30/05/2012 07:59 GMT+7

Mang tiền vật chứng gửi tiết kiệm để chia chác

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Theo Viện KSND tối cao, sau khi thu giữ tiền vật chứng của vụ án, các bị can nguyên là lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cấp dưới gửi tiết kiệm hàng chục tỉ đồng lấy tiền chia chác, hưởng lợi bất chính.

elpnnBcU.jpgPhóng to
Bị can Ngô Thanh Phong lúc được đưa về khám xét nhà riêng - Ảnh: H.P.

Kết thúc điều tra vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ba bị can.

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm ông Ngô Thanh Phong (56 tuổi, nguyên chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, nguyên phó thủ trưởng thường trực Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Văn Nên (47 tuổi, nguyên trưởng Phòng cảnh sát điều tra, nguyên phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang), Phạm Văn Út (43 tuổi, nguyên thủ kho vật chứng, thủ quỹ Phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang).

Ba đợt gửi tiết kiệm

Theo kết luận điều tra, ngày 28-10-2002 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án “buôn lậu” xảy ra tại Công ty TNHH Thành Phát (Tiền Giang). Sau khi khởi tố vụ án, ông Ngô Thanh Phong - người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án - phân công 10 điều tra viên và cán bộ Phòng cảnh sát kinh tế tiến hành điều tra vụ án. Có 38 bị can bị khởi tố trong vụ án này về các tội “buôn lậu”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”... Vụ án đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cho rằng trong quá trình điều tra vụ án, bị can Ngô Thanh Phong - khi đó là trưởng Phòng cảnh sát điều tra, phó thủ trưởng thứ nhất Cơ quan cảnh sát điều tra - đã bàn bạc với Nguyễn Văn Nên, sau đó chỉ đạo cấp dưới đem toàn bộ tiền thu giữ trong vụ án gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại để lấy lãi, nhập quỹ riêng của đơn vị, chi tiêu vì mục đích vụ lợi, cá nhân. Đây là một hành vi trái pháp luật, theo quy định thì tiền của vụ án phải được đưa vào Kho bạc Nhà nước để bảo quản.

Tổng số tiền thu giữ của các bị can, đương sự trong vụ án từ tháng 10-2002 đến năm 2004 gần 12,6 tỉ đồng và hơn 249.000 USD. Trong số này, cấp dưới của hai ông Phong và Nên là Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn gửi tiết kiệm đứng tên cá nhân hơn 11,4 tỉ đồng và hơn 206.000 USD. Đến cuối tháng 5-2004, toàn bộ số tiền này được rút ra để nhập kho vật chứng, thu lãi gần 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 6-2004, do chưa chuyển được tiền vật chứng của vụ án cho cơ quan thi hành án tỉnh Tiền Giang, theo chỉ đạo của chỉ huy Phòng cảnh sát điều tra, bị can Phạm Văn Út lại mang 12,1 tỉ đồng gửi vào ngân hàng, đứng tên cá nhân, thu lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, năm 2005 bị can Ngô Thanh Phong còn chỉ đạo gửi tiết kiệm 5,8 tỉ đồng tiền xử lý vật chứng của vụ án vào ngân hàng, thu được gần 200 triệu đồng tiền lãi. Tổng số tiền lãi cả ba đợt là hơn 1,368 tỉ đồng.

Chia chác tiền lãi

Số tiền trên đã được chi dùng chủ yếu theo sự chỉ đạo của Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên. Trong đó, bị can Ngô Thanh Phong chi tiếp khách nhiều lần hết hơn 100 triệu đồng, chi tiền sử dụng cá nhân không rõ mục đích, không có chứng từ gốc gần 59 triệu đồng; chi 100 triệu đồng mua bốn xe máy Honda Future và đề nghị ông Nguyễn Chí Phi (khi đó là phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang) duyệt cho đăng ký biển trắng và cấp cho bốn lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra sử dụng. Hai bị can Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên định duyệt cấp cho ông Nguyễn Chí Phi một xe máy Honda Future nhưng do biết ông Phi đã có xe máy công nên duyệt chi 25 triệu đồng tiền mặt.

Trong những dịp tết, các bị can quyết định chia cho mỗi cán bộ chiến sĩ 500.000 đồng. Chỉ huy phòng và ông Nguyễn Chí Phi được chia 5 triệu đồng/người. Tết năm 2004, các bị can chi cho ông Phi 7 triệu đồng. Đến tháng 10-2004, khi Phòng cảnh sát điều tra chuyển đổi thành Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, hai bị can Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên quyết định chia nốt quỹ riêng của phòng cho bốn cán bộ chỉ huy và ông Nguyễn Chí Phi mỗi người được 23 triệu đồng; 14 cán bộ chỉ huy đội mỗi người được 8 triệu đồng; 34 cán bộ công tác lâu năm mỗi người được 4 triệu đồng; chín cán bộ mới mỗi người được hơn 2 triệu đồng.

Ngoài hành vi trên, bị can Nguyễn Văn Nên còn có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật” và “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” trong vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tại tỉnh Bình Dương, có dấu hiệu sử dụng 5,25 tỉ đồng của đương sự để gửi tiết kiệm lấy lãi. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã có quyết định tách vụ án để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên