Kỳ 1: Thêm phí, thêm gánh nặng Kỳ 2: 3 cái sai của... trạm thu phí Kỳ 3: “Loạn” phí giao thông, vì sao?
Phóng to |
Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa), con đường huyết mạch mà còn bị thiếu duy tu, để cho hư hỏng thế này! - Ảnh: Tiến Thành |
“Giải pháp” phải là những đề án, kế hoạch được soạn thảo một cách khoa học, đồng bộ, có tính hợp lý và khả thi cao, trong khi báo cáo của Chính phủ chỉ đề xuất “tên gọi” hay “khẩu hiệu” của giải pháp. Có thể nói khi đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo này là đồng tình với quyết tâm chính trị và cam kết của Chính phủ trong việc giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, đồng tình việc Chính phủ soạn thảo các đề án một cách nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, có tính khả thi cao. Thực tế là Quốc hội đã thông qua “cả gói”, chứ không hề thông qua những giải pháp cụ thể, vì lúc ấy chưa có những giải pháp cụ thể nào.
"Nếu đã huy động thêm “tiền túi” của dân (ở đây là hàng tỉ đôla mỗi năm) thì phải có người chịu trách nhiệm cụ thể, có chế tài thích đáng khi làm sai hoặc mục đích không đạt" |
Về mặt pháp lý và chính sách, việc hạn chế “quyền đi lại bằng xe cá nhân” chỉ được phép làm sau khi đã có một hệ thống đường và phương tiện giao thông công cộng khả dĩ đảm bảo được một phần nhất định nhu cầu của người dân. Và việc hạn chế “quyền đi lại bằng xe cá nhân” là vì lợi ích của xã hội, kể cả của chính người bị hạn chế. Hạn chế xe cá nhân không chỉ đơn giản và trước hết là thu phí phương tiện giao thông, càng không thể thu một cách đồng loạt, cào bằng, ấn định không có cơ sở khoa học nào. “Phí” phải được đánh đổi ngang giá với “dịch vụ”, đáp ứng một “lợi ích” cụ thể nào đó và phải là tự nguyện, nếu không thì giống như người dân phải “móc tiền túi”, tức là phần thu nhập hợp pháp sau thuế, là tài sản hợp pháp của họ, để đóng thêm một loại thuế nữa.
Ở một số nước, người ta huy động người dân đóng góp cho những công trình giao thông cụ thể, hạch toán minh bạch, sản phẩm được nghiệm thu chặt chẽ và được gắn bảng “Con đường này được xây dựng bằng tiền đóng góp của người dân”. Không thể ép người dân nộp thêm phần thu nhập cá nhân hợp pháp còn lại (với nhiều người là rất ít ỏi) của mình cho những dự án mà họ không được biết rõ, không thể kiểm soát và không biết có ai sẽ chịu trách nhiệm, sẽ bị trừng phạt hay bồi thường không nếu số tiền ấy bị tiêu xài lãng phí, bị thất thoát hoặc không đạt được mục đích đã định.
Theo tôi, trước hết Bộ GTVT cần khảo sát tất cả các loại phí mà hiện nay người sử dụng phương tiện giao thông đang phải đóng, từ đó đánh giá xem như vậy là nhiều hay ít, hiệu quả ra sao, đã khoa học và hợp lý chưa. Trên cơ sở đó, bộ sẽ đề xuất thêm hay bớt, tăng hay giảm những loại nào. Việc thu thêm phí, nếu có, phải trên cơ sở một loạt luận chứng khoa học, có tính hợp lý, có mục tiêu và lộ trình cụ thể, cách làm minh bạch, có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Toàn bộ phí thu sẽ được nhập vào ngân sách theo những hạng mục riêng và việc chi tiêu được kiểm soát chặt chẽ bởi Quốc hội.
Ngoài ra, việc thu phí còn phải có tình, tức là có sức thuyết phục, tạo được đồng tình của đa số, người dân đóng tiền thêm mà vẫn thấy công bằng, hợp lý, yên tâm. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ: dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Cách làm của Bộ GTVT cho đến nay chưa đi theo hướng này.
Người dân có quyền khiếu nại * Thưa luật sư, loạt bài “Loạn” phí giao thông, vì sao? có nêu ba cái sai của việc thu phí giao thông hiện nay, gồm: các trạm thu phí được đặt san sát nhau, không bảo đảm khoảng cách 70km như quy định, thu phí người không sử dụng đường và phí chồng phí. Như vậy, người dân muốn khiếu nại thì khiếu nại ở đâu? - LS Nguyễn Văn Hậu: Theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo, công dân có quyền khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính người có quyết định, hành vi đó hoặc của cấp trên. Do đó, đối với việc các trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách, thu phí người không sử dụng đường, phí chồng phí thì người dân có thể khiếu nại đến người đứng đầu của cơ quan ban hành văn bản xâm phạm đến quyền lợi của công dân. * Đã xảy ra chuyện “khó tin nhưng có thật” là nhà đầu tư đặt trạm một đằng thu phí một nẻo. Những phương án này đều đã được Chính phủ phê duyệt. Theo luật sư, có cách gì để khắc phục chuyện này không? - Trường hợp đặt trạm một đằng nhưng lại thu phí một nẻo như việc đặt trạm ở quốc lộ 1, cửa ngõ vào Thanh Hóa để thu phí cho đường tránh nằm cách đó 2km, hoặc đặt trạm ở quốc lộ 1A để thu phí cho cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đã được Chính phủ phê duyệt thì người dân có quyền gửi đơn kiến nghị đến Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ để xem xét lại việc đặt trạm thu phí cho đúng quy định, tránh xâm phạm đến quyền lợi của công dân. * Pháp lệnh phí và lệ phí nêu rõ: “Người nào không thực hiện đúng những quy định về việc ban hành, tổ chức thực hiện, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Nếu người làm sai ở cấp cao thì việc xử lý thế nào? - Đối với hành vi vi phạm những quy định về việc ban hành, tổ chức thực hiện, quản lý và sử dụng phí, lệ phí của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, việc xử lý sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật về dân sự, hành chính và hình sự mà không có sự phân biệt người đó là quản lý cấp cao hay công dân. * Cảm ơn luật sư. |
Kêu trời vì phí Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2011 của Hiệp hội Vận tải Hà Nội ngày 22-3, hầu hết các doanh nghiệp vận tải ôtô kiến nghị giảm mức phí bảo trì đường bộ và lùi thời gian đóng phí đến 1-1-2013. Đồng thời hiệp hội cũng kiến nghị xem taxi là loại hình vận tải công cộng, không phải chịu thuế hạn chế phương tiện cá nhân như đề xuất của Bộ GTVT. Về phí bảo trì đường bộ, ông Hoàng Quang Ngọc - giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà (Hà Nội, chuyên vận tải hàng hóa container) - cho rằng cần có lộ trình để thu phí chứ không thu ngay đồng loạt với doanh nghiệp vận tải. “Với xe đầu kéo container, Bộ GTVT dự tính thu 1,4 triệu đồng/tháng/xe, thu theo định kỳ đăng kiểm. Mức thu và cách thu như thế là vòng kim cô với ôtô vận tải. Không phải ôtô vận tải nào cũng làm đủ 30 ngày mỗi tháng do phải sửa hoặc lúc không có hàng để chở. Như tôi và một vài đơn vị có hàng trăm đầu xe container, nếu nhân mức phí đóng cùng một thời điểm theo kỳ đăng kiểm sáu tháng một lần thì số tiền phải nộp ngay lập tức rất lớn, doanh nghiệp không biết lấy đâu ngay ra tiền. Cách làm của Bộ GTVT như thế này không khác gì bóp chết chúng tôi” - ông Ngọc cho biết. Ông Trần Quốc Khải, chủ nhiệm HTX taxi Nội Bài, kiến nghị: “Tôi đi nước ngoài thấy các nước phát triển bù giá trợ giá cho vận tải công cộng. Ở châu Âu có những nước doanh nghiệp mua xe để vận tải xe buýt, taxi thì chính phủ bù giá 40%. Trước đây xe vận tải được giảm phí trước bạ, nay taxi cũng bị đóng phí bằng với phương tiện cá nhân, phí trước bạ tăng lên 20%. Một số nước trong khu vực có cước vận tải taxi, công cộng rẻ vì đầu tư phương tiện rẻ, còn chúng ta mua xe giá cao, phí cao lại bị đánh đồng các loại phí”. Tổng kết hội nghị, ông Bùi Danh Liên (chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) bày tỏ thất vọng: “Chúng tôi có mời Ban dân vận Thành ủy Hà Nội, mời Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội tới dự nhưng các nơi này không đến. Có thể vị thế của Hiệp hội Vận tải chúng tôi không lớn với xã hội chăng?”. Ông Liên cũng nói: “Tôi nói thẳng trách nhiệm ùn tắc giao thông là của Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội qua các thời kỳ. Tại sao người Pháp thiết kế giao thông khu vực Hoàn Kiếm đến nay không tắc nhưng các khu vực mới lại ách tắc? Đó là do tầm nhìn của lãnh đạo chỉ làm cho hết nhiệm kỳ. Nhưng bây giờ cần các giải pháp cấp bách thì phải bàn với dân, cháy nhà thì phải xúm vào chữa chứ không phải lúc đó ngồi đợi trang bị, tập huấn cứu hỏa”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận