Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường - cơ quan thẩm tra - cho rằng quy định như vậy vừa đảm bảo giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt.
Quá nhiều giá, phí
Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách, cho biết: “Sau nhiều lần thảo luận, chúng tôi kết luận điện vẫn phải là mặt hàng được Nhà nước định giá. Thứ nhất, đến nay điện vẫn do doanh nghiệp nhà nước độc quyền, vì vậy Nhà nước phải định giá để tránh tình trạng giá độc quyền, lợi nhuận độc quyền. Thứ hai, vì nó là mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Thứ ba, trong điều kiện đang bình ổn thị trường thì phải có chính sách giá hợp lý”. Ông đề xuất trong dự luật cần quy định Thủ tướng Chính phủ là người quyết định giá bán lẻ bình quân (trong đó tính giá hợp lý, lợi nhuận hợp lý).
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hiện nay vừa là nơi làm ra điện, chở điện đi bán, lại là nơi mua điện của người khác để bán lại. Tất nhiên EVN mua theo giá do mình đưa ra vì EVN nắm giữ truyền tải. Như vậy, cơ cấu tổ chức của ngành điện phải tính toán lại. “EVN chỉ nên là tập đoàn mua điện và bán điện, còn việc sản xuất điện thì thị trường hóa có sự tham gia của nhiều thành phần” - ông Hùng nói.
Một trong những bất cập của dự luật được ông Hiển chỉ ra là việc quy định quá nhiều loại giá như giá truyền tải, giá phân phối, giá bán buôn, giá dịch vụ hỗ trợ, rồi phí điều tiết điện lực... “Với tầng tầng nấc nấc giá, phí như vậy, quá nhiều khâu trung gian sẽ đẩy giá điện lên” - ông Hiển nói. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng quy định phí điều tiết điện lực là khó được chấp nhận vì không đúng bản chất của phí, vì nhiều hạng mục chi của loại phí này nằm trong hoạt động quản lý nhà nước.
“Đúng là có cảm giác là rất nhiều loại phí và rất nhiều loại giá” - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phúc đáp. Ông Hoàng giải thích sở dĩ có các quy định như vậy là vì chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu ngành điện, trong đó có rất nhiều khâu từ sản xuất, truyền tải đến phát điện. Có những khâu Nhà nước vẫn giữ độc quyền như truyền tải, còn khâu bán lẻ hiện nay Nhà nước độc quyền nhưng tương lai có thể xã hội hóa. Vì nhiều khâu, nhiều bên tham gia nên mới có nhiều loại phí, loại giá.
Báo in chỉ được quảng cáo tối đa 15%
Thảo luận lần cuối về dự án Luật quảng cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc không quy định diện tích quảng cáo trên báo điện tử. “Trên báo điện tử, người sử dụng có thể hoàn toàn chủ động tắt, mở các nội dung mình cần, do vậy không cần thiết phải quy định diện tích quảng cáo.
Để đảm bảo quyền lợi của độc giả, dự luật quy định: phần quảng cáo cố định không được lẫn vào phần nội dung tin, đối với quảng cáo không cố định phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây sau khi nhấp chuột” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi giải thích.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với quy định diện tích tối đa 15% đối với ấn phẩm báo in, 20% đối với tạp chí, 10% tổng thời lượng đối với báo nói và báo hình. Tuy nhiên, với truyền hình trả tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng quy định thời lượng quảng cáo tối đa 5% là không phù hợp.
“Đã thu tiền để cung cấp dịch vụ truyền hình mà còn được quảng cáo 5% thời lượng là quá lớn” - bà Mai nói. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị dự luật cần bổ sung quy định việc quảng cáo dịch vụ y tế, quảng cáo thực phẩm thì buộc phải có cơ quan chuyên môn thẩm định. “Hiện nay nhiều phòng khám quảng cáo rất ghê gớm, bác sĩ, thầy thuốc tài ba, chữa bách bệnh, rồi các loại thần dược... Chúng tôi thường nói vui là bác sĩ mà quảng cáo quá mức kiểu đó có khi mổ thương binh thành liệt sĩ” - ông Tiến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận