07/07/2012 06:06 GMT+7

Cho phép TP.HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị

TTXVN
TTXVN

TT - Ngày 6-7, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về tổng kết nghị quyết số 20-NQ/TW (khóa IX) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010.

Xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thịTP.HCM: đề nghị thành lập thị xã Bình Chánh

0L5cKV2w.jpgPhóng to
Một góc công viên ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) được cải tạo, xây dựng khang trang - Ảnh: T.T.D.

Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý tiếp tục cho phép TP được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề phát sinh mà thực tiễn TP đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp; xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị... Tuy nhiên, TP cần xây dựng đề án, có lộ trình, bước đi, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Bộ Chính trị cũng nhất trí về việc ban hành một nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu mới của thành phố và của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Phát biểu kết luận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác tổng kết nghị quyết số 20-NQ/TW đã được TP.HCM và các bộ, ngành, cơ quan trung ương chuẩn bị, tiến hành công phu, nghiêm túc, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao. Các ý kiến thảo luận tại cuộc họp của Bộ Chính trị cũng thống nhất rất cao, thể hiện tình cảm, mong muốn và quyết tâm đưa TP.HCM tiếp tục phát triển, đi lên.

Đến 2020: gdp đầu người đạt 8.500 USD

Tổng bí thư nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của TP.HCM không chỉ là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có vị trí quan trọng đối với cả nước, mà còn là đầu tàu, là động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn, đóng góp rất quan trọng cho cả nước không chỉ về vật chất (20% GDP, 30% ngân sách) mà cả kinh nghiệm phát triển.

Tổng bí thư đánh giá cao tinh thần năng động sáng tạo của TP.HCM và khuyến khích thành phố mạnh dạn đề xuất, thí điểm những vấn đề phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển. Trong giai đoạn sắp tới, TP.HCM cần tập trung tháo gỡ, giải quyết các bất cập về kết cấu hạ tầng, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh...

Tổng bí thư đánh giá cao các mục tiêu phấn đấu quyết liệt của TP.HCM, nổi bật là đến năm 2020, bình quân GDP theo đầu người đạt 8.500 USD, tập trung phát triển chín nhóm ngành dịch vụ, bốn ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học cao, năm 2015 hoàn thành chỉ tiêu cơ bản về xây dựng nông thôn mới, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở, chấm dứt tình trạng quá tải ở các bệnh viện, coi trọng phát triển y tế dự phòng, nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ y tế, đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, thể thao...

Tổng bí thư chỉ rõ cùng với tập trung hoàn thiện cơ chế, cải cách hành chính, mô hình quản lý chính quyền đô thị, cần triển khai thực hiện tốt nghị quyết trung ương 4, nhất là công tác cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chống cho được sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta và của TP.HCM; đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cở sở, quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, dứt điểm những điểm nóng.

Chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức

Bộ Chính trị thống nhất đánh giá: sau hơn 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện nghị quyết số 20-NQ/TW, TP.HCM đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Kinh tế tăng trưởng khá cao, bình quân hơn 11%, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 54,3% GDP, công nghiệp - xây dựng chiếm 44,5% GDP, nông nghiệp chiếm 1,2% GDP, tăng dần tỉ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, ngày càng đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước.

Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên, 8,56% dân số cả nước, nhưng thành phố đóng góp 21,3% GDP cả nước, 29,38% tổng thu ngân sách nhà nước, 22,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 58,33% khách du lịch quốc tế, 43,72% doanh thu du lịch, 27,9% kim ngạch xuất khẩu, 26% kim ngạch nhập khẩu, 22,4% giá trị gia tăng ngành công nghiệp, mức thu nhập bình quân của người dân thành phố năm 2011 bằng 2,4 lần so với bình quân đầu người của cả nước.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chưa tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu của cả nước, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; cơ cấu hạ tầng ngày càng quá tải, bất cập, quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển và còn nhiều yếu kém, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước đô thị, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng và ngày càng gay gắt hơn...

Trên cơ sở chỉ rõ tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Bộ Chính trị yêu cầu: Đảng bộ, nhân dân TP.HCM tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, làm tốt vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng TP.HCM thành một thành phố văn minh, hiện đại...

__________

(*) Tít và tít nhỏ do Tuổi Trẻ đặt.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên