TT - Ðó là nhận xét của kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam, về phương án khắc phục việc rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2.
Theo ông Tuấn, việc khắc phục hiện chỉ ở mức an dân, tức là chỉ làm nước ít xuất hiện trên bề mặt thân đập nhưng thực tế lượng nước thấm qua và đổ về hạ lưu vẫn không đổi.
Phóng to |
Chiều 22-3, nước vẫn chảy trắng tràn thân đập. Công nhân đang bắt ống gom nước đảm bảo độ “thẩm mỹ” cho công trình - Ảnh: Tấn Vũ |
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-3, kỹ sư Tuấn nói: "Chống thấm, ngăn nước quan trọng là phải làm phía thượng lưu chứ không thể "bịt" phía hạ lưu như cách đang làm. Cần phải có các thiết bị hiện đại để "siêu âm" thân đập này mới kết luận được chứ không thể nhìn bề ngoài".
Theo ông Tuấn, nguyên nhân nước chảy ra phía hạ lưu bờ đập nhiều như vậy còn chưa làm rõ và theo quan sát của ông, lượng nước đổ về phải hơn rất nhiều so với báo cáo. Ông lo lắng việc nước đổ về phía hạ lưu nhiều như vậy không biết có làm thủy hóa bêtông bên trong hay không.
Chính quyền huyện Nam Trà My cho hay đang chờ văn bản chính thức từ Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng mới có thể thông báo cho người dân an tâm.
Dù đã được các chuyên gia của Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng "bắt mạch" cho đập thủy điện Sông Tranh 2, đưa ra các giải pháp hạn chế tối đa lượng nước rò rỉ qua thân đập như hạ mực nước hồ, tìm mọi giải pháp để giảm hết cỡ lượng nước rò rỉ nhưng đến chiều tối 22-3, nước vẫn tuôn trắng tràn.
Tại bờ đập chính phía hạ lưu, một cửa nắp đường hầm đã được mở. Nhiều công nhân mang bao ximăng, vật liệu, dây thừng lui cui làm việc trong khoảng không gian chật chội này.
Trong khi đó, ngay tại khe nhiệt số 16 sát tràn đập phía trái, bốn công nhân đang nối các đường ống nhựa thu gom nước để kéo về phía suối. Những khe nước hai bên tràn đập vẫn tuôn ào ạt, đặc biệt hai khe số 16 và số 11 nước tung bọt mạnh trắng xóa như những ngày qua.
Ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, cho hay mực nước hồ hiện tại là 167,3m và chỉ giảm 30cm so với ngày 21-2 do chỉ có một tổ máy phát điện, tổ máy còn lại đang bảo trì.
Trước đó, trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tiến sĩ Bùi Trung Dung - phó cục trưởng Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - đưa ra khuyến cáo nên giảm ngay lượng nước thấm qua đập, dung lượng 30 lít/giây là khá nhiều và nên làm đêm để nhanh chóng khắc phục việc nước rò rỉ.
TẤN VŨ - BẮC BẰNG
__________
Tin bài liên quan:
Nhiều vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2Đập Sông Tranh "có vấn đề"EVN làm việc vụ thủy điện Sông Tranh 2Yêu cầu khắc phục lỗi đập thủy điện Sông TranhĐập thủy điện Sông Tranh 2: Khâu nào cũng có lỗi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận