Tuy chỉ là hai (về số học), song xâu chuỗi lại đã khiến nhiều người suy tư.
Truy nã đặc biệt ông Dương Chí DũngVì sao khởi tố cục trưởng Cục Hàng Hải?
Phóng to |
Ông Ngô Văn Minh - Ảnh: QUỐC THANH |
Trách nhiệm của bộ trưởng thế nào? Quốc hội đang họp, nếu chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng tôi sẽ hỏi rằng trước khi đề bạt anh Dương Chí Dũng, bộ trưởng hiểu được anh ấy đến đâu, nắm được những gì ở Tổng công ty Hàng hải VN... mà bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm? Nếu được trả lời rằng bộ trưởng đã làm theo quy trình, làm đúng thì tôi sẽ chất vấn tiếp: Trách nhiệm bộ trưởng thế nào? Bộ trưởng thiếu trách nhiệm? Tôi hoàn toàn có thể chia sẻ bộ trưởng mới về nắm ngành (nói mới nhưng cũng đã gần hai năm), thì ít nhất những người đầu ngành thuộc bộ, bộ trưởng cũng phải nắm được, hiểu được. |
- Gần đây, chỉ hai vụ việc cụ thể liên quan đến cán bộ có chức quyền, nhưng trên thực tế tôi tin còn nhiều trường hợp tương tự. Tôi thấy trong độ ngũ cán bộ, công chức hiện nay có một số hiện tượng bất thường. Trước hết là một bộ phận trong số này giàu lên rất nhanh sau một thời gian nắm chức quyền trong tay. Thấy vậy, người dân không khỏi đặt vấn đề việc quản lý của Đảng, của tổ chức thế nào? Nói là thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức nhưng hiểu được nguồn gốc thu nhập của họ đến đâu? Trước khi đề bạt buộc phải kê khai tài sản. Thế nhưng, có những cán bộ và gia đình họ “ôm” khối tài sản khổng lồ nhưng không rõ nguồn gốc từ đâu. Vậy thì công tác cán bộ nói chung, hay việc kê khai tài sản thực chất được thực hiện thế nào?
Bên cạnh việc giàu lên bất thường, có một bộ phận cán bộ tự tách mình ra khỏi cuộc sống của đông đảo người dân cũng như phần lớn cán bộ, đảng viên khác, là đồng chí của mình. Số ít hơn này sống rất tiện nghi, rất vương giả. Do vậy, hết sức lo lắng khi trong Đảng đã xuất hiện ngày càng nhiều suy nghĩ không thống nhất về mục tiêu, về lợi ích, về cách nghĩ...
Có chuyện bố trí theo thân quen, phe cánh...
* Từ trung ương đến tận cơ sở được đầu tư bộ máy làm công tác cán bộ rất đông và chặt chẽ. Vậy có thể lý giải thế nào về trường hợp cụ thể là bổ nhiệm cục trưởng Cục Hàng hải VN Dương Chí Dũng?
- Đúng là chúng ta có bộ máy làm công tác cán bộ cùng nhiều quy trình, quy định khá chặt chẽ, khoa học. Song mới đề ra thế thôi, chưa làm theo đúng như vậy.
Trong công tác này nếu không đảm bảo dân chủ, minh bạch, cứ “thậm thà thậm thụt” đề bạt, cất nhắc thì dẫn đến hậu quả tất yếu như thế thôi, mà trường hợp bổ nhiệm cục trưởng Cục Hàng hải VN Dương Chí Dũng là một ví dụ. Mặt khác, cho dù có làm đúng quy trình, đúng quy định chăng nữa mà đề bạt, bổ nhiệm những con người như thế cũng sẽ không tạo được niềm tin trong đội ngũ. Rất nhiều trường hợp chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc, báo chí phanh phui... mới lòi ra nhiều thứ sai phạm, còn cả quá trình trước đó đều được đánh giá tốt. Tôi cho rằng điều đó do thiếu dân chủ, công khai, trong khi đây là những yếu tố quan trọng nhất khi đề bạt, bổ nhiệm, bố trí hay sắp xếp cán bộ.
Tôi không nói trường hợp cụ thể nào, nhưng điều hết sức lo ngại là tình trạng bố trí cán bộ theo thân quen, thương - ghét, theo dòng họ, kể cả phe cánh... và cả hiện tượng “thái tử đảng”. Tôi cho rằng những biểu hiện này đang chi phối rất lớn và đang tồn tại trong công tác cán bộ của ta. Đây còn là một trong những nguyên nhân khiến việc bố trí, đề bạt không đúng người, đúng việc, không đủ khả năng đảm đương chuyên môn, trong khi những người có tài năng, tâm huyết... thật sự không được trọng dụng.
* Nhưng có quá khó để nhận diện những hiện tượng ông vừa nêu và ông từng biết trường hợp cụ thể nào?
- Nhận diện cái này không khó. Còn để chỉ ra những trường hợp cụ thể nào quả là điều rất tế nhị với nhiều người. Chạy chức, chạy quyền... mà Đại hội XI của Đảng nêu ra rất bức xúc, rồi mới đây nghị quyết trung ương 4 cũng đề cập rất đậm nét, vẫn chưa khắc phục được.
Tôi cho rằng nếu không khắc phục được những tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ đứng trước nguy cơ mất dần quần chúng. Nếu cứ để những kẻ xấu chui vào Đảng, vào bộ máy công quyền thì sẽ đưa đến nhiều nguy cơ, mà dễ thấy nhất là chủ trương, chính sách không mang lại lợi ích cho số đông, thậm chí làm hại dân, gây nên những dồn nén, bức xúc xã hội. Và khi đó, đội ngũ cán bộ không còn nhiều tấm gương thuyết phục đối với dân.
Thật sự mà nói không phải người dân nào cũng hiểu hết bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa là thế nào, mà trước hết họ nhìn xem đội ngũ cán bộ hay những cán bộ trực tiếp làm việc với họ hằng ngày có phải là những người có đạo đức hay không, lời nói và việc làm có vì lợi ích của số đông hay không... Do vậy, nếu như dân không còn tin nữa thì họ sẽ bày tỏ thái độ bất tín nhiệm, bất hợp tác, mất lòng tin và thậm chí đây là một trong số các nguyên nhân tạo nên mầm mống bùng nổ xã hội từ những bức xúc được dồn nén qua nhiều vụ việc hằng ngày. Nếu đội ngũ cán bộ tốt, chủ trương, chính sách đúng đắn thì dù có bị kích động, lôi kéo đến đâu dân cũng sẽ không theo kẻ xấu một cách mù quáng.
Tổ chức cơ sở Đảng ở Bộ GTVT yếu kém
* Vậy công tác cán bộ hiện nay phải làm thế nào? Bắt đầu từ đâu?
- Tất cả đều đang tìm cách khắc phục thiếu sót, yếu kém. Nhưng nếu làm không hiệu quả, không đạt yêu cầu như mong đợi thì chính điều đó là nguy cơ lớn hơn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên đang đặt câu hỏi: “Tôi (hay chúng tôi) đang phấn đấu vì ai? Vì dân hay vì một bộ phận nào đó?”.
Việc phải thay đổi là ngoài khâu đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ thì quản lý, giám sát cán bộ cũng đang là khâu yếu, thậm chí có nơi rất yếu. Quản lý chưa chặt chẽ, kiểm tra, giám sát cũng như thế và vẫn còn nhiều quan liêu. Cán bộ khi chưa bị khởi tố thì vẫn là cán bộ tốt, chỉ khi bị bắt rồi mới biết có vấn đề. Thế là hỏng rồi. Điều bức xúc hơn, nhiều trường hợp phát hiện sai phạm nhưng xử lý không nghiêm, thậm chí còn tìm cách che chắn lẫn nhau.
Quản lý cán bộ phải hiểu cán bộ. Còn như trường hợp cụ thể vừa qua, lãnh đạo Bộ GTVT nói rằng thời điểm bổ nhiệm cục trưởng Cục Hàng hải VN là chưa có kết luận thanh tra, kiểm tra... của cơ quan chức năng, đấy là kiểu nói che chắn, hay nói đúng hơn là ngụy biện.
* Ông nói gì về trách nhiệm trong công tác cán bộ hiện nay?
- Trước hết không thể không bàn đến trường hợp cụ thể về bổ nhiệm ở Cục Hàng hải VN, cho thấy tổ chức Đảng ở đây chưa hoàn thành nhiệm vụ. Còn Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký quyết định bổ nhiệm trong khi thanh tra, điều tra đang làm thì đấy là thiếu sót, khuyết điểm. Lẽ ra phải chậm lại cho đến khi có kết luận đâu đó rõ ràng. Qua đây cũng thấy rõ tổ chức cơ sở Đảng ở đó yếu kém trong đấu tranh và phê bình.
Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất đã được đề cập nhiều, đó là phải dân chủ thật sự, công khai trong Đảng và trong công tác cán bộ. Đấy là điều quan trọng nhất hiện nay. Song đáng buồn là đã nói rất nhiều nhưng thực hiện chưa nhiều. Đã thật sự công khai tài sản của cán bộ, từ cấp cao trở xuống, hay chưa? Cán bộ có bao nhiêu tài sản không quan trọng mà cần giải trình rõ nguồn gốc do đâu mà có, ít nhất là từ bây giờ. Cần công khai việc bố trí, đề bạt để trong nội bộ và bên ngoài giám sát. Tất cả những việc này nếu nói không làm gì là không đúng, đều có làm cả đấy nhưng làm rất hình thức. Làm cốt là để nhiều người biết có làm nhưng thiếu thực chất, hiệu quả không đến đâu.
40% học để có... bằng cấp Hiện nay, nếu nói về điểm số của học viên được đào tạo lý luận thì không ai dám nói đội ngũ cán bộ của mình yếu kém cả. Thế nhưng thực tế thì ngược lại, như hai vectơ ngược chiều nhau. Các đề tài nghiên cứu khoa học về lý luận cũng vậy, hầu hết được nghiệm thu xuất sắc song lại có tình trạng lạc hậu về lý luận. Như vậy, từ công tác nghiên cứu lý luận, tổ chức, đào tạo cán bộ đều có vấn đề cả. Công tác quy hoạch đưa đi đào tạo cũng còn yếu kém. Chúng tôi tự đánh giá với nhau rằng có khoảng 40% số học viên phải đi học vì để có bằng như một điều kiện khi xem xét bố trí, bổ nhiệm các chức vụ, chứ chưa phải học để nâng trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, khi đi học vẫn mang nặng mục đích học để lấy điểm, tìm mọi cách để đạt điểm số và nhiều hiện tượng tiêu cực trong dạy, học cũng xuất phát từ đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận