Xem tường thuật vụ tai nạnXem hình ảnh hiện trường vụ tai nạn
Đến 7g sáng 18-5, 14 nạn nhân sống sót trên chuyến xe định mệnh đó đang được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Đắk Lắk và chuyển đi bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM).
Ông Nguyễn Thanh Đức, chủ nhiệm HTX Quyết Thắng có chiếc xe bị tai nạn thì chiếc xe xuất bến tối qua có 45 hành khác và hai tài xế và 1 phụ xe. Sau tai nạn thì tài xế và phụ xe của HTX đều tử vong. Có hai hành khách đã đăng ký nhưng hủy chuyến vào giờ chót.
"Hiện tại, số nạn nhân bị tử vong HTX đang nhờ thân nhân đưa về lo hậu sự trước, chúng tôi ghi lại tên tuổi, địa chỉ để có những giải quyết về sau. Riêng với những người đang cấp cứu thì HTX hỗ trợ bước đầu số tiền 2 triệu đồng/ người".
Cho đến sáng, hàng ngàn người dân vẫn tập trung tại khu vực cầu 14 đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để theo dõi vụ tai nạn. Phía dưới lòng sông nơi hiện trường chiếc xe khách lâm nạn, nhiều tư trang hành lý của hành khách bị nạn được tập kết cạnh địa điểm xảy ra tai nạn, nhiều bộ phận của chiếc xe khách như ghế ngồi, đuôi xe, gương chiếu hậu, bánh xe… nằm rải rác thành các mảnh vụn.
Ông Lê Xuân Biểu - phó Ban an toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk cho biết vào lúc 3g sáng 18-5, chiếc xe bị nạn đã được cẩu khỏi hiện trường để phục vụ công tác điều tra. Lực lượng công an xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột) và công an xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút, Đắk Nông) được điều động để giữ trật tự tại hiện trường, ngăn không cho người dân tiếp cận khu vực hàng rào lan can trên cầu 14 kéo dài khoảng 20m đã bị chiếc xe khách đâm sập trong thời điểm tai nạn xảy ra.
Đau thương ngập tràn bệnh viện
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk khung cảnh chen chúc diễn ra khá căng thẳng khi lượng người dân đổ về khu vực nhà xác mỗi lúc một đông. Trong căn phòng rộng khoảng 35m2, đến 10g sáng 18-5 vẫn còn 9 thi thể các nạn nhân thiệt mạng vẫn chưa thể bàn giao do người thân chưa đến kịp.
Trên thi thể các nạn nhân này đều được đánh số thứ tự, khung cảnh tang thương, buồn đau bao trùm khi cứ khoảng vài chục phút lại có một người nhà nạn nhân đến nhìn thấy người thân và òa khóc nức nở.
Máu từ thi thể các nạn nhân chảy ra nền đất liên tục khiến nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk phải chùi rửa để đảm bảo vệ sinh. Cạnh xác các nạn nhân, một lư hương lớn cũng được dựng lên để người dân đến thắp cho các nạn nhân, nhiều người đã bỏ tiền quyên góp cho các nạn nhân xấu số. Hàng chục tăng ni phật tử cũng có mặt để tụng kinh cầu nguyện cho các nạn nhân.
Nằm bên thi thể người em rể xấu số vừa bị nạn trong đêm 17-5, bà Lê Thị Hương (Krông Pắk, Đắk Lắk) quì sụp tụng kinh, được một lúc thì ngất lịm và được người thân đưa ra ngoài chăm sóc. Anh Lê Văn Nội, em trai của bà Hương cho biết do có đám cưới của một người em nên ngày 15-5 em rể của anh là Nguyễn Văn Kỳ - thiếu tá quân đội hiện đang công tác tại Tiền Giang bắt xe lên Đắk Lắk để đi ăn cưới.
Anh chị em mấy năm mới gặp nhau chưa kịp mừng thì lại phải chia tay, đêm 17-5, anh Kỳ, chị Hương và anh Nội cùng bắt xe xuống Tiền Giang chơi nhưng đến phút cuối, trước khi lên xe, chỉ mình anh Kỳ đi còn anh Hương, anh Nội quyết định nán lại để đi chuyến xe sau, không ngờ đó là lần chia tay cuối cùng.
Đến 11g32 trưa 18-5, bác sĩ Bùi Trường Phong - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk cho biết hiện số người tử vong vẫn được giữ nguyên ở số lượng 34 người, lượng người bị thương vẫn tiếp tục được điều trị, có một ca đang trong tình trạng nguy cấp.
Cũng trong sáng 18-5, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ông Lữ Ngọc Cư cùng đại diện Hội chữ thập đỏ, các cơ quan ban nghành đã đến thăm hỏi và động viên các gia đình bị nạn.
Trước mắt tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình có người chết trong vụ tai nạn số tiền 5 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng, ngoài ra Hội chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ gia đình có người tử vong 1 triệu đồng và 500.000 đồng cho gia đình thân nhân có người bị thương.
Phóng to |
Người nhà bên thi thể các nạn nhân tại nhà xác BV đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thái Bá Dũng |
Phóng to |
Chị Lê Thị Hương ngất xỉu khi nghe tin em rể Nguyễn Văn Kỳ tử vong trên đường về lại Tiền Giang. Ảnh: Thái Bá Dũng |
Phóng to |
Tăng ni Phật tử cầu kinh cho các nạn nhân tử vong tại nhà xác bệnh viện. Ảnh: Thái Bá Dũng |
Thảm khốc, kinh hoàng!
Đến 2g sáng ngày 18-5, lực lượng cứu hộ đã dùng xe cứu hộ đặt trên cầu 14, buông cáp xuống vị trí xe khách bị lật nằm bên mép sông Sêrêpok và đưa được một trong ba nạn nhân còn bị kẹt trong xe, nạn nhân được xác định tên Lâm (khoảng 35 tuổi, là tài xế chính của chiếc xe khách) ra khỏi xe. Hai nạn nhân cuối cùng còn lại trong chiếc xe vẫn còn bị mắc kẹt ở vị trí khó khăn, lực lượng chức năng tiếp tục công tác cứu hộ.
Có mặt tại hiện trường, thượng tá Võ Lai - phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết bằng mọi cách phải cẩu được chiếc xe khách bị tai nạn lên vị trí khô ráo và đưa các nạn nhân ra khỏi xe để làm công tác điều tra trước khi nước sông Sêrêpok dâng cao do thủy điện ở phía thượng nguồn xả nước chạy máy.
Phóng to |
Đưa người bị nạn ra khỏi xe - Ảnh: Thái Bá Dũng |
Phóng to |
Công tác cứu nạn tại hiện trường vụ lật xe - Ảnh: Thái Bá Dũng |
Nhiều người dân chứng kiến vụ tai nạn cho biết, lúc 22g30 tối 17-5 khi dòng xe đang nối đuôi nhau qua cầu 14 theo hướng từ Đắk Lắk về thì chiếc xe khách mang biển kiểm soát 47V – 2371 của HTX vận tải Quyết Thắng (huyện Krông Pắk) do tránh hai xe máy chạy phía trước đã bất ngờ mất lái và tông thẳng vào lan can cầu 14, lúc này xe đã lên cầu được khoảng 10 mét.
Ngay lập tức, chiếc xe nhanh chóng rơi tự do và lật úp sát mép sông Sêrêpok, vị trí xe rơi có chiều cao cách mặt cầu khoảng gần 20m. Mui xe bẹp dúm, xe bị văng cả bánh trước.
Ngay lập tức, những người dân xung quanh đã cùng nhau ra đập cửa xe để đưa được ba người bị thương đi cấp cứu. Hàng chục người đi trên chiếc xe khách bị mắc kẹt trong xe. Đến khoảng 23g hai xe cứu hộ đã được huy động, hàng trăm cảnh sát và nhân viên y tế được điều động đến hiện trường.
Đến 23g30, khu vực cầu 14 bị phong tỏa, việc lưu thông xe cộ trên cầu này được tạm dừng để phục vụ công tác cứu hộ. Phía trên cầu, nhiều xe cứu thương của Bệnh Viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk và xe cứu thương từ huyện Cư Jút, Đắk Nông liên tục nổi còi ưu tiên và trực chiến để chở người bị nạn đi cấp cứu, các nạn nhân lần lượt được đưa lên nhưng hầu hết trong số này đã bị tử nạn.
Phía dưới lòng sông, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và nhiều người dân đã cùng nhau dùng vật cứng đập cửa xe để kéo các nạn nhân ra khỏi xe. Do chiếc xe rơi ở độ cao và trong điều kiện đêm tối nên việc cứu hộ hết sức vất vả. Lực lượng cứu hộ phải dùng cưa sắt cắt vỏ xe để lôi các nạn nhân ra bên ngoài, nhiều thi thể đã bị biến dạng hoàn toàn. Phía dưới mép sông và trên khu vực cầu hàng chục nạn nhân được đặt tạm thời để chờ cứu hộ và xác định danh tính.
2g sáng 18-5, dòng xe dồn ứ trên quốc lộ 14 đoạn qua cầu 14 bắt đầu được cảnh sát giao thông phân luồng để đi lại. Dưới lòng sông và trên bờ, công tác cứu hộ vẫn được tiếp tục. Có mặt tại hiện trường lúc này có đại tá Trần Kỳ Rơi - giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, ông Lê Xuân Biểu - giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk kiêm phó Ban an toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk cùng giám đốc của HTX vận tải Quyết Thắng.
Đêm đẫm lệ...
Từ 0g, từng chiếc xe cấp cứu lần lượt đậu trước cửa khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa Đắk Lắk đưa những nạn nhân đầu tiên bị thương trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại cầu 14 (quốc lộ 14). Trên xe lúc này hành khách phần lớn là công nhân, học sinh sinh viên. Những nạn nhân được đưa vào khoa cấp cứu hầu hết bị gãy tay, gãy chân, phần đầu, mặt… Bệnh viện đã phải huy động hết tất cả những y bác sĩ trực để chăm sóc, sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân.
Cứ 10-20 phút lại thêm một nhóm nạn nhân được đưa vào, thỉnh thoảng người nhà các nạn nhân lại chạy vào khoa để tìm kiếm người thân hầu mong người thân mình vẫn còn sống…
1g, nạn nhân Phan Thị Thanh Lam (sinh năm 1995) được đưa vào sơ cứu phần tay phải bị gãy. Lam cho biết, mình vừa học xong lớp 11 tại xã Krông Búk (Krông Pắk), nghỉ hè nên xin ba mẹ xuống Sài Gòn thăm các anh chị ở dưới đó. Lúc tai nạn xảy ra Lam đang ngủ say nên không hề hay biết gì, mãi đến khi chiếc xe rơi xuống mép sông thì mới bò ra phần cửa kính bị vỡ và được cứu.
Tương tự là trường hợp may mắn của Nguyễn Mạnh Tuấn (Krông Pắk, Đắk Lắk), sinh viên năm cuối trường CĐ Kinh tế đối ngoại. Tuấn cùng 4 người bạn khác đón xe từ km49 quốc lộ 14 đi TP. HCM ôn thi tốt nghiệp nhưng không ngờ lại xảy ra thảm họa. Tuấn cho biết em và đám bạn ngồi phía sau nên không biết được rõ lắm, chỉ biết chiếc xe gặp tai nạn tránh một chiếc xe khác trên cầu 14 nhưng lạc tay lái và lật nhào xuống sông. Khi được đưa lên đường thì được biết có một người bạn bị thương nhẹ nên được đưa đến bệnh viên đa khoa Cư Jút chăm sóc, còn ba người nữa chưa biết thế nào. Trong lúc được các y bác sĩ chăm sóc phần tay và chân bị gãy, môi và mặt bị sưng bầm, Tuấn liên tục hỏi các điều dưỡng không biết đau như thế này có kịp dậy đi thi tốt nghiệp sắp tới không…
Bên cạnh giường của Tuấn là trường hợp của em Nguyến Hứa Xuyến (17 tuổi), công nhân cắt sợi tại TP HCM bị thương khá nặng nhưng mãi không thấy người thân. Xuyến cho biết gia đình nghèo quá nên em vào TP.HCM làm công nhân, gom được ít tiền về nhà để đi học tiếp nhưng rồi vì nhà lại gặp chuyện ngặt nghèo nên tối em xách ba lô đi TP.HCM lại thì gặp nạn…
1g20, ngoài hành lang bệnh viện, hai vợ chồng trung niên đi tới đi lui, khóc nức nở và chờ đợi từng nạn nhân được đưa vào viện xem có con mình hay không. Con của ông bà tên là Lê Thị Thu Hà (P.Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột) đang là sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - đón xe này đi ngang qua nhà hồi 22g, chưa đầy một tiếng sau vợ chồng bà nhận hung tin. Chạy ra cầu không thấy con, người ta chỉ lên bệnh viện ông bà lại lên tìm nhưng mãi vẫn chưa thấy con.
Một người mẹ khóc dữ dội hơn vì một dự cảm chẳng lành. 2g20, bà được thông báo không còn đưa người sống nào về cấp cứu nữa nên chỉ còn một nơi để tìm con: nhà xác. Vợ chồng bà đến nhà xác bệnh viện thì con gái thân yêu của ông bà đang nằm chung với hơn 30 nạn nhân xấu số khác… Người mẹ như ngã quỵ và hét lên “con tui đây rồi, sao vậy con ơi!”…
Trong phòng cấp cứu lúc này nhiều người để ý đến trường hợp cháu Lê Thị Bích Trâm (5 tuổi) có bố là Lê Công Bằng và mẹ là Trần Thị Thanh Trúc (đều ở Krông Pắk). Khi được y bác sĩ, công an hỏi bé Trâm đều trả lời rành rọt tên ba, mẹ và cả địa chỉ nhà. Anh Bằng, ba của bé Trâm (cũng là một tài xế của chiếc xe này, được phân công lái từ đoạn Đắk Nông về TP.HCM) đưa con và vợ đi TP.HCM thăm một người con khác đang học tại đây thì tại nạn xảy ra.
Thỉnh thoảng bé Trâm co giật, và hỏi ba mẹ đã về chưa. Bà nội bé, bà Trần Thị Thuận vừa phải chăm sóc cháu nội, vừa nghe ngóng xem các y bác sĩ có gọi tên người nhà nạn nhân Bằng, Trúc không. Nhưng 2g30, bà được các y bác sĩ tại nhà xác gọi đến nhận diện người thân!...
Theo các y bác sĩ, đến 3g ngày 18-5, đã có 34 nạn nhân xấu số được đưa về đây làm thủ tục để người thân đến mang về lo hậu sự.
STT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Địa chỉ |
1 | Bùi Thị Thơ | 1989 | Vụ Bổn, Krông Pắk |
2 | Bùi Đức Quyền | 1998 | T13, Vụ Bổn, Krông Pắk |
3 | Trần Thị Thanh Trúc | 1972 | Thị Trấn Phước An, Krông Pắk |
4 | Nguyễn Thị Tố Linh | 1990 | Ea Phê, Krông Pắk |
5 | Lê Công Bằng | 1973 | Ea Yông, Krông Pắk |
6 | Nguyễn Văn Biên | 1993 | Ea Tly, Krông Pắk |
7 | Nguyễn Văn | 1969 | Ea Phê, Krông Pắk |
8 | Nguyễn Đình Tú | 1990 | Phước An, Krông Pắk |
9 | Trương Văn Dũng | 1983 | Phước An, Krông Pắk |
10 | Trương Thị Diệu | 1931 | Ea Phê, Krông Pắk |
11 | Nguyễn Thị Mai | 1950 | Ea Kênh, Krông Pắk |
12 | Mai Thanh Lâm | T1, Cư Ni, EaKar | |
13 | Hoàng Thị Hồng | 1989 | Ea Tý, EaKar |
14 | Nguyễn Ngọc Hiển | 1991 | Đoàn kết, EaKmut, EaKar |
15 | Mai Thị Thanh Ngọc | Ea Ô, Ea Kar | |
16 | Nguyễn Ngọc Hiếu | 1995 | Khối 1. Ea knốp, EaKar |
17 | Nguyễn Hữu Sơn | 1991 | Cư Ni, EaKar |
18 | Phạm Quang Thành | 1993 | Ea Blay, EaKar |
19 | Hà Thị Lan | 1965 | Ea Kmut, EaKar |
20 | Nguyễn Bình Phương | 1991 | Ea Kmut, EaKar |
21 | Ven A Lập | 1970 | T4, EaMlay, M'Đrắk |
22 | Trần Quốc Hưng | 1987 | Thị trấn M'Đrắk |
23 | Đặng Văn Thuận | 1983 | Krông Zin, M'Đrắk |
24 | Trần Lữ Thanh Trà | 1988 | Krông Zin, M'Đrắk |
25 | Nguyễn Thị Thương Huyền | 1992 | T5, EAMlang, M'Đrắk |
26 | Hồ Thị Thủy | 1975 | T4, EaMlay, M'Đrắk |
27 | Trần Văn Thân | 1992 | T8, EaMlay, M'Đrắk |
28 | Lê Thị Thu Hà | 1987 | Phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột |
29 | Hoàng Ngọc Thắng | 1975 | Kim Sơn, Ninh Bình |
30 | Nguyễn Xuân Côi | 1987 | Phước Long, Bình Phước |
31 | Nguyễn Văn Kỳ | 1971 | Long Xuyên - An Giang |
32 | Phạm Ngọc Lâm | 1970 | Ninh Hòa, Khánh Hòa |
33 | Ngô Lâm Ngọc Thu | Mỹ Tho - Tiền Giang | |
34 | Lê Thị Thảo | 1987 | Gia Nghĩa, Đăk Nông |
35 | Vô danh (Nam) | Chưa rõ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận