20/06/2012 07:52 GMT+7

Vụ "khai quật" vỉa hè: Nhiều chuyện lạ!

M.TRƯỜNG - N.ẨN - D.N.HÀ
M.TRƯỜNG - N.ẨN - D.N.HÀ

TT - Sau khi có đơn tố cáo của công nhân, chủ đầu tư đã thuê một đơn vị kiểm tra đánh giá. Điều kỳ lạ là việc lấy mẫu lại không lấy từ hiện trường mà đi lấy mẫu đúc.

Trước đó có tại hiện trường đem đi kiểm định và sau đó kết luận mẫu đạt chất lượng. Còn công nhân tố cáo viết đơn xin rút lại nội dung tố cáo…

Khai quật vỉa hè để giám định chất lượng

bQQ2voPH.jpgPhóng to
Khoan thẩm định chất lượng bêtông trên vỉa hè đường Hoàng Sa - Ảnh: Mậu Trường

Trong văn bản trả lời báo Tuổi Trẻ về bài “Khai quật vỉa hè để giám định chất lượng” (đăng ngày 8-6-2012), Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM (chủ đầu tư dự án) cho biết việc kiểm tra chất lượng mẫu bêtông lót vỉa hè trên đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đạt yêu cầu. Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia giao thông cho rằng việc kiểm tra này không khách quan. Vì sao?

Lấy mẫu hiện trường để đo độ dày

Trong văn bản trên, ông Ngô Bá An - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết do lớp bêtông lót vỉa hè mỏng (lớp bêtông dày 5cm) nên khó áp dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá cường độ bêtông trên kết cấu công trình. Vì vậy, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đồng ý với Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam (đơn vị tư vấn độc lập - do chủ đầu tư thuê) kiểm tra đánh giá cường độ bêtông trên các tổ hợp mẫu đúc (mẫu bêtông có độ dày trên 10cm) được lấy trong quá trình thi công.

Theo đó, đơn vị tư vấn độc lập lấy mẫu bêtông vào các ngày 22-4 và 10-5 để kiểm tra đánh giá cường độ bêtông. Kết quả các mẫu kiểm tra đều đạt từ 158,8-162,5 KN/cm2, trong khi cường độ theo thiết kế là 150 KN/cm2. Như vậy, đơn vị tư vấn độc lập kiểm tra tại hiện trường vào ngày 7-6 (là ngày công nhân Lê Ngọc Huệ có mặt tại hiện trường kiểm tra lấy mẫu đã tố cáo nhà thầu thi công rút bớt ximăng) chủ yếu là đo độ dày 5cm của lớp bêtông lót vỉa hè mà không kiểm tra cường độ bêtông.

Nhận định về việc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho đơn vị tư vấn độc lập lấy mẫu kiểm tra chất lượng bêtông lót vỉa hè trên, một chuyên gia về chất lượng xây dựng của Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng phương pháp kiểm định chất lượng bêtông trong trường hợp này là chưa phù hợp. Thực tế mẫu bêtông vỉa hè chỉ dày 5cm, không đáp ứng được kích thước mẫu theo tiêu chuẩn. Ngay từ đầu, bất kỳ kiểm định viên nào cũng biết không thể áp dụng phương pháp khoan thử bêtông thu tại hiện trường để kiểm định. Việc giám định chất lượng dựa trên mẫu tổ hợp sẽ có tỉ lệ chính xác không cao, có thể mẻ bêtông lấy mẫu thử thì đạt chất lượng, còn những mẻ bêtông khác không đạt chất lượng thì sao?

Trong trường hợp này, đơn vị kiểm định chất lượng phải tham khảo ý kiến của công ty tư vấn thiết kế. Công ty thiết kế sẽ công bố phương pháp nghiệm thu, kiểm tra chất lượng lớp bêtông lót vỉa hè và những tiêu chí để đưa ra tỉ lệ các hợp chất trong một mẻ bêtông. Từ những tiêu chí và phương pháp nghiệm thu đó, đơn vị kiểm định mới quyết định áp dụng phương pháp kiểm định cho phù hợp.

Lấy mẫu đúc sẵn để kiểm định chất lượng: có khách quan?

Trong khi đó, ông Phạm Sanh - chuyên gia về công trình giao thông - đặt nghi vấn là “đơn vị tư vấn độc lập đã không đủ thiết bị để kiểm tra chất lượng mẫu bêtông đã lót vỉa hè đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nên đã lấy mẫu đúc bêtông trước đây!?”. Theo ông Sanh, về nguyên tắc khi công nhân tố cáo cụ thể vị trí nhà thầu rút bớt ximăng ở đâu thì chủ đầu tư phải yêu cầu tư vấn độc lập lấy mẫu tại hiện trường đó để xác định chất lượng công trình có bảo đảm hay không. Bởi vì đây là vụ có đơn của công nhân tố cáo nên việc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 lại lấy mẫu bêtông đúc trước đó để kiểm tra chỉ có tính chất tham khảo mà thôi.

“Thực tế nhà thầu rút bớt một nửa bao ximăng trong mỗi mẻ bêtông tuy không lớn, nhưng hàng ngàn mẻ bêtông đã được đưa vào lót vỉa hè trở thành vấn đề lớn vì có khối lượng lớn” - ông Phạm Sanh nói. Lâu nay dư luận cho rằng nạn rút ruột vật tư ở các công trình xây dựng đã trở nên phổ biến, nhưng quá ít vụ được phát hiện. Vì vậy, việc công nhân tố cáo công trình bị rút ruột ximăng cần được các cơ quan chức năng làm rõ để tránh gây thiệt hại và lãng phí tiền nhà nước đầu tư xây dựng.

Cần giao cơ quan độc lập giám định lại

Ông Phạm Sanh đề nghị Sở Giao thông vận tải và UBND TP.HCM cần giao cho một cơ quan độc lập như Sở Xây dựng TP giám định lại chất lượng bêtông lót vỉa hè nhằm đảm bảo tính khách quan. Hiện nay TP đang triển khai xây dựng hàng chục ngàn mét vuông vỉa hè đường Trường Sa, Hoàng Sa và trên nhiều tuyến đường khác. Vì vậy việc kiểm tra giám định lại chất lượng vỉa hè là rất cần thiết để xác định nguyên nhân cũng như xử lý những sai phạm ở các công trình này.

Tương tự ý kiến trên, chuyên gia của Sở Xây dựng cho rằng chỉ khi được UBND TP chỉ đạo hoặc đơn vị chủ quản mời thì Sở Xây dựng mới tham gia kiểm định chất lượng của công trình. Đây là công trình của một đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải, một đơn vị “ngang cấp”, nên Sở Xây dựng không thể có ý kiến về việc kiểm định chất lượng công trình. Trước kia, khi có tố cáo tiêu cực ở công trình đường liên cảng A5, UBND TP đã chỉ đạo cơ quan thanh tra vào cuộc và cơ quan thanh tra đã yêu cầu Sở Xây dựng giám định chất lượng công trình của những hạng mục công trình tại đường này. Nếu có đầy đủ những thủ tục như vậy thì Sở Xây dựng mới có thể vào cuộc và kết quả giám định mới có giá trị pháp lý.

Theo ông Ngô Bá An - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM, ngày 9-6 công nhân Lê Ngọc Huệ đã có đơn giải trình việc tố cáo rút bớt ximăng vỉa hè là do động cơ mâu thuẫn cá nhân với cán bộ công trình và ông Huệ cũng đã có đơn xin rút lại nội dung tố cáo. Ông Phạm Sanh cho rằng: đứng về trách nhiệm, chủ đầu tư cần làm rõ chất lượng công trình, còn việc công nhân tố cáo đúng hay không đúng sự thật thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý người tố cáo sai sự thật theo quy định pháp luật.

M.TRƯỜNG - N.ẨN - D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên