà Nẵng về công tác giám sát pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Lê Minh Thông cho rằng việc trích lại 70% số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cho lực lượng công an, “vừa qua một bộ phận người dân, cán bộ chưa đồng tình”.

* Chậm khởi tố vì vướng giám định

Theo ông Thông, nếu quy định như vậy người dân cứ nghĩ “cảnh sát giao thông cố phạt nhiều càng kiếm được nhiều tiền bồi dưỡng”.

Liên quan đến vấn đề TP Đà Nẵng chi bồi dưỡng 5 triệu đồng/người/tháng cho cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết dù có dư luận khác nhau về vấn đề này nhưng TP vẫn quyết định hỗ trợ phụ cấp cho một số lực lượng khi đi làm nhiệm vụ vận dụng theo đúng quy định pháp luật.

Theo ông Tuấn, TP không chỉ hỗ trợ cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông mà các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự. Theo đó, toàn bộ số tiền thu phạt vi phạm an toàn giao thông được điều phối theo tỉ lệ như sau: 70% số tiền giao cho Công an TP, trong đó cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ được hưởng 50% số tiền này (bao gồm 5 triệu đồng/người/tháng), cảnh sát trật tự được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng, cảnh sát cơ động 500.000 đồng/người/tháng.

Tại cuộc họp, UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm nhân rộng việc áp dụng mức xử phạt cao tại TP Đà Nẵng theo nghị định 34 nhằm răn đe, hạn chế hành vi vi phạm an toàn giao thông.

* Cùng ngày, đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã làm việc với Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và Đoàn luật sư TP.HCM về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hình sự trong công tác điều tra, truy tố và xét xử. Tại buổi làm việc, thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM - thừa nhận hầu hết các tin báo tố giác tội đều bị xử lý quá hạn, trong đó 2/3 vụ việc là án kinh tế, có vụ kể từ khi tố giác đến lúc khởi tố kéo dài cả năm.

Lý giải việc này, ông Minh cho rằng không thể nào đảm bảo khởi tố hình sự trong thời hạn hai tháng như luật định bởi nhiều vụ muốn khởi tố phải chờ kết quả giám định. Theo báo cáo của Công an TP, từ năm 2010 đến nay, Công an TP tiếp nhận hơn 22.500 tin báo tố giác tội phạm, trong đó có hơn 11.100 vụ án được khởi tố (tỉ lệ chưa đến 50%), hơn 5.700 tin báo không khởi tố hình sự, còn lại chuyển cơ quan khác xử lý, hướng dẫn khởi kiện ra tòa. Hiện Công an TP đang thụ lý 3.172 tố giác, tin báo tội phạm.

Có đại biểu đặt vấn đề tình trạng người dân có chuyện khẩn gọi công an nhưng không được hỗ trợ kịp thời vì công an thường cho rằng có án mới tới xử lý, khiến người dân phải “tự xử” bằng cách thuê xã hội đen, nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật. Theo ông Minh, việc công an chậm đến can thiệp là do lực lượng còn thiếu, quá tải trong công việc chứ không phải chờ có án mới tới.

HỮU KHÁ - C.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên